TINH HOA XANH

Rượu đi đến đâu, cơ thể bị hủy hoại tới đó

Cứ mỗi dịp nghỉ lễ, số người tử vong do tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia lại khiến du luận bất an, lo lắng.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo việc uống rượu, bia có liên quan tới nguy cơ gây ra những vấn đề sức khỏe như rối loạn thần kinh, hành vi, bao gồm rối loạn sử dụng rượu bia, các bệnh không lây nhiễm chính, thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông.

Tác hại khôn lường của việc lạm dụng rượu, bia

Theo bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Rượu, bia đang gây tác hại to lớn cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội. Hiện không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe trong sử dụng rượu, bia. Sử dụng rượu, bia dù ít (12,5g cồn/ngày tức là nhỏ hơn việc uống 1 lon bia 330ml) vẫn có mối quan hệ nhân quả với 7 loại ung thư (vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng) và có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác (tụy, máu, tế bào bạch cầu...). Sử dụng rượu, bia còn gây rối loạn chuyển hóa là nguyên nhân gây ra các bệnh tiểu đường, mỡ máu... Sử dụng rượu, bia dù ít cũng làm chậm khả năng xử lý khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, vận hành máy móc. Sử dụng rượu, bia gây hậu quả nghiêm trọng đối với người vị thành niên và thanh niên dưới 25 tuổi (chậm phát triển não bộ, tăng nguy cơ quan hệ tình dục không an toàn, tự tử, sát thương, giảm sút kết quả học tập...).

    Rượu vào cơ thể con người để lại sự tàn phá trên đường đi

    Theo chia sẻ của PGS.TS Cao Thị Thu Hương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, rượu đi vào cơ thể từ miệng, đến dạ dày, vào hệ thống tuần hoàn, đến não, thận, phổi và gan. Những điều sau đây có thể xảy ra khi uống rượu:

    - Đối với miệng: rượu là chất kích ứng niêm mạc trong khoang miệng, nồng độ cồn cao làm tăng nguy cơ ung thư miệng và họng.

    - Đối với dạ dày: các phân tử rượu nhỏ bé có thể ngấm qua niêm mạc dạ dày mà không cần tham gia vào quá trình tiêu hóa giống như thức ăn. Khi dạ dày trống rỗng, rượu đi thẳng vào máu. Khi dạ dày có thức ăn, đặc biệt là thức ăn có hàm lượng protein cao, tỷ lệ hấp thụ rượu bị chậm lại nhưng không dừng lại. Cacbonat trong đồ uống có thể được trộn với rượu làm tăng tốc độ hấp thụ rượu. Khi nồng độ cồn và dịch vị cao, kích thích niêm mạc tăng lên, phản ứng nôn mửa là phản xạ của cơ thể để giảm kích ứng này. Thường xuyên uống rượu khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Có 20% lượng rượu được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% (rượu còn lại) được hấp thụ vào máu từ ruột non.

    - Đối với hệ tuần hoàn: khi vào máu, rượu được vận chuyển đi khắp cơ thể, làm giãn mạch máu, đưa một lưu lượng máu lớn hơn lên bề mặt da (đỏ mặt), cảm giác ấm áp tạm thời, cơ thể mất nhiệt, hạ huyết áp.

    - Đối với não: khi đến não, rượu ngay lập tức ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hành vi và chức năng của cơ thể: sự thay đổi phụ thuộc vào mức độ tăng của nồng độ cồn trong máu: Khả năng phán quyết giảm, giảm khả năng khéo léo, mất kiểm soát hành vi.

    - Đối với thận: rượu hoạt động như một thuốc lợi tiểu: rượu làm tăng sự hình thành nước tiểu. Uống rượu sẽ đi tiểu thường xuyên hơn gây mất nước và khát.

    - Đối với phổi: rượu ở trạng thái khí, có thể được hít vào phổi và từ đó sẽ đi nhanh vào máu.

    - Đối với gan: khoảng 5% - 10% rượu được bài tiết qua phổi, thận và da; phần còn lại (90% - 95%) được chuyển đến gan để "xử lý". Ở gan, rượu được oxy hóa thành nước và carbon dioxide. Gan chỉ có thể oxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày. Khi uống rượu thường xuyên sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ do rượu cản trở khả năng "bẻ gẫy" các chất béo của gan, nếu kéo dài có thể gây xơ gan (mô gan bị phá hủy, sẹo hóa, giảm lưu lượng máu đến gan, giảm chức năng gan).

    Lê Mai

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""