Đối với bà mẹ đang cho con bú, khi bầu vú bị tổn thương có thể rất đau đớn. Nguyên nhân có thể do tắc tia sữa, nhiễm khuẩn vú, viêm vú. Dù là nguyên nhân nào thì nguyên tắc chăm sóc là tương tự nhau: cho trẻ bú mẹ thường xuyên, nghỉ ngơi và chườm nóng lên vùng bị đau. Cho trẻ bú thường xuyên sẽ giúp dễ chịu và giảm sưng viêm, đồng thời tạo điều kiện để thông chỗ tắc. Đừng lo ngại trẻ bú khi mẹ bị nhiễm khuẩn vú sẽ không tốt. Tính năng kháng khuẩn của sữa mẹ có khả năng bảo vệ trẻ chống lại nhiễm khuẩn. Nghỉ ngơi đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục khi vú bị đau, tắc tia sữa hoặc nhiễm khuẩn. Cố gắng nằm nghỉ tại giường với trẻ nằm bên cạnh.
Chườm ấm ướt hoặc khô bằng túi hoặc chai nước nóng và xoa bóp nhẹ nhàng vùng đau của vú trước khi cho trẻ bú giúp làm rỗng vú hơn. Cho bú ngay khi vú còn ấm để thông tắc các ống dẫn sữa. Nếu sốt và khó chịu vẫn còn tồn tại sau 24h đã nghỉ ngơi, chườm nóng, xoa bóp và cho bú thường xuyên thì bà mẹ nên tư vấn bác sĩ. Nếu mẹ dùng thuốc, cần tiếp tục nghỉ ngơi, chườm ấm và cho bú thường xuyên sẽ giúp quá trình hồi phục nhanh hơn. Để đề phòng tắc sữa và nhiễm khuẩn vú, bà mẹ cho con bú cần thận trọng nếu đột ngột có sự cách quãng dài giữa 2 lần bú. Áo ngực không vừa hoặc quá bó (loại có vòng đỡ kim loại) có thể góp phần dẫn đến tắc sữa. Việc mang vác nặng hoặc bế trẻ cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Khi cho trẻ bú, nên thường xuyên thay đổi tư thế trẻ trong khi duy trì được tư thế đúng sẽ giúp giải phóng tất cả các ống dẫn trong bầu vú. Duy trì được một sức khỏe chung tốt thông qua chế độ ăn đầy đủ và tăng cường nghỉ ngơi sẽ giúp bầu vú không bị đau trở lại.
BS. Nguyễn Lý