Theo y học cổ truyền, trị liệu bệnh cam là lấy thanh nhiệt tiêu tích, khu trùng trừ cam làm chủ, sau khi bệnh nguyên đã được thanh trừ thì nhất thiết phải điều lý tỳ vị.
Trên thực tế, người ta thường chú ý đến 2 loại: một là cam tích do nuôi dưỡng kém hoặc ảnh hưởng của nhiều bệnh mạn tính dẫn đến tình trạng tổn thương tỳ vị gây tích trệ kéo dài.
Cổ nhân cho rằng “vô tích bất thành cam” hay “tích thị cam chi mẫu” (ở một phạm vi nào đó tương ứng với bệnh suy dinh dưỡng trẻ em của Tây y); hai là chứng cam có tổn thương viêm loét, hoại tử, xuất tiết, xuất huyết da, niêm mạc mũi, miệng, lợi...ví như nha cam tẩu mã ở miệng, cam ám mục ở mắt. Cả 2 loại có thể xuất hiện riêng rẽ hoặc đồng thời trên cùng cơ thể của 1 bệnh nhi.
Thuốc cam uống trong và phối hợp dùng ngoài
Tùy theo tính chất, mức độ, thể bệnh và kinh nghiệm của mỗi thầy thuốc, người ta thường dùng thuốc cam dưới 2 hình thức: thuốc uống trong (sắc uống, hoàn viên, tán thành bột mịn...) và thuốc dùng ngoài (bôi, xông, xoa, ngâm, đắp, ngậm, rửa...). Cam tích thường dùng thuốc uống trong, cam chứng ở da, niêm mạc thường dùng thuốc bên ngoài, cũng có trường hợp phải kết hợp cả hai phương thức.
Thuốc cam uống trong thường được xây dựng dựa trên sự gia giảm các bài thuốc cổ phương như Bình vị tán, Tiêu thực hoàn, Sâm linh bạch truật tán, Tiền thị khải tỳ tán, Tiêu cam lý tỳ thang, Lô hội phì nhi hoàn, Lô hội tiêu cam ẩm, Tập thành hoàn, Tứ vị phì nhi hoàn, Lương cách tán, Nhị thánh hoàn, Mã nha tiêu hoàn, Tam hòa hoàn, Sử quân tử tán, tiêu cam tán... hoặc các phương thuốc được cấu tạo theo nguyên tắc “đối pháp lập phương” (tân phương) hoặc sử dụng các kinh nghiệm dân gian, các phương thuốc gia truyền. Các vị thuốc thường được dùng là Nhân sâm, Bạch linh, Bạch truật, Liên nhục, Ý dĩ, Hoài sơn, Cam thảo, Lô hội, Sử quân tử, Trần bì, Binh lang, Mộc hương, Mạch nha, Sơn tra, Thần khúc, Kê nội kim, Khiếm thực, Hoàng liên, Thanh đại, Hồ hoàng liên, Thịt cóc...
Thuốc cam dùng ngoài là các cổ phương như Tích loại tán, Nha cam tán, Ngọc thiềm tán, Tứ vật tán, Thanh ngưu tán, Thanh đại tán, Đởm phàn tán, Xạ hương tán, Ngưu bàng tử tán, Thiềm tô tán... với các vị thuốc thường dùng như Bạch phàn, Thanh đại, Ngũ bội tử, Băng phiến, Nhân trung bạch, Thiềm to, Núc nác, Xạ hương, Khinh phấn, Thạch khôi...
Thuốc cam có gây ngộ độc chì không?
Trong y dược học cổ truyền, có một số khoáng vật chứa chì được dùng để làm thuốc như Duyên phấn (PbCO3), Ô duyên (PbS), Mật đà tăng (chủ yếu là PbO) và Duyên đơn, còn gọi là Hồng đơn, Hoàng đơn, Diên đơn... (là oxyt chì Pb3O4, có thể viết 2PbO.PbO2, tỷ lệ PbO2 là 34,9%). Trong các cổ phương trị liệu bệnh cam cũng có một số bài thuốc có sử dụng khoáng vật chứa chì như Ngũ bội tử tán, Đởm phàn tán, Định phấn tán và Tứ vật tán dùng hồng đơn, Lan hương tán dùng Mật đà tăng. Tuy nhiên, các khoáng vật này được dùng với liều rất thấp, bào chế hết sức cẩn thận, chỉ sử dụng làm thuốc dùng ngoài với một quy trình trị liệu ngắn ngày và luôn luôn được khuyến cáo là có độc.
ThS. Hoàng Khánh Toàn