TINH HOA XANH

Kết hợp Đông - Tây trong điều trị hiếm muộn

Về lĩnh vực chữa vô sinh, hiếm muộn, Y học cổ truyền từ lâu đã có nhiều kinh nghiệm điều trị dựa trên các lý luận của âm dương ngũ hành, với những bài thuốc hay và rất hiệu quả. Ngày nay, việc chẩn đoán và điều trị vô sinh hiếm muộn có sự kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại để đạt được lợi ích, hiệu quả tốt nhất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một cặp vợ chồng gọi là vô sinh khi sống cùng nhau trên một năm và không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có con. Khả năng sinh sản đạt đỉnh cao ở khoảng từ 20 - 25 tuổi và giảm dần sau 30 tuổi ở phụ nữ và sau 40 tuổi ở nam giới.

Quan niệm Y học hiện đại

Vô sinh bao gồm:

Vô sinh nguyên phát: Hai vợ chồng chưa bao giờ có thai, mặc dù đã sống với nhau trên một năm và không dùng biện pháp tránh thai nào.

Vô sinh thứ phát: Hai vợ chồng trước kia đã có con hoặc đã có thai, nhưng sau đó không thể có thai lại mặc dù đang sống với nhau trên 1 năm và không dùng biện pháp tránh thai nào.

Nói chung nguyên nhân vô sinh có thể phân như sau:

Vô sinh do nam giới

Bất thường tinh dịch: vô tinh do tắc nghẽn hoặc do bất sản, giảm chất lượng tinh trùng (tinh trùng ít, yếu, dị dạng)...

- Bất thường giải phẫu: giãn tĩnh mạch thừng tinh, lỗ tiểu đóng thấp, đóng cao, tinh hoàn lạc chỗ.

- Rối loạn chức năng: giảm ham muốn, rối loạn cương dương, rối loạn phóng tinh, chứng giao hợp đau.

- Các nguyên nhân khác: chấn thương tinh hoàn, phẫu thuật niệu sinh dục, triệt sản nam, viêm nhiễm niệu sinh dục hay nguyên nhân di truyền.

Nguyên nhân do nữ giới

Bất thường phóng noãn: vòng kinh không phóng noãn do ảnh hưởng của trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng.

-  Nguyên nhân do vòi tử cung: các bệnh lý có thể gây tổn thương vòi tử cung như viêm nhiễm đường sinh dục, bệnh lây qua đường tình dục, tiền sử phẫu thuật vùng chậu và vòi tử cung, lạc nội mạc tử cung ở vòi tử cung, bất thường bẩm sinh ở vòi tử cung hay do triệt sản.

- Nguyên nhân tại tử cung: u xơ tử cung, viêm dính buồng tử cung, bất thường bẩm sinh (dị dạng tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn, không có tử cung...).

- Nguyên nhân do cổ tử cung: chất nhầy kém, kháng thể kháng tinh trùng, tổn thương ở cổ tử cung do can thiệp thủ thuật (khoét chóp, đốt điện...), cổ tử cung ngắn,

- Nguyên nhân khác: tâm lý tình dục, chứng giao hợp đau, các dị dạng bẩm sinh đường sinh dục dưới…

    Vô sinh không rõ nguyên nhân Khoảng 10% vô sinh không thể tìm nguyên nhân chính xác sau khi đã thăm khám và làm tất cả các xét nghiệm cần thiết để thăm dò và chẩn đoán.

    Quan niệm của Đông y

    Theo y học cổ truyền, tinh người cha thuộc dương, trứng người mẹ (mẫu huyết) thuộc âm, âm dương giao hòa sẽ thụ thai. Sách Linh khu có ghi: “Lưỡng thần tương tác, hợp nhị thành hình”. Nghĩa là hai thần chung đúc nhau hợp lại mà nên con người, vật chất để chung đúc ấy là tinh cha và huyết mẹ.

    Theo Hải Thượng Lãn Ông: Tinh cha huyết mẹ nhân cảm hứng mà giao hội với nhau, tinh nhờ dương tiết ra, huyết thu liễm tinh, tinh thành xương, đó là muôn vật nhờ ở càn nguyên (càn là dương, là cha, nguyên là đầu, là trước, càn nguyên là đức đầu tiên của càn tạo ra muôn vật) làm nguồn gốc.

    Huyết khí hộ vệ bên ngoài, thành bào thai, tinh dày đặc bên trong để hóa sinh nuôi dưỡng, đó là muôn vật sinh trưởng nhờ khôn nguyên (đức đầu tiên của khôn là sinh ra muôn vật). Âm dương giao cấu, ngưng kết thành thai, chỗ thai ở gọi là tử cung, một cuống ở dưới, trên phân 2 ngả, một ngả thông sang tả, một ngả thông sang hữu.

    Như vậy, theo y học cổ truyền, tinh cha huyết mẹ đóng vai trò rất quan trọng để tạo nên con cái. Tinh cha huyết mẹ có lành lặn, đầy đủ, khí chất của thai nhi mới hoàn bị, yếu tố bẩm sinh mới tốt đẹp.

    Vô sinh do nữ

    Đông Y gọi là Chủng tử môn. Chủng tử môn bao gồm các chứng trạng không thụ thai được hoặc đã thụ thai mà không có khả năng để giữ noãn bào đã thụ thai ở lại trong bào cung hoặc không phát triển thành thai nhi.

    Theo Hải Thượng Lãn Ông: phụ nữ không có thai, có người do lục dâm thất tình làm tổn thương mạch Xung Nhâm, hoặc bệnh cũ ẩn nấp, di chuyển trong tạng phủ, hoặc tử cung hư lạnh, hoặc khí thịnh huyết suy, tỳ vị hư tổn. Do đó không nuôi dưỡng được mạch xung nhâm hoặc tích đờm ngưng trệ ở bào lạc.

    Vô sinh nam:

    Do đàn ông phòng lao quá độ, tiết tinh quá nhiều, tinh loãng như nước, hoặc lạnh như băng, lo nghĩ quá nhiều... Tất cả các nguyên nhân ấy đều dẫn đến khó có con.

    Vì tâm chủ thần, tâm có lo nghĩ, thần chạy ra ngoài, làm cho quân hỏa bị uất mà không xuống được.Thận chủ chí, thận có nhọc mệt, chí loạn ở trong dẫn đến thận thủy thiếu mà không thăng lên được.Trên dưới (tâm ở trên, thận ở dưới) không giao hòa với nhau, mà có thể sinh dục được chưa bao giờ có.

    Đông - Tây kết hợp

    Y học cổ truyền từ lâu có những bài thuốc để điều trị chứng vô sinh, hiếm muộn nam, nữ. Danh y Hải Thượng Lãn Ông có nói: “Người thầy thuốc giỏi chữa bệnh không có con, về phía con trai nói là ở chủ tinh, về phía gái nói chủ ở huyết.

    Bàn luận lập phương thuốc: phía trai lấy bổ thận làm cốt, phía gái điều kinh làm đầu, lại tham khảo thêm những thuyết bổ khí, hành khí, xét lại thật thấu suốt có thể thụ thai được”.

    Tinh hoa của ngũ tạng đều thu nạp về thận, thận là nơi hội tụ của các cơ quan. Nhưng tinh sinh ở huyết, huyết kém làm gì sinh được tinh. Tâm chủ huyết cho nên không con trách cứ vào tâm bạc, bạc đầu trách cứ vào thận. Cho nên người xem trọng việc cầu tự chẳng những phải bổ thận mà càng nên dưỡng tâm.Lại thêm điều hòa ngũ tạng, làm cho tinh khí của ngũ tạng thường thịnh vượng luôn, mà tràn đầy tới thận được dồi dào.

    Quan niệm như vậy, xưa kia Đông y thường chẩn đoán trên bằng vọng (nhìn), văn (nghe), vấn (hỏi), thiết (bắt mạch) để từ đó tìm ra nguyên nhân gây vô sinh - nam và nữ để cóa những bài thuốc thích hợp. Ngày nay, các thầy thuốc còn có “vũ khí mới” là các xét nghiệm, chẩn đoán bằng y học hiện đại để rõ hơn về nguyên nhân gây hiếm muộn, như làm tinh dịch đồ xem số lượng và chất lượng tinh trùng như thế nào, siêu âm xem vòi trứng có bình thường không, tử cung có u xơ không…

    Từ sự kết hợp tuyệt vời của hai nền y học Đông - Tây, thầy thuốc sẽ có chỉ định điều trị thích hợp nhất. Từ đó, bệnh nhân sẽ được sử dụng những bài thuốc hay của các danh y tiền bối với sự gia giảm theo kinh nghiệm của thầy thuốc điều trị. Các bài thuốc hay trong những trường hợp này có thể: Bát vị, Lục vị gia giảm, Quy tỳ hoàn…

     

    BS. NGUYỄN PHÚ LÂM

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""