Không khí đặc quánh, oi bức và ngột ngạt thường xuyên là những gì người dân có thể cảm nhận tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong không khí ô nhiễm, đặc biệt là sự xuất hiện của bụi siêu mịn PM2.5.
Sát thủ “âm thầm” trong không khí
Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người). Loại bụi này được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như khí thải của phương tiện giao thông, hoạt động của nhà máy, xây dựng, sinh hoạt đun nấu trong gia đình, từ khói thuốc lá…
Khi tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn đến mắt, mũi, họng và phổi gây ra ho, hắt hơi, sổ mũi và khó thở. Nguy hiểm hơn, bụi PM2.5 còn được mệnh danh là "sát thủ âm thầm" bởi chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan…
Nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất là người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người có sẵn các bệnh lý mạn tính… Do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, với cùng một nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp 2 lần người lớn. Trẻ nào càng sống gần mặt đường, gần các công trình xây dựng nguy cơ bệnh hô hấp cao từ 19-25% so với bình thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ khó phát triển chiều cao toàn diện nếu liên tục sống trong môi trường ô nhiễm không khí.