TINH HOA XANH

Cơ chế phòng, chống ung thư bằng liệu pháp tự nhiên

Cơ chế phòng, chống ung thư bằng liệu pháp tự nhiên 
(Tiếp theo CTQ112)

 

Trong 2 thập niên qua, các nhà khoa học đã đặc biệt quan tâm đến những hậu quả của những gốc tự do (free radicals) gây ra cho cơ thể và xem việc bổ sung những chất chống oxy hoá (anti-oxydants) từ nguồn thực phẩm tự nhiên như là biện pháp chủ yếu để nâng cao sức miễn dịch trong việc phòng chống bệnh tật bao gồm cả bệnh ung thư.



Cơ chế gây bệnh của những gốc tự do

Bình thường, oxy tham gia vào quá trình chuyển hoá để tạo ra năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Tuy nhiên có khoảng một vài phần trăm oxy tham gia vào quá trình này đã không tạo ra năng lượng mà tạo ra các gốc tự do.  Có thể nói gốc tự do là một loại sản phẩm không hoàn hảo trong chu trình biến dưỡng bình thường của cơ thể.  Gốc tự do càng gia tăng nhiều hơn trong điều kiện ăn uống hoặc sinh hoạt trong môi trường bị ô nhiễm khói thuốc lá, bức xạ hoặc những hoá chất độc hại hoặc căng thẳng tâm lý. Về mặt hoá học, gốc tự do là những thành phần phân tử có những nguyên tử bị thiếu mất l điện tử ở vòng ngoài cùng. Do đó, phân tử này có khuynh hướng di chuyển tự do để chiếm đoạt một điện tử của một phân tử khác để tự ổn định. Điều nguy hiểm của gốc tự do không phải là huỷ diệt tế bào mà là làm tổn thương tế bào để đến phiên tế bào bị tổn thương -một gốc tự do mới- lại oxy hoá một tế bào khác và phản ứng dây chuyền cứ tiếp tục xảy ra. Qua cơ chế này, các gốc tự do đã tham gia phản ứng với các chất hữu cơ gây tổn thương màng tế bào, làm rối loạn quá trình trao đổi chất giữa tế bào với bên ngoài. Ngoài ra, các gốc tự do còn có thể làm thay đổi cấu trúc gen của tế bào. Do đó các gốc tự do là mầm mống quan trọng dẫn đến nhiều thứ bệnh tật khác nhau như tim mạch, parkinson, alzheimer và cả ung thư. Đáng lưu ý là cách ăn uống và sinh hoạt sai lầm làm hư hại tế bào và thay đổi gen có thể di hại sang thế hệ kế tiếp.  Điều này giải thích tại sao tỷ lệ người mắc bệnh ung thư gia tăng còn có cả những trẻ em mặc dù thời gian phơi nhiễm trong cuộc đời của các em chưa đáng là bao.

Rau quả có màu xanh đậm, vàng hoặc đỏ là nguồn cung cấp chất chống oxy hoá và ngăn chặn ung thư quan trọng

Thiên nhiên đã có sẵn một cơ chế để kìm hãm sự phát triển của những gốc tự do trong cơ thể con người. Đó là những chất chống oxy hoá được cung cấp từ các loại rau quả và ngũ cốc trong tự nhiên. Có hàng ngàn chất chống oxy hoá khác nhau. Chúng thuộc 2 nhóm chính, nhóm flavonoit và nhóm phytochemical. Những chất chống oxy hoá ngoài tác dụng trung hoà các gốc tự do bằng cách nhường một điện tử của mình cho chúng qua đó có thể cắt đứt phản ứng dây chuyền, ngăn chận tổn thương DNA do các độc chất gây ra còn có thể khống chế sự phát triển của tế bào ung thư. Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu về tác dụng kỳ diệu của những chất chống oxy hoá. Nhiều sinh tố và khoáng chất là những chất chống oxy hoá. Các chất quan trọng nhất là sinh tố A, beta caroten (một sắc tố thực vật sẽ được cơ thể chuyển hoá thành sinh tố A), sinh tố C, E, chất Selen. Thứ đến là sinh tố B2, kẽm, đồng, magiê, co-enzym Q10, các carotenoid Lutein và Lycopen.  Nhiều nghiên cứu khác nhau đã cho biết ăn rau quả nhiều có thể giúp chống lại các loại ung thư, nhất là 2 loại ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến.  Các nhà khoa học đặc biệt lưu ý đến bông cải và các loại cải bắp.  Những loại thức ăn này đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa ung thư vú cho những phụ nữ sắp mãn kinh.  Bông cải có chứa nhiều sinh tố C, axít folic, kali, nhiều carotenoid và chất indole-3-carbinol, một chất cần thiết cho sự chuyển hoá các hormone sinh dục.  Cải bắp có nhiều sinh tố B1, C, E, axít folic, caroten và S-methylmethionin, một chất có tác dụng kháng viêm.  Bông cải và các loại cải bắp còn có hàm lượng chất isothiocyanat, một loại phytochemical có tác dụng hoạt hoá một số enzym có khả năng làm vô hiệu hoá những hoá chất gây ra ung thư.  Một báo cáo của trường đại học Illinois còn cho biết một loại isothiocyanat được tìm thấy trong các loại bắp cải và bông cải có tên là sulphoraphan có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư ở giai đoạn cuối. Qua nghiên cứu chế độ ăn của 20.000 người, những nhà nghiên cứu thuộc Viện ung thư quốc gia Mỹ ở Maryland cho biết những người ăn nhiều bông cải có thể giảm nguy cơ  ung thư tiền liệt tuyến từ 45% đến 52%.  Bông cải, cải bắp, các loại rau xanh, những loại đậu và những sản phẩm từ đậu nành còn có nhiều axít folic, một chất chống oxy hoá rất thiết yếu cho cơ thể. Axít folic là một yếu tố quan trọng trong sự phân chia và phát triển tế bào mới, trong tổng hợp DNA, sản xuất enzym và sinh ra hồng cầu. Chất này cũng đặc biệt hiệu quả để chống lại các vết loét trong giai đoạn tiền ung thư. Tiến sĩ Judith Christman, trường Đại học Nebraska cho biết “Khi thức ăn thiếu axít folic, cơ cấu DNA của tế bào sẽ bị phá vỡ. Lúc đó, các tế bào sẽ phát triển trên cơ sở những thông tin sai lầm của cấu trúc mới nên ung thư  xảy ra”.

     Nhiều loại rau qủa khác cũng có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các loại ung thư ruột già, ung thư vòm họng,  ung thư phổi hoặc bao tử. Nhiều nghiên cứu đã đưa đến những kết quả giống nhau về những loại rau quả, củ có lá màu xanh đậm, màu vàng hoặc màu đỏ như cà chua, bông cải, cà rốt, sơ ri, gấc, bí đỏ, dưa hấu, khoai lang…Những loại rau quả này đều có khả năng làm giảm nguy cơ các loại ung thư.  Riêng trong quả gấc, những nghiên cứu của Công ty  San Eigen FFI, một công ty phẩm màu hàng đầu của Nhật bản đã cho biết ngoài hàm lượng rất cao chất caroten, gấc còn có tỷ lệ chất lycopen cao gấp 10 lần so với rau quả thông thường. Lycopen có trong cà chua, dưa hấu, dưa hồng, là hợp chất có tác dụng kềm hãm sự lan toả của tế bào ung thư.

     Những nhà khoa học trường Đại học Ohio, Mỹ còn đặc biệt lưu ý đến những hợp chất tạo màu sắc sẫm trong rau quả. Những thí nghiệm trên chuột và người đều cho thấy chất tạo màu sẫm có hợp chất anthocyanin trong các loại rau màu đỏ, màu tía và màu xanh có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.  Chẳng hạn, chất anthocyanin trong cà rốt và củ cải, quả dâu tây có thể làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư từ 50-80%.

     Ngoài ra, tập quán uống trà cũng có ảnh hưởng tốt đến việc phòng chống ung thư. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Weisburger, cả trà xanh và trà đen đều có hàm lượng cao những chất phytochemical là  những chất chống oxy hoá có khả năng hoá giải những gốc tự do và ngăn chận tổn thương tế bào do khói thuốc lá hoặc những độc chất hoá học.  Mới đây, một thí nghiệm khoa học tại trường Đại học Arizona, Mỹ do Tiến sĩ Sherry Chow chủ trì cũng cho thấy trà xanh có nhiều hoạt chất epigallocatechin gallat, một chất chống oxy hoá.  Những người uống từ 8 đến 16 tách trà xanh mỗi ngày có thể bổ sung một lượng chất epigallocatechin gallat đủ để làm gia tăng đến 80% loại enzym GST, một enzym có tính năng giải độc và chống ung thư. GST có khả năng biến đổi những phân tử gây ung thư thành những phân tử trơ không ảnh hưởng đến chất liệu cấu tạo di truyền DNA.  Người ta cho rằng những dân tộc châu Á như Trung quốc, Nhật bản có tỷ lệ tim mạch và ung thư thấp hơn so với người Âu Mỹ một phần có thể là nhờ vào tập quán hay uống trà.

    Vậy liệu ăn rau quả bao nhiêu thì đủ. Theo khuyến cáo của các chuyên viên dinh dưỡng Liên Hiệp Quốc, mỗi người nên ăn khoảng 400g rau quả mỗi ngày. Tuy nhiên, theo Natalie Lagomarcino, chuyên viên dinh dưỡng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư UCSF (Mỹ), đối với những người  đang điều trị ung thư, lượng rau quả nên có gắng tăng từ 8 đến 10 servings (mỗi serving tương đương với khoảng nửa chén) dưới các hình thức luộc, hấp, nấu xúp hoặc rau trộn.  Ngoài ra, điều cần lưu ý là giá trị của  các loại rau quả khác nhau không chỉ ở chủng loại mà còn ở  cách trồng trọt, chăm bón và cả qúa trình chế biến .  Một nghiên cứu kéo dài 10 năm của các nhà khoa học trường Đại học California, Mỹ đã cho biết cà chua được chăm bón bằng phân hữu cơ theo lối truyền thống  có hàm lượng hợp chất flavonoid, một chất chống oxy hoá, cao gấp 2 lần so với cách trồng trọt  thông thường hiện nay. (Cách trồng  hiện nay thường sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu rầy hoặc hoá chất kích thích tăng trưởng).  Ngoài ra, Hội Ung thư quốc gia Mỹ cũng nghiên cứu thấy  những người dùng các loại thực phẩm tự nhiên có chứa các sinh tố  B6, B12 và Folat sẽ giảm nguy cơ ung thư tuỵ tương ứng là 81%, 73% và 52%.  Ngược lại những người dùng các viên sinh tố tổng hợp  có các sinh tố trên chẳng những không giảm mà còn tăng nguy cơ ung thư tuỵ lên đến 139%. Tiến sĩ Eva Schernhammer, thuộc trường Đại học Harvard, người chủ trì chương trình nghiên cứu cho biết “Đây chỉ là phát hiện ban đầu. Thật là kỳ lạ, dường như những sinh tố tổng hợp này có gì đó đã thúc đẩy ung thư tuỵ phát triển!” Xem ra, những kết quả này cũng phù hợp với những khuyến cáo cách đây trên 40 năm của Giáo sư Oshawa khi ông đề ra Macrobiotics, một phương pháp chữa bệnh  dưỡng sinh bằng cách ăn các loại rau quả và ngũ cốc thô không có sự hỗ trợ của hoá chất hoặc không nhiễm hoá chất.  Có thể nói, cùng một loại rau quả hoặc ngũ cốc, cùng một loại thổ nhưỡng, nhưng kết quả có thể khác nhau, hoặc có lợi hoặc có hại cho sức khoẻ tuỳ theo quá trình chăm bón, bảo quản, vận chuyển có qua xử lý bằng các loại hoá chất hay không.

(còn nữa)

Võ Hà (CTQ số 113)

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""