Hiện nay, loạn khuẩn đường ruột do kháng sinh đang trở thành nguy cơ phổ biến ở trẻ em. Kháng sinh là một thứ thuốc thông dụng, có nhiều kết quả tốt trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhưng do việc sử dụng quá rộng rãi và thiếu thận trọng, chúng đã gây không ít tai biến. Một trong những tai biến thường gặp là làm mất cân bằng sinh học, gây loạn khuẩn đường ruột, nhất là ở trẻ em.
Có thể giải thích hiện tượng “loạn khuẩn” này như sau: Bình thường trong ruột chúng ta có một hệ vi khuẩn ( có khoảng 100 tỷ con) gồm nhiều loại khác nhau gọi là vi khuẩn chí. Các vi khuẩn này luôn tồn tại ở thế quân bình động, nhằm bảo đảm những chức năng sinh lý có ích cho cơ thể như tham gia quá trình hoàn thành tiêu hoá một số chất dinh dưỡng, loại bỏ một số chất có khả năng gây nhiễm độc, chống lại những vi khuẩn gây bệnh xâm nhập ruột…..
Theo quy luật cạnh tranh, sinh tồn, quần thể vi khuẩn ruột giúp cơ thể chống nhiễm khuẩn bằng cách tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh hoặc ức chế sự phát triển của chúng, giữ ở mức độ không gây bệnh. Khi dùng kháng sinh liều cao và kéo dài, chúng ta không chỉ diệt vi khuẩn gây bệnh mà diệt luôn vi khuẩn không gây bệnh thường xuyên có mặt trong ruột, đồng thời làm xuất hiện những chủng vi khuẩn gây bệnh độc hại và nhờn với nhiều loại kháng sinh. Những vi khuẩn này bình thường không có hoặc có rất ít trong ruột, nay không còn sự cạnh tranh sinh tồn của các vi khuẩn khác nữa (vì vi khuẩn chí đã bị tiêu diệt) nên tự do phát triển và gây hại. Hiện tượng này y học gọi là loạn khuẩn đường ruột.
Tiêu chảy do loạn khuẩn đường ruột thường xuất hiện sau khi dùng kháng sinh để điều trị các bệnh khác, hoặc chính trong đợt dùng kháng sinh để chữa tiêu chảy. Đặc điểm của loạn khuẩn đường ruột là tiêu chảy nhiều lần trong ngày, thậm chí còn nhiều hơn cả lúc mới bị bệnh chưa uống kháng sinh (có cháu đi ngoài 15 – 20 lần một ngày). Đặc điểm của tiêu chảy trong loạn khuẩn đường ruột là phân lỏng lẫn nhầy mũi, hoặc phân xanh, vàng lổn, có bọt, không thối hoặc phân sống, có lẫn thức ăn chưa tiêu, đôi khi lẫn máu, mũi. Mỗi lần đại tiện trẻ phải rặn, do đó có thể dẫn đến lòi rom, và do tính chất axit của phân, vùng hậu môn của trẻ bị hăm loét đỏ.
Tình trạng tiêu chẩy do loạn khuẩn kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn hấp thu và rối loạn chuyển hóa. Trẻ bị mất nước kèm theo rối loạn điện giải, dẫn đến suy dinh dưỡng, gầy sút nhanh chóng.
Về lâm sàng, có 3 thể chính:
Thể nhẹ: Trẻ bị tiêu chảy đơn thuần, chưa có rối loạn rõ rệt về vi khuẩn chí đường ruột. Bệnh dễ khỏi sau khi ngừng kháng sinh.
Thể nặng: Trẻ bị viêm tiểu kết tràng và có tổn thương thực thể ở ruột kết. Bệnh biểu hiện chủ yếu như một hội chứng lỵ, mỗi lần đi ngoài trẻ rặn nhiều, phân có nhầy mũi hoặc máu mũi.
Thể hội chứng tả: Thể này ít gặp nhưng nặng, do tụ cầu gây ra.
Về điều trị tiêu chảy do loạn khuẩn đường ruột và tái lập lại vi khuẩn chí bình thường ở đây, khôi phục lại quá trình tiêu hoá và hấp thu tương đối phức tạp, phải do thầy thuốc quyết định tuỳ theo tình hình bệnh. Về phía gia đình, nếu thấy trẻ em bị tiêu chảy, đã dùng nhiều kháng sinh không khỏi mà lại có chiều hướng tăng phải nghĩ đến loạn khuẩn đường ruột, ngừng ngay dùng kháng sinh và đưa bệnh nhân đi khám bệnh.
Để đề phòng loạn khuẩn đường ruột, điều chủ yếu là không được dùng kháng sinh tuỳ tiện, không tự mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống nếu không có chỉ định của thầy thuốc. Cần chú ý kháng sinh không phải là thuốc chữa bách bệnh. Sử dụng thuốc bừa bãi, không đúng bệnh, chỉ làm khó khăn phức tạp thêm cho việc điều trị và có thể gây ra những tác hại khôn lường cho trẻ.
Caythuocquy.info.vn