Thuốc hoàn là 1 dạng thuốc làm bằng dược liệu tán mịn và chất dính vê thành viên hoặc nén thành viên dẹt.
Những bài thuốc có vị độc (Thạch tín, Hùng hoàng, Hoàng nàn...) hoặc có chất thơm không sắc được và dùng để trị bệnh suy nhược mãn tính thì phải bào chế dạng thuốc hoàn.
Thuốc hoàn có những thuận lợi sau đây:
1. Thuốc tan chậm do đó thuốc ngấm dần làm cho thuốc có tác dụng trị bệnh mãn tính (hoàn có nghĩa là hoãn sự thẩm hút).
2. Làm dễ uống đối với các vị thuốc có mùi vị khó chịu (A nguỳ, Hắc phàn...)
3. Thuốc uống đúng liều lượng.
4. Có thể đưa thuốc xuống tận ruột, tránh tác dụng phá huỷ của dịch vị.
5. Thuốc ít bị ảnh hưởng của không khí và hơi nước nên dễ bảo quản hơn thuốc tán.
Thành phần thuốc hoàn:
a) Dược liệu, thường là thảo mộc, động vật, thuốc cao đặc hoặc khô, hoá dược...
b) Tá dược là những chất không làm ảnh hưởng tới thuốc và còn có tác dụng làm tăng tính chất chữa bệnh của thuốc. Tá dược thay đổi tuỳ theo tính chất của dược liệu và thường trong công thức có ghi rõ dùng tá dược nào. Tá dược thường dùng là mật, bột nếp, nước, cao động vật...
Nếu trong bài thuốc có sẵn mật, đường thì dĩ nhiên ta lấy những vị này để làm tá dược.
Dụng cụ làm thuốc hoàn:
1. Thuyền tán: hiện nay có nhiều cải tiến để tăng năng suất và giảm sức lao động, được vệ sinh hơn. Tán nhiều thì dùng máy tán. Máy tán bằng bi có độ mịn cao nhất.
2. Rây: loại mua ở chợ chưa đáp ứng được yêu cầu độ mịn, dùng rây ngoại số 22 thì tốt.
3. Thúng lắc: nên làm bằng nhôm, nhẹ và vệ sinh.
4. Sàng: làm bằng giang để chọn lọc độ to nhỏ của viên thuốc theo yêu cầu: ít nhất là có 2, 3 cỡ.
5. Cối chày: bằng đá để giã nhuyễn.
6. Bàn chia viên: để lăn và cắt thành viên. Cần có nhiều cỡ bàn 0.10-0.20g.
7. Ống in viên: viên này hình dẹt 0.50-1-2g.
8. Máy vo viên: thay thúng lắc để làm viên nhỏ 0.10-0.15g.
9. Máy làm viên mềm: thay cho bàn lăn và ống in viên.
10. Máy nén viên: kiểu Trung Quốc, cỡ viên 0.20-0.50g.
11. Tủ sấy: bằng điện hoặc đốt than, nhiệt độ 60°-100°.
Cách bào chế
Dược liệu được dùng nhiều nhất là thuốc phiến đã được sao tẩm theo yêu cầu của bài thuốc, sấy nhẹ cho khô rồi tán riêng hoặc tán chung, rây thật mịn rồi trộn đều với tá dược làm viên. Cách làm thường chia mấy loại tuỳ theo tính chất của tá dược.
1. Thuốc hoàn mật: Thường dùng mật ong vì bảo quản tốt, hơn nữa mật ong đã có sẵn chất dinh dưỡng hơn các mật khác. Mật ong nên chọn thứ trong, trắng, đặc: loại sắc đỏ thẫm hoặc có lẫn xác ong non thì không nên dùng vì dễ làm hỏng thuốc. Mật ong đã được chọn, đun nhanh cho sôi bồng, vớt bỏ bọt, (nếu để bọt, viên thuốc dễ bị mốc và mọt), cô lại bằng cách thuỷ, đến khi nhỏ 1 giọt nước lạnh không tan là được. Cô xong, trộn dần với bột thuốc trong cối đá, giã nhuyễn và dẻo, đến khi không dính chày cối là được. Dùng bàn chia viên hay ống in viên cỡ từ 0.50g đến 1-2g. Sấy khô ở nhiệt độ 60-80° (ví dụ bài số 1).
Thuốc hoàn mật dùng trị bệnh suy nhược mãn tính và dùng lâu.
2. Thuốc hoàn hồ: Hồ thường dùng là bột gạo nếp: cho nước vào, đun sôi quấy đều thành hồ.
Hồ loãng thì cứ 1kg bột thuốc dùng 20-30g bột gạo đun với 800-900ml nước, để thuốc chóng tiêu, hồ đặc thì cứ 1kg bột thuốc dùng 50g bột đun với 600ml nước để cho thuốc chậm tiêu (hồ này ít dùng): hồ lỏng quá thì viên thuốc chóng rời rã, hồ đặc quá, viên thuốc cứng rắn, khó tiêu. Được hồ rồi, lấy 1 ít bột dược liệu trộn với ít nước hồ cho hơi mềm rồi xát qua sàng thưa để làm hạt gây con: sấy khô. Cho hạt này vào thùng nhôm vẩy nước hồ, lắc tròn rồi lần lượt cho bột, nước hồ, lắc tới khi đạt được cỡ viên yêu cầu. Phải dùng sàng để loại viên cỡ bé và cỡ to quá, bé thì lắc lại, to thì phá đi làm lại (ít xảy ra). Loại viên này to bằng hạt đậu xanh hay bằng hạt ngô (0.10-0.15g).
Dùng hồ làm hoàn khi bài thuốc không có đường mật, cao động vật, hoặc dược liệu không có đủ chất dính (bài số 2).
3. Thuốc hoàn nước: Dùng nước làm hoàn phải có điều kiện cốt yếu là dược liệu có sẵn chất dinh dưỡng, và trong bài thuốc không có mật, đường cao động vật... nếu có những vị này thì pha loãng ra với nước mà lắc viên (đối với mật thì đun sôi vớt bỏ bọt).
Số lượng nước dùng để rẩy lên bột từ 80% đến 90% (thuốc Nam) và từ 40% đến 50% (thuốc Bắc) so với bột dược liệu. Làm viên bằng thùng lắc (bài số 3).
Thuốc hoàn nước có đặc điểm dễ tan hơn thuốc hoàn mật, hay hồ, dùng để chữa các bệnh cấp tính và ở thượng tiêu, nhưng khó bảo quản vì dễ nát và mốc.
Thuốc hoàn nước còn có thể dùng máy để nén viên 0.30g hay 0.50g. Muốn dùng máy làm viên nén, phải có mấy điều kiện sau đây:
- Bột dược liệu phải có chất dính (nếu không phải dùng hồ loãng).
- Bột dược liệu rẩy qua nước hoặc hồ loãng cho ẩm rồi xát qua sàng để làm cốm, sấy khô rồi mới cho vào máy nén (bài số 4).
- Nếu bột xốp quá, có nhiều tinh dầu, dù có thêm hồ loãng mà không nén được thì phải dùng cách lắc thúng.
4. Làm thuốc viên từ cao khô. Các loại thuốc viên trên đây có nhược điểm là có nhiều xơ, làm viên thuốc không mịn và không có tác dụng, nhất là trẻ em uống vào thêm nặng bụng khó tiêu: ta nên cải tiến các loại thuốc hoàn bằng cách nấu dược liệu thành cao khô, tán bột, rồi dập viên hoặc là nấu dược liệu chế thành cao sền sệt rồi trộn thêm 1 tá dược thích hợp (bột gạo tẻ,... hoặc 1 thứ bột nào khác có trong thành phần các bài thuốc như Hoài sơn...) sấy cho vừa khô, sát cốm rồi đập viên.
5. Cách chia viên: Thuốc hoàn dùng trị bệnh ở thượng tiêu (tim, phổi) ở hạ tiêu (gan, thận) thường làm viên cỡ 0.10g dùng trị bệnh trung tiêu (tỳ, vị) thì làm viên cỡ 0.20g trở lên.
Đối với thuốc có vị độc thì viên bằng hạt vừng, nếu bài thuốc chỉ có 1-2 vị, bằng hạt đậu xanh, nếu bài thuốc có 3-4 vị.
Áo viên thuốc:
Sau khi thuốc đã được chia thành viên với thúng lắc hoặc máy vo viên, Đông y thường "áo" viên thuốc lại mục đích để:
- Viên thuốc giữ được hương vị trong lần áo đó.
- Viên thuốc để được lâu.
- Viên thuốc được đẹp hơn, màu sắc được đồng đều.
- Đưa viên thuốc đến tận ruột (nếu cần).
Tá dược dùng để áo thường là lựa chọn vị thuốc có trong công thức như Thục địa, Dây tơ hồng, Hoạt thạch, Hùng hoàng, Chu sa, hoặc là dược liệu có lông gây ngứa không dùng bột được (Kim anh tử...). Dược liệu dùng để áo phải có mấy điều kiện sau đây:
- Dễ nấu thành cao lỏng hoặc dễ tán mịn;
- Có màu sắc đẹp;
- Để lâu không bị mốc (bài số 5).
Muốn áo thuốc, thì dùng thùng lắc hoặc máy vo viên.
Tóm lại, trên đây là mấy phương pháp căn bản làm thuốc hoàn thường dùng tại Viện Đông y, kỹ thuật bào chế từng bài thường hay thay đổi tuỳ theo tính chất của dược liệu trong công thức, không thể trình bày hết được. Từng bài nói chung phải thử xem có thích ứng với tá dược nào, với dụng cụ nào, sau đó mới làm hàng loạt được.
Làm thuốc hoàn phải chú ý vệ sinh dụng cụ, tránh ruồi nhặng nên dùng cách sấy hơn là phơi nắng, tránh bụi bặm, thành phẩm phải đóng gói vào chai lọ sạch sẽ gắn xi, sáp, để chỗ mát.
PHÒNG DƯỢC LIỆU - VIỆN ĐÔNG Y
Bình luận:
Bình luận
juigiteni Trả lời
01/06/2022https://newfasttadalafil.com/ - buying cialis online usa Oloibn Online Viagra Aqinyy Cialis E Psicofarmaci cialis online no prescription Pwqjdc palatoplasty Dapoxetina Si Trova In Farmacia Cmjofr https://newfasttadalafil.com/ - Cialis