TINH HOA XANH

Nên lấy tên khoa học của Nhân sâm Ngọc Linh đúng với lịch sử của nó

Cuối năm 1970, Bộ Y tế bổ sung dược sỹ (DS) Đào Kim Long là giảng viên Khoa Thực vật và Dược liệu của trường Đại học Dược Hà Nội vào khu V (miền Trung Trung bộ) và được Ban Dân y Khu V giao nhiệm vụ tiếp tục điều tra cây thuốc ở khu vực này.
Sau hai năm điều tra nghiên cứu, theo báo cáo và đề nghị của DS Đào Kim Long, năm 1972, Ban Dân y Khu V quyết định thành lập một đoàn điều tra dược liệu trên núi Ngọc Linh do DS Đào Kim Long làm trưởng đoàn và làm chủ đề tài: Tìm nhân sâm Ngọc Linh.
Đoàn gồm có: DS Đào Kim Long (Trưởng đoàn), KS Nguyễn Bá Hoạt, DS Nguyễn Châu Giang, DS Trần Thanh Dân là thành viên. Khi đoàn lên tỉnh Kon Tum, Ban Dân y Kon Tum cử thêm dược tá Nguyễn Thị Lê trợ giúp cho đoàn, dẫn đường lên núi Ngọc Linh.
Qua nhiều ngày vượt suối băng rừng, trèo non tìm kiếm, đến 9 giờ sáng ngày 19 tháng 3 năm 1973, ở độ cao 1800 mét so với mặt biển, đoàn đã phát hiện cây Nhân sâm đầu tiên. Tiếp theo, đoàn tìm đến một vùng Nhân sâm rộng lớn nằm về phía Tây núi Ngọc Linh - ngọn núi cao nhất dãy Trường Sơn (2598 mét), phía sườn Tây giáp tỉnh Kon Tum, sườn Đông giáp tỉnh Quảng Nam.
Sau 15 ngày nghiên cứu toàn diện  về hình thái, sinh thái, quần thể, quần lạc, phân bố, di cư và phát tán..., DS Đào Kim Long đã xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây Nhân sâm mới, được ông phát hiện lần đầu tiên ở đây. Vì thế, 09 giờ 00 sáng ngày 19/3/1973 là ngày đã đi vào lịch sử phát hiện cây Nhân sâm trên núi Ngọc Linh.
Ngày 8 tháng 6 năm 1973, tại Văn phòng Ban Dân y Khu V, ông Chín Liêm (Bùi Sang - Thường vụ Khu uỷ phụ trách Khối Kinh tế và Y tế) chủ trì Hội nghị đã nghe báo cáo khoa học về đề tài Điều tra phát hiện Nhân sâm trên núi Ngọc Linh. Trong báo cáo, DS Đào Kim Long, Chủ nhiệm đề tài đã nêu rõ: đặc điểm hình thái, sinh thái học, quần thể, thảm thực vật, khả năng thích nghi, cách phát tán, khả năng tái sinh... của cây Nhân sâm này (kèm theo báo cáo có các tiêu bản mẫu cây ép khô, ảnh chụp và 3 kg sâm đã phơi khô). DS Đào Kim Long đã đặt tên khoa học của cây Nhân sâm này là Panax articulatus KL Dao (trong kháng chiến để giữ bí mật nên thường gọi là Sâm K5). Ngày hôm sau 09/06/1973, số tài liệu, tiêu bản và 3 kg sâm khô được niêm phong như tài liệu mật trong thời chiến, gửi ra Vụ I - Bộ Y tế (Hà Nội), Ban Dân y Khu V, chỉ để lại một số tài liệu cần thiết để chỉ đạo tiếp. Số tài liệu này hiện nay vẫn còn lưu ở hồ sơ do DS Trần Lai giữ. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Vụ I (Bộ Y tế) giải thể, không biết những tài liệu Nhân sâm Ngọc Linh thất lạc ở đâu?
Mười hai năm sau đó (tức là năm 1985), cây Nhân sâm này được hai tác giả là Hà Thị Dung và Z.V Gruskvitzki công bố quốc tế với tên Nhân sâm Việt Nam và đổi tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Gruskv. Tên khoa học trên đây đã làm dư luận ở Việt Nam xôn xao, nhiều báo chí trong nước đã lên tiếng. Tạp chí Cây thuốc quý ngày 13 tháng 01 năm 2004 có bài: "Vấn đề tên khoa học của cây Nhân sâm Ngọc Linh" của tác giả Nguyễn Đình Cán đòi phải trả tên cũ của cây Nhân sâm Ngọc Linh. Sau đó là bài "Hãy trả tên cho anh" của tác giả Đàm Khánh ở báo Cây thuốc quý liên tiếp hai số 15, 16 năm 2004, nội dung là đòi trả lại tên cũ cho cây Nhân sâm Ngọc Linh và tác giả của nó. Ngoài ra, còn một số báo khác cũng nêu vấn đề này. Điều đáng chú ý là Báo Thuốc và Sức khoẻ số 252 ra ngày 15/4/2005 có bài "Ngày và Người phát hiện cây sâm Ngọc Linh" của DS Trần Lai, nguyên Phó Ban Dân y Khu V, người trực tiếp tổ chức theo dõi đề tài Nhân sâm Ngọc Linh và hiện nay còn giữ bản báo cáo gốc, đã nói rõ sự hợp pháp tên Nhân sâm Ngọc Linh với tên khoa học mà người tìm ra nó đã đặt tên: Panax articulatus KL Dao. Mặc dù báo chí đãđưa tin, nhưng hai tác giả Hà Thị Dung và Z. V Gruskvitzki không lên tiếng bào chữa hay đồng ý. Do đó, đã hơn hai năm trôi qua vẫn chưa có gì thay đổi. 


Tuy vậy, lời giải đáp đã được tìm thấy ở các điều khoản và yêu cầu của Bộ Luật quốc tế về danh pháp thực vật: Danh pháp đã được quy định tại Đại hội quốc tế thực vật tại Pari (1867), Vienne (1905), Cambridge (1930), Amsterdam (1935), Stockholm (1950), Pari (1954), Monreal (1959), Seatle (1972), Leningrad (1975), Sydney (1987), Berlin (1987) và gần đây nhất là Hội nghị tại Yokohama (1993). Từ Bộ Luật quốc tế về danh pháp thực vật công bố năm 1994 (International Code Botanical Nomenclature - Tokyo Code) là bộ luật quốc tế mới nhất về tên cây, trong phần C, công bố quy định hiệu quả và giá trị việc nêu các tên tác giả với yêu cầu chính xác. Chúng tôi xin trích nguyên văn trong điều khoản I, mục 3 trong phần C như sau: "Nếu một tên đề nghị bởi một tác giả không công bố có giá trị, về sau lại được công bố bởi một tác giả thứ hai, tên của người thứ hai có thể nối với tên của người thứ nhất bởi chữ ex".
Như vậy tên khoa học của cây Nhân sâm Ngọc Linh được viết hợp pháp theo luật quốc tế hiện nay là: Panax articulatus KL Dao (1973) ex Ha et Gruskv (1985). Hiện nay cây Nhân sâm Ngọc Linh là loài sâm trẻ nhất và quý nhất của thế giới chỉ có tại núi Ngọc Linh thuộc địa bàn hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, nhân dân ở vùng này đã bảo vệ và phát triển bền vững đồng thời đã tìm thấy thêm nhiều vùng Nhân sâm mọc tự nhiên trên vùng núi Ngọc Linh Rua và Ngọc Linh Heo. Chúng tôi tin rằng trong tương lai gần, Nhân sâm Ngọc Linh có nhiều mặt hàng thuốc quý có giá trị chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Trong bài viết này, chúng tôi rất mong các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các thầy thuốc sử dụng, nghiên cứu Nhân sâm Ngọc Linh nên lấy tên là: Panax articulatus KL Dao (1973) ex Ha et Gruskv (1985). Tên khoa học này nói rõ tính đặc hữu của loài sâm mới chỉ có ở núi Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đồng thời nói rõ quá trình tìm kiếm phát hiện và chính người tìm ra nó đã đặt tên và công bố trong thời điểm lịch sử đáng ghi nhớ.
Cũng nhân dịp này, chúng tôi có dịp gặp lại dược sỹ, nhà thực vật học Đào Kim Long và hỏi ông: Tại sao ông không đi tìm loài Nhân sâm ở núi Langbian do GS Phạm Hoàng Hộ phát hiện? Ông trả lời với mấy lý do:- Loài sâm của GS Phạm Hoàng Hộ là Panax schinseng Nees var japonium Mak (Cây cỏ miền Nam Việt Nam quyển II - 1970), Nhân sâm Nhật Bản. Nhưng về địa lý, nước Nhật và Việt Nam không có liên hệ nhau theo thuyết lục địa trôi.
- Tôi đã đi bộ dọc Tây Trường Sơn theo hướng di cư của cây cỏ từ Hoa Nam xuống, và tôi cũng đã đi dọc theo cả phía Đông Trường Sơn, nhưng không thấy dấu vết của cây Nhân sâm di cư từ Bắc sang. Vì vậy tôi quyết định tìm Nhân sâm ở núi Ngọc Linh, đó là ngọn núi cao nhất dãy Trường Sơn miền Nam Việt Nam. Tôi quyết định lên núi Ngọc Linh. Vì tôi đã nhiều lần đi tìm Nhân sâm ở miền Bắc Việt Nam, với kinh nghiệm về quần thể thực vật và cộng đồng sinh thái của chúng, tôi đã đi đến đúng tâm điểm sinh trưởng của Nhân sâm Ngọc Linh. Điều rất quý là tôi đã gặp may mắn vì đi vào đúng mùa Nhân sâm ra hoa và có được đội ngũ cán bộ, cộng tác rất nhiệt tình.
Qua lời tâm sự của ông, chúng tôi hiểu rằng trong kháng chiến rất khó khăn và gian khổ, có những người làm khoa học như ông đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình, rời khỏi giảng đường trường Đại học Hà Nội vào miền Nam tham gia kháng chiến, leo lên núi Ngọc Linh tìm cây thuốc quý để cứu chữa bệnh cho chiến sỹ và đồng bào lúc bấy giờ là điều rất đáng được tự hào. Một nhà giáo, nhà thực vật học có bản lĩnh, có kiến thức và nhãn quan sắc sảo đã để lại cho thế hệ ngày nay một loài Nhân sâm Ngọc Linh quý nhất cho Việt Nam và nhân loại.

Đặng Ngọc Phái- Lê Đình Bích (CTQ số 94)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""