Linh chi là một loại nấm lớn hoại sinh trên gỗ, có tên khoa học là Ganoderma lucidum (Leyss. Ex Fr.) Karst., thuộc họ nấm Linh chi (GANODERMATACEAE).
Nấm Linh chi được dùng làm thuốc từ hàng ngàn năm nay ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc… và ngày càng được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh về huyết áp, tim mạch, ung thư, tiểu đường…. Từ năm 1992, Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép sử dụng Linh chi làm thuốc hỗ trợ điều trị AIDS, trong khi chờ đợi các loại thuốc công hiệu ra đời (Sunday, Morning Post, 18/10/1992). Loại nấm này cũng được Chính phủ Nhật Bản cấp giấy phép sử dụng làm thuốc hỗ trợ để chữa ung thư (Willard, 1990).
Từ giống nấm Linh chi hoang dại, nhiều quốc gia ở châu á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã tiến hành nghiên cứu chọn lọc, tạo ra được những chủng (cultivar) nấm Linh chi có năng suất nuôi trồng và giá trị sử dụng cao. Đồng thời với quá trình này, việc nghiên cứu về thành phần hoá học, tác dụng dược lý cũng như dạng bào chế sử dụng cũng được phát triển và hoàn thiện hơn. Nấm Linh chi hiện đã được nuôi trồng và sử dụng rộng rãi ở hầu hết các quốc gia tại châu á (trong đó có Việt Nam), châu Âu và châu Mỹ.
Năm 1997, sản lượng Linh chi được thống kê trên thế giới là 4.300 tấn, trong đó Trung Quốc sản xuất 3.000 tấn. Hiện nay Hàn Quốc là nước sản xuất nấm Linh chi nhiều thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, sản lượng của Hàn Quốc năm 1998 là 1.307 tấn. Năm 2005, tại Hội nghị về nấm và sản phẩm nấm được tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc), nước chủ nhà đã công bố đạt sản lượng là 49.000 tấn. Điều này lý giải vì sao nấm Linh chi Trung Quốc tràn ngập khắp thế giới.
Tại Việt Nam, nấm Linh chi thương phẩm được trồng đầu tiên năm 1987 tại Trung tâm nghiên cứu Linh chi và nấm dược liệu TP Hồ Chí Minh. Sau đó phong trào trồng Linh chi dần dần lan ra nhiều tỉnh và thành phố khác. Sau 20 năm, sản lượng Linh chi của cả nước ước chừng 20 tấn/năm. Trong đó, riêng trung tâm Linh chi ở TP Hồ Chí Minh đã sản xuất 15 tấn, còn lại 5 tấn là do các trang trại hoặc các hộ nông dân của các tỉnh khác nuôi trồng. Việc tiêu thụ Linh chi tương đối khó do phải đảm bảo chất lượng và giá thành cao nên phong trào trồng Linh chi của Việt Nam không phát triển mạnh.
Chất lượng nấm Linh chi phụ thuộc rất nhiều vào chủng giống, điều kiện nuôi trồng, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Hiện nay trên thị trường cả nước và TP Hồ Chí Minh có bày bán các sản phẩm được chế biến từ Linh chi và nhiều nhất là tai nấm Linh chi. Để giúp độc giả nhận biết được sơ bộ bằng cảm quan các loại nấm Linh chi trên thị trường, chúng tôi xin giới thiệu như sau:
Một số loại nấm Linh chi trên thị trường
Nấm Linh chi đỏ
Mặt trên của tai nấm có màu đỏ nâu nhạt, hơi bóng, đường kính tai nấm từ 13cm đến 20cm, có hình thận, đôi khi hai tai nấm dính nhau, hơi xốp; mặt dưới cứng màu trắng ngà, khi dính bào tử thì có màu nâu, ruột nấm màu nâu đậm. Chất lượng khá, nấm hơi đắng, vị hơi chua. Mỗi tai nấm nặng từ 35g đến 50g, giá bán từ 140.000đ đến 150.000đ/kg. Đây là loại nấm được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng vì sử dụng khá có hiệu quả, giá lại vừa phải. Hầu hết các xí nghiệp dược trong nước đều dùng nấm này để làm ra các thành phẩm như viên nang, trà túi lọc, rượu bổ nấm Linh chi….
Xin lưu ý, loại nấm này sinh trưởng rất tốt tại TP Hồ Chí Minh, nhưng nếu đường kính của nấm chỉ nhỏ dưới 9cm, trọng lượng nhỏ hơn 20g là do nấm bị suy yếu, hệ sợi nấm không đủ nên ra quả thể nhỏ, chất lượng nấm vì thế cũng không cao.
Nấm Linh chi đỏ đậm
Có đường kính tai nấm từ 9cm đến 15cm, tai nấm có hình thận hoặc hình quạt, mặt trên màu đỏ cam đến màu đỏ đậm hay đỏ nâu, bóng láng rất cứng; mặt dưới màu vàng chanh nhạt đến trắng ngà. Ruột nấm màu trắng ngà đến nâu nhạt. Đây là loại nấm giống của Nhật Bản trồng tại TP Hồ Chí Minh, chất lượng tương đương với nấm trồng tại Hàn Quốc (theo kết quả phân tích của Japan Food Reseach Laboratories) và được xuất khẩu sang Nhật Bản. Tai nấm nặng từ 30g đến 50g, nấm có vị rất đắng; vị đắng này là do hàm lượng saponin triterpen cao trong nấm. Được xem là nấm cao cấp vì có giá trị phòng trị bệnh, có hiệu quả cao. Do có sự đầu tư đồng bộ từ người Nhật, nên giá nấm chỉ dao động từ 270.000 đến 320.000đ/kg. Nấm còn được thái phiến đóng gói 100g và hộp 100g để người tiêu dùng dễ sử dụng.
Nấm Linh chi Hàn Quốc
Được trồng tại Hàn Quốc, nhập vào Việt Nam bằng nhiều nguồn, tai nấm rời hoặc cho vào túi 500g. Nấm có hình thức đẹp, chất lượng tốt, rất cứng. Đường kính từ 15cm đến 30cm. Mặt trên đỏ nâu, còn một ít bào tử, mặt dưới màu vàng chanh, vị đắng. Nấm nặng từ 70g đến 300g. Trước đây giá bán từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/kg nhưng vài năm nay khi nấm Nhật trồng tại Việt Nam được đưa ra thị trường thì giá loại nấm này chỉ còn từ 800.000đ đến 1,2 triệu đồng. ở thời điểm hiện tại, giá nấm đang lên vì không có hàng, khoảng 1,8 triệu đến 2 triệu đồng/kg.
Nấm Linh chi Trung Quốc
Nấm trồng, có màu đỏ nhạt đến đỏ nâu nhạt, mặt trên còn bào tử màu nâu, tai nấm thường có hình tròn, đường kính từ 8cm đến 12cm, đôi khi đến 30cm, hơi cứng, cuống được cắt ngang gần sát tai nấm. Được đưa từ Trung Quốc sang theo đường biên giới, nấm Linh chi cũ, không bóng, mặt dưới màu ngà đến nâu, ruột màu nâu nhạt. Về hình thức tương tự như nấm Hàn Quốc nhưng mặt trên bao giờ cũng mềm hơn do có lớp bần dày hơn và đôi khi bị người bán giả làm nấm Hàn Quốc. Ngoài ra, mặt dưới nấm Linh chi Trung Quốc thường hay bị phết lên một lớp màu vàng sẫm như màu nghệ và chưa có những phân tích cụ thể để biết đây là màu gì hoặc được chùi rửa và xoa thêm một lớp dầu ăn hoặc cồn trên mặt trên cho bóng.Tuỳ theo nấm nhỏ hay lớn, Linh chi Trung Quốc có giá từ 80.000đ đến 130.000đ/kg. Đối với nấm từ 80.000đ đến 100.000đ nếu quan sát kỹ ở mặt dưới sẽ thấy có những lỗ tròn nhỏ bằng đầu kim do mọt đục, chất lượng nấm bị giảm sút, chưa kể có thể gây dị ứng cho người dùng do mọt và phân mọt, hoặc những đường trầy xước do được cạo khi bị nhiễm nấm bệnh. Nấm này ở biên giới phía Bắc, giá bán chỉ khoảng 40.000 – 50.000/kg.
Nấm Linh chi mọc hoang
Bao gồm các loại nấm mọc hoang trong rừng của Việt Nam, có đủ màu sắc từ màu nâu đến đen, đỏ, đỏ đậm, vàng, có lông trên mặt tai nấm hoặc không lông… đa phần là không phải Linh chi đúng loài (Ganoderma lucidum), mà còn là các loài khác như G.applanatum, Phellinus sp…
Hình thái tai các loài này từ hình quạt đến thận hoặc tròn, cuống dài hoặc ngắn hoặc không cuống… tai nấm nhỏ, đường kính từ 5cm trở lên hoặc đôi khi 30-40cm. Đây là nấm có chất lượng kém vì được thu hái ngẫu nhiên khi còn non hoặc quá già đã bị mục. Đôi khi còn có cả nấm bệnh ký sinh; cách phơi sấy không đảm bảo. Nấm bán giá rẻ, chỉ từ 50.000 đến 70.000đ/kg, đôi khi đến 100.000đ/kg. Đối với các loại nấm này, nếu không đủ thông tin thì không nên dùng.
Trên đây là một số hướng dẫn chung để quý bạn đọc tham khảo khi muốn mua Linh chi để sử dụng. Có thể tóm tắt như sau: Linh chi có nhiều chủng loại, giá bán trên thị trường tuỳ thuộc vào chất lượng và giá trị sử dụng của nấm, ở đây ta có thể áp dụng nguyên tắc “tiền nào của nấy”, nhưng đối với giá quá đắt so với giá trị sử dụng ta cần cân nhắc khi mua. Hiện nay loại nấm đắt nhất là nấm Hàn Quốc, giá dao động tuỳ từng cửa hàng nhưng không bao giờ cao hơn 2.000.000 đồng/kg.
Các sản phẩm từ nấm Linh chi và bài toán thị phần…
Sản phẩm từ nấm Linh chi trên thị phần Việt Nam hiện nay khá phong phú và xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, như trà hoà tan, viên nang, viên bao đường, cốm… của Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, giá bán tại TP Hồ Chí Minh khá cao, sản phẩm của Việt Nam thì có nấm Linh chi, Linh chi phiến, trà túi lọc Linh chi của Công ty TNHH Linh chi Vina; viên nang Linh chi, trà túi lọc Linh chi của Công ty cổ phần hoá dược phẩm Mekophar; viên sâm Linh chi, trà sâm Linh chi, Linh chi đại bổ của Công ty cổ phần OPC…
Sự phong phú các sản phẩm Linh chi nhãn hiệu Việt Nam chứng tỏ cố gắng của các nhà sản xuất trong nước. Nhưng có lẽ như thế vẫn chưa đủ, vì việc xuất hiện nhiều mặt hàng Linh chi từ nước ngoài trên thị trường cả nước chứng tỏ đây là một nhu cầu có thật ngày càng tăng, điều này cũng đặt ra cho các nhà sản xuất Linh chi của Việt Nam bài toán là làm cách nào giành được thị phần trên sân nhà, để đưa đến tận tay người tiêu dùng những sản phẩm có lợi cho sức khoẻ mang nhãn hiệu Việt Nam.
Nguồn: Bản tin LSNG
Cổ Đức Trọng (CTQ số 89)