Sẹo lồi được mô tả là sự phát triển nhanh chóng của lớp xơ sợi ở lớp hạ bì. Thường biểu hiện là một khối u cục, có phân thùy, mô đặc và có thể lan rộng sang tổ chức mô lành.
Nó phát triển nhanh từng đợt và không có biểu hiện thoái triển. Do vậy, không ít người cảm thấy mất tự tin vì sẹo, dù nó không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Hiện có nhiều công nghệ giúp chế ngự sẹo, tuy vậy, việc xóa sẹo không hề đơn giản. Trên thực tế, đã có trường hợp điều trị sẹo nhưng bị biến chứng phải nhập viện.
Ai dễ bị sẹo lồi?
Sẹo lồi (keloid) thường hay gặp ở người từ 15 - 40 tuổi, nữ hay gặp hơn nam và có yếu tố di truyền rõ. Sẹo lồi thường khởi phát sau một tổn thương ở da, có thể là tổn thương trên diện tích rất nhỏ như: trứng cá, thủy đậu, hạt cơm, côn trùng cắn, vết tiêm phòng hoặc sau phẫu thuật. Vì vậy, có thể gặp ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể nhưng hay gặp ở những vùng da căng, cử động như ngực, lưng, bả vai và cũng có thể ở những vùng ít di động và ít sức căng như dái tai. Thường sẹo lồi ít gặp ở người già và trẻ em, người có da sẫm màu dễ bị hơn là người da trắng. Nguyên nhân gây ra sẹo lồi hiện nay vẫn chưa rõ. Một số tác giả đặt ra giả thuyết do sự thay đổi tín hiệu tế bào kiểm soát phát triển và tăng sinh tổ chức, mất cân bằng giữa quá trình đồng hóa và dị hóa trong tiến trình lành vết thương.
Đặc điểm của sẹo lồi
Sẹo lồi phát triển không ngừng, thường nổi cao trên mặt da và lan rộng ra ngoài ranh giới của sẹo, không bao giờ giảm theo thời gian, màu hồng hoặc tím, bề mặt nhẵn, cảm giác thường ngứa, đôi khi đau khi chạm vào sẹo. Cần phân biệt với sẹo phì đại ở những điểm sau: sẹo phì đại phát triển ngay sau khi chấn thương nhưng chỉ giới hạn trong ranh giới của sẹo, thường dừng phát triển và giảm sau 1 - 2 năm.
Sẹo tiến triển theo từng giai đoạn, ở giai đoạn đầu hoặc trong giai đoạn đang phát triển, tổn thương trở nên đỏ và tím, có nhiều mạch máu nhỏ nổi rõ dưới da. Trong giai đoạn tạm nghỉ, tổn thương đỡ căng cứng và ít mạch máu hơn nhưng nó vẫn tiến triển và đặc hơn so với tổ chức lành xung quanh. Không giống như sẹo quá phát, nó không có sự co kéo mô xung quanh.
Sẹo lồi sau phẫu thuật lấy bỏ đi thường có xu hướng mọc lại chậm, khi có biểu hiện căng cứng trên bề mặt là có biểu hiện mọc lại. Không có biểu hiện thoái triển, lấy đi có sự tái phát và có xu hướng lan ra mô bình thường, đây là những đặc điểm rất quan trọng để phân biệt với sẹo quá phát.
Một số vùng của cơ thể có khuynh hướng biểu hiện sẹo lồi là: một nửa trên của cơ thể như: đầu, cổ, ngực vai và cánh tay. Trong đó, vùng hay gặp nhất là dái tai, cổ bên, vùng cơ delta, sẹo lồi cũng có thể gặp ở xung quanh rốn và có thể gặp ở cả vùng mu.
Ngoài yếu tố di truyền còn có một số yếu tố thuận lợi gây sẹo lồi như: do căng kéo vùng vết thương, do da vết thương không bằng phẳng, khâu vá không đúng lớp giải phẫu.
Do nhiễm khuẩn hoặc dị vật tại vết thương như: lông tóc, u hạt gây nên xu hướng lành vết thương thứ phát.
Lời khuyên của thầy thuốc
Hiện nay, do nhiều người lo sợ mất thẩm mỹ về sẹo lồi nên thường tìm mọi phương pháp trong đó điều trị theo mách bảo, điều trị ở các cơ sở y tế không có uy tín để xóa sẹo, tuy nhiên, đã có trường hợp bị biến chứng. Vì vậy, khi bị sẹo lồi, cần đến các cơ sở y tế có uy tín và được cấp phép. Bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn các biến chứng có thể xảy ra và hướng xử trí khi cần thiết, tránh những chỉ định hoặc tiêm không đúng kỹ thuật và các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
ThS. Minh Thu