Da của chúng ta giống như “anh bảo vệ” phủ khắp cơ thể. Chúng có độ đàn hồi của cao su thiên nhiên nên sẽ giãn ra, co lại dễ dàng, áp sát vào cơ và lớp mỡ dưới da. Nếu bị thừa cân, béo phì da bị căng quá mức sẽ gây ra nhiều hệ luỵ...
Rạn da
Da của chúng ta có ba lớp. Thượng bì được thay tế bào theo chu kỳ, trung bì chứa các sợi collagen và elastin làm da có thể co giãn. Hạ bì chứa mạch máu nuôi da. Nói rạn da là tổn thương của các sợi collagen và elastin. Béo phì, mỡ dưới da tích lại quá nhiều, các sợi collagen và elastin kéo căng ra và đứt tạo ra vết rạn (da phải căng tối đa để chứa mỡ. Chúng thường tạo ra các đường song song dài khoảng 2-6 cm, bề ngang chừng >1cm, có khi nhỏ hơn, tùy mức độ béo. Theo thời gian vết rạn sẽ nhạt màu dần và cuối cùng là trắng bóng như xà cừ. Về mặt mô học nếu cắt da vùng rạn soi dưới kính hiển vi chúng ta sẽ nhìn thấy các sợi collagen bị đứt, còn những sợi elastin thì co lại tạo ra những vằn sọc. Sự xuất hiện rạn da sẽ làm cho các chàng trai và cô gái sợ hãi. Con gái lo lắng vì sợ bị nghi là đã từng có bầu giống như mấy chị đã có gia đình. Con trai mặc áo ba lỗ hay ở trần sợ bạn bè chế giễu là “da rắn”. Cũng cần “giải oan” cho các cô gái mới lớn, một số trường hợp không béo phì nhưng do ảnh hưởng của hormon, do sự tăng trưởng quá nhanh, da không theo kịp cũng có những vết rạn nhỏ.
Khi đã bị rạn da rồi, nếu giảm cân thì da chùng xuống, chúng đã mất khả năng đàn hồi giống cao su nên việc phục hồi các sợi collagen và elastin quả là khó khăn. Một số chị có cái bụng hình trái lê, khi ăn kiêng, tập thể dục, bụng xẹp xuống lại còn tốn thêm mấy chục triệu cắt bớt da thừa, làm lại lỗ rốn nhưng vết rạn thì vẫn còn nguyên như những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Sau khi cắt chúng rồi may lại thì thay vì "bậc thang" giờ đây bạn sở hữu "đường giao thông" hẹp, cũng cay đắng lắm.
Còn nếu bạn có một vòng eo vượt chuẩn (nam>90cm, nữ >85cm) tức là bạn rơi vào một hội chứng có tên là “Hội chứng chuyển hóa”, một cái bụng lớn sẽ kèm theo tăng huyết áp, tăng đường huyết, lúc đó cần quan tâm điều trị những bệnh nguy hiểm bằng cách giảm béo, rạn da lại trở thành “chuyện nhỏ”.
Gai đen
Da được máu nuôi dưỡng. Nếu trong máu có rối loạn sẽ biểu hiện trên da. Ở bệnh nhân béo phì độ II da thường có những mảng màu đen xuất hiện ở các nếp gấp gọi đó là gai đen (Acanthoris Nigricans).
Khi điều trị cho bệnh nhân béo phì độ II chúng tôi thấy đa số có biểu hiện trên da: rạn da và gai đen. Gai đen biểu hiện là một mảng sắc tố màu đen nổi lên trên da. Chuyên khoa da liễu gọi đó là các u nhú chứa melamin và bị sừng hóa. Ở người béo phì gai đen xuất hiện ở các nếp gấp: cổ, nách, háng. Béo phì nặng, gai đen có thể xuất hiện ở âm hộ, niêm mạc miệng. Bệnh được ghi trong y văn thế giới từ năm 1889, đến 1909 mới được mô tả rõ hơn. Năm 1976 Kahn và cộng sự công bố mối quan hệ giữa gai đen và đề kháng insulin. Trên bệnh nhân béo phì tỷ lệ xuất hiện gai đen khá cao (30% người béo phì độ II và >50% với béo phì độ III). Gai đen luôn đối xứng cả hai bên cơ thể và khác với rạn da, gai đen sẽ biến mất khi giảm cân về mức lý tưởng.
Các nghiên cứu gần đây đều cho thấy gai đen có liên quan đến một tình trạng vòng eo lớn hơn bình thường song hành với đề kháng insulin gây tăng đường huyết.
Da cam
Bình thường mỗi người có từ 15-20% mỡ. Như vậy bạn nặng 60 kg thì tổng lượng mỡ dưới da toàn thân (kể cả mỡ bụng) có nhiều nhất là 12 kg. Chúng giống như các bong bóng tròn xếp liền nhau làm da của bạn căng mịn. Khi bạn thừa cân, béo phì, các bong bóng mỡ này buộc phải giãn tối đa để chứa những hạt mỡ đổ thêm vào. Chúng sẽ chèn ép các mao mạch đang nuôi dưỡng làn da, làm da khô cằn, thiếu dinh dưỡng, mô liên kết bị xơ cứng. Đồng thời chúng “đè” các sợi collagen làm giãn các sợi collagen khiến khả năng chun giãn của da kém hẳn. Hậu quả nhìn thấy là da trở nên lồi lõm, thô nhám y như vỏ trái cam. Đó là da cam (cellulite). Phụ nữ là phái đẹp nhưng nếu bạn không cảnh giác để bị thừa cân, béo phì thì rất tiếc phải nói với các người đẹp rằng: da cam lại xảy ra ở giới nữ nhiều hơn và rõ hơn nam giới.
Ở nam giới, các sợi collagen dưới da xếp thành các ngăn dạng hình thoi. Các sợi collagen nơi đây dầy hơn, tạo ra bức thành vững chắc để chứa “những chú mỡ tròn xoe” chả khác gì đập thủy điện được gia cố đúng tiêu chuẩn. Vì thế nam giới béo phì da căng nhưng không bị lồi lõm như da cam. Trong khi ở nữ, các sợi collagen sắp xếp theo dạng những ngăn dọc, song song, số sợị collagen lại ít, mong manh và lỏng lẻo hơn vì thế số tế bào mỡ có thể tích tụ trong những khoang dọc được nhiều hơn. Vì thế nếu ta dùng cân Omron đo khối mỡ toàn thân, bạn sẽ thấy mỡ toàn thân của nữ nhiều hơn nam giới. Điều hành lượng mỡ đến da của chị em là hai hormon của buồng trứng( estrogen và progesteron). Chúng không chỉ làm tăng lượng máu tới nuôi dưỡng da (phụ nữ có da hồng hào hơn nam giới) và cũng làm thay đổi cấu trúc mô liên kết dưới da nữa. Chẳng hạn khi mãn kinh hai hormon này sụt giảm, các sợi collagen bị lão hóa, chun giãn kém nên da bị nhão, chảy sệ xuống.
Khi bạn giảm béo thì những tế bào mỡ tròn trịa kia sẽ bị xẹp từ từ xuống khiến cho hình ảnh lồi lõm cũng bớt đi. Tốt nhất là đừng để xảy ra béo phì bởi hiện tượng xơ cứng tổ chức liên kết dưới da không dễ xóa mà nó cứ trơ trơ cùng năm tháng.
Lời khuyên của thày thuốc
Da là “tấm gương” phản chiếu sức khỏe, vì thế khi khám bệnh bác sĩ luôn có động tác “nhìn”. Với bệnh nhân béo phì kèm theo rạn da, da cam, gai đen rất cần có những biện pháp giảm cân hữu hiệu: giảm ăn, tăng vận động và sử dụng những tác nhân giảm mỡ. Tuy nhiên giảm ăn và tăng cường vận động là hai yếu tố cơ bản giúp bạn lấy lại làn da đẹp, xin đừng đi tìm những viên thuốc bởi chúng không “đấu” nổi với khối thực phẩm mà chúng ta ‘măm măm” hàng ngày đâu.
BS. Lê Thúy Tươi