TINH HOA XANH

Phương pháp Sao Dược liệu

 Sao gián tiếp

1. Sao cách cám

a) Mục đích:

- Tăng tác dụng kiện tỳ hòa vị;

- Giảm tính chất khô táo của vị thuốc;

- Khử mùi hôi của một số dược liệu là côn trùng (Bạch cương tàm).

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Đun chảo nóng khoảng 140-160°C, cho cám gạo vào chảo, đảo đều đến khi có mùi thơm cám, có khói trắng bay lên thì cho vị thuốc vào sao cùng, đảo nhanh, đều đến khi vị thuốc màu vàng hoặc màu thẫm lại. Đổ toàn bộ xuống rây sắt, rây bỏ cám, tãi cho nguội, đóng gói;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Thương truật, Bạch truật, Chỉ thực, Chỉ xác...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, nhuận, màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng của cám gạo rang.

2. Sao cách gạo

a) Mục đích: Tăng tác dụng kiện tỳ, vị.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Đun lửa vừa cho chảo nóng, cho gạo và dược liệu vào chảo, đảo đều đến khi dược liệu có màu vàng, mùi thơm, đổ ra rây sắt, rây bỏ gạo, để nguội;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Nhân sâm, Đảng sâm....

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, mùi thơm đặc trưng của gạo rang.

3. Sao cách bột văn cáp

a) Mục đích: Làm chín một số vị thuốc dễ bị kết dính khi sao.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Cho bột văn cáp vào chảo, đun và đảo đều đến khi bột văn cáp nóng khoảng 200 - 250°C (thường khi đảo thấy bột chuyển động linh hoạt), cho vị thuốc vào đảo đến khi đạt tiêu chuẩn riêng của vị thuốc;

- Phương pháp này áp dụng chế biến A giao.

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc có lớp mỏng bột văn cáp màu trắng, trơn.

4. Sao cách cát

a) Mục đích:

- Nâng cao nhiệt độ sao;

- Truyền nhiệt đều vào các dược liệu có góc cạnh.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Cho cát vào chảo vừa đun nóng khoảng 250 - 300°C, đảo đều đến khi thấy cát chuyển động linh hoạt, cho vị thuốc vào, đảo đều và nhanh đến khi đạt tiêu chuẩn riêng, sàng bỏ cát, để nguội;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Mã tiền tử, Xuyên sơn giáp...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Đạt tiêu chuẩn riêng của mỗi vị thuốc.

5. Sao cách đất

a) Mục đích: Tăng tác dụng kiện tỳ, an vị, chống nôn;

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Đất sét màu vàng (hoàng thổ) sao đến khi nóng đều (khoảng 60 - 100°C), cho vị thuốc vào, đảo đều tay đến khi vị thuốc được bám một lớp bột đất màu vàng trên bề mặt vị thuốc, mùi thơm, đổ ra, rây bỏ đất, xoa đến khi hết bột đất;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Bạch truật.

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, bề mặt ngoài có màu vàng của đất.

Tổng hợp

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""