Trong việc phòng chống suy giáp nói chung và bướu cổ địa phương nói riêng cần chú ý chi tiết việc dùng muối iod, lipiodol, levothyroxin để có hiệu quả và tránh các tai biến.
Hoóc-môn tuyến giáp và bệnh bướu cổ địa phương
Tuyến giáp tiết ra 2 hoóc-môn là thyroxin (T3) và triiodothyroxin (T4), lượng hoóc-môn này tiết vào máu được điều hòa bởi hoóc-môn TSH của thùy trước tuyến yên.
Hoóc-môn tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tốc độ chuyển hóa của các mô cơ thể giúp điều hòa phát triển và biệt hóa tế bào. Thiếu hoóc-môn tuyến giáp, trẻ em sẽ chậm lớn, chậm trưởng thành hệ xương và nhiều bộ phận khác, chậm phát triển bộ não trí tuệ. Một vai trò quan trọng khác nữa của hoóc-môn tuyến giáp là làm tăng tiêu thụ oxy ở các mô và làm tăng tốc độ chuyển hóa cơ bản chuyển hóa gluxid, lipid, protein. Theo đó, hoóc-môn tuyến giáp tác động đến rất nhiều cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương. Khi tuyến giáp không tiết ra đủ hoóc-môn thì bị bệnh suy giáp, tuyến giáp sẽ ít hoóc-môn nhưng nhiều chất keo làm thành bướu ở cổ gọi nôm na là bệnh bướu cổ.
Thiếu hoóc-môn tuyến giáp là do thiếu iod. Iod có trong nước biến thường bốc hơi lên trời và sau đó là theo mưa rơi xuống đất đi vào cây cỏ rồi vào các sinh vật ăn cây cỏ rồi từ đó cung cấp cho con người. Nhưng nếu mưa làm xói mòn đất đai quá nhiều như ở miền núi thì nguồn cung cấp iod tự nhiên này cho con người cũng sẽ thiếu. Một nguồn iod giàu có khác là muối ăn chế biến từ nước biển. Trong muối ăn thường có đủ lượng iod để cung cấp đủ cho con người. Tuy nhiên, nếu bảo quản muối ăn không tốt (để chảy nước kaliiodua mất đi, để gác bếp quá nóng làm iod thăng hoa) thì lượng iod trong muối ăn cũng bị giảm sút. Người miền núi, nhất là vùng núi cao, thường thiếu các nguồn cung cấp iod cơ bản này nên thường bị bướu cổ với tỉ lệ cao, gọi là bệnh bướu cổ địa phương. Người vùng đồng bằng ven biển thường đủ các nguồn cung cấp iod cơ bản này nên không mấy khi bị bệnh bướu cổ.
Thiếu hoóc-môn tuyến giáp còn do quá trình iod chuyển hóa thành hoóc-môn bị đình trệ. Một ví dụ: sắn có chứa glycosid cyanogenic, linamarin. Các chất này khi thủy phân sẽ giải phóng ra cyanua, sau dó cyanua bị khử thành thiocyanat, rồi thiocyanat ức chế bơm iod tuyến giáp và gia tăng sự thải iod ở thận làm cho cơ thể thiếu iod. Người miền núi ăn nhiều sắn cũng là một nguyên nhân gây thiếu iod.
Ngoài ra trẻ em dưới 5 tuổi và thiếu nữ ở tuổi dậy thì thường có nhu cầu iod cao, nếu chế độ ăn không đảm bào cung cấp đủ iod thì có thể bị bướu cổ nhẹ. Khi cải thiện chế độ ăn và đi qua độ tuổi này thì sẽ hết hiện tượng bướu cổ này.
Muối iod
Cách phòng bướu cổ rẻ tiền, có hiệu quả, dễ phổ cập nhất là cung cấp đủ iod bằng cách cho dùng “muối iod”.Nhu cầu iod là 100 - 150mcg/ người/ ngày. Muối iod là muối ăn được trộn thêm Kaliiodua (KI) hay kaliiodat (KIO3). Kaliiodat ít bị hòa tan khi ẩm, ít bị phân hủy khi nóng rất thuận lợi cho việc bảo quản vận chuyển trong điều kiện nhiệt đới. Có thể trộn các hợp chất iod trên vào muối bằng phương pháp trộn ướt (trộn nhỏ giọt phun mù). Để cung cấp đủ nhu cầu cho người và có tính cả phần hao hụt trong vận chuyển bảo quản thì nồng độ iod quy định trong muối iod phải 30 - 50 phần triệu (tức là trong 10g muối iod có khoảng 350 - 500mcg iod). Nước ta hiện có 51 cơ sở sản xuất muối iod theo cách trộn Kaliiodat vào muối bằng cách trộn ướt với tỉ lệ iod quy định là 42 phần triệu.
Một số chú ý khi sản xuất bảo quản sử dụng muối iod: phải đóng gói trong bao polyethylen hàn kín, với khối lượng nhỏ (từ 500g đến cao nhất là 2.000g) bảo quản vận chuyển trong môi trường khô ráo. Khi đưa vào dùng phải cho vào lọ khô, đậy kín, không để nơi quá nóng. Vì muối iod tại nước ta có thành phần là kaliiodat nên có thể nêm vào thức ăn khi nguội hay khi nóng đều được. Đây là những việc rất dễ làm nhưng do không được hướng dẫn nên vẫn còn làm sai (như mở gói muối iod ra dùng nhưng không hàn kín lại, để muối iod ở gần bếp nóng không đậy kín) làm mất iod trong muối iod.
Lipiodol
Lipiodol là iod đã được dầu hóa bằng cách gắn iod với ester ethyl trong dầu Thuốc phiện để iod có tác dụng kéo dài. Ở những vùng núi quá cao không có cách nào vận chuyển muối iod đến cung cấp cho dân, có tình trạng bướu cổ nặng và đần độn thì tiêm lipiodol cho họ thay cho việc cung cấp iod. Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp dùng không phổ cập như dùng muối iod vì giá cao, bất tiện, dễ có tai biến. Trẻ em tiêm 0,5 ml, người lớn tiêm 1ml sẽ đảm bảo có đủ lượng iod trong 1 năm. Trước đây, một số nhân viên y tế lợi dụng sự lo lắng bị bướu cổ của thiếu nữ dậy thì đã tiêm lipiodol cho họ nhiều lần trong năm, làm cho họ bị tai biến (xuất hiện các triệu chứng giống như cường giáp…). Đây là việc làm sai, nay đã bị cấm, nhưng cần nhắc lại để tránh tái phạm.
DS Bùi Văn Uy