TINH HOA XANH

Bí tiểu, tiểu khó: Do đâu?

Đi tiểu là một động tác theo ý muốn, có sự kết hợp hài hòa giữa sự co bóp mạnh của bàng quang và sự giãn nở thật rộng của cổ bàng quang, đó là cơ vòng trong và cơ vòng ngoài (cơ vòng niệu đạo). Cơ vòng trong còn có tên là cơ vòng nhẵn, chịu sự chi phối của hệ thần kinh thực vật, còn cơ vòng ngoài chịu sự chi phối của não. Như vậy, muốn đi tiểu được phải có đủ các điều kiện: bàng quang co bóp đủ mạnh, các cơ vòng giãn nở đủ rộng, niệu đạo thông thương, không bị vướng mắc. Thiếu một trong các yếu tố trên sẽ dẫn đến bí tiểu.

Nguyên nhân gây bí tiểu? 

Bình thường, khi lượng nước tiểu trong bàng quang có từ 250ml-800ml sẽ gây kích thích buồn tiểu; lưu lượng nước tiểu thải ra khoảng 20ml/giây. Tiểu lâu, hay tiểu khó là biểu hiện của sự kháng cự của các lớp cơ thắt chống lại những cản trở gây bít tắc ở cổ bàng quang. Bàng quang sẽ không co bóp đủ mạnh trong các trường hợp: mất sự liên hệ với hệ thần kinh thực vật, đặc biệt là khi bị chấn thương cột sống; thành bàng quang bị chai xơ do viêm mạn tính, mô đàn hồi bị thay thế bằng mô sợi làm bàng quang co bóp yếu.

Tuy nhiên, nếu bàng quang hoạt động bình thường, nhưng các cơ vòng nhẵn (tức là cổ bàng quang) không giãn nở cũng sẽ gây bí tiểu. Nguyên nhân khiến cổ bàng quang không giãn nở là: mất liên lạc với hệ thần kinh thực vật, hay gặp trong các trường hợp chấn thương cột sống; cơ vòng bị xơ chai bẩm sinh hay do viêm mạn tính; cơ vòng bị biến dạng và chèn ép bởi u tiền liệt tuyến, bị bít kín do sỏi ở bàng quang; chấn thương cột sống khiến não không tác động được vào cơ vòng nữa sẽ gây bí tiểu.

Và cuối cùng, nếu niệu đạo mất thông suốt do bị chít hẹp do viêm làm xơ hóa, bị bít lại do sỏi, bị vỡ do chấn thương... cũng sẽ gây bí tiểu.

Nói tóm lại, có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân bị tiểu lâu, tiểu khó, như:

    Các nguyên nhân chung thường là: các bệnh do tổn thương tủy sống, chèn ép tủy sống do lao, do khối u, các bệnh viêm rễ thần kinh tủy sống; sau chấn thương có vỡ xương chậu; sau mổ vùng bàng quang, sỏi bàng quang; các bệnh ở vùng bàng quang như: các khối u, sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang, xơ cứng cổ bàng quang... hoặc do viêm nhiễm lâu ngày.

    Riêng với phụ nữ, ngoài những nguyên nhân chung như trên còn có thể gặp một số nguyên nhân khác như: do các khối u vùng tiểu khung chèn vào bàng quang như u ở tử cung, u buồng trứng..., do có thai...

    Đối với nam giới, ngoài nguyên nhân chung kể trên, tiểu lâu, tiểu khó còn có thể do: sỏi bàng quang hoặc niệu đạo; viêm tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt ở người già; chấn thương niệu đạo; chít hẹp niệu đạo sau chấn thương hoặc do viêm nhiễm ở niệu đạo.

    Điều trị cách nào?

    Khi gặp các nguyên nhân trên, bạn cần đi khám chuyên khoa thận - tiết niệu hoặc khám nam khoa để tìm đúng nguyên nhân gây bệnh bí tiểu, tiểu khó, có như thế việc điều trị bệnh mới dứt điểm và hiệu quả.

    Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có cách xử lý thích hợp. Chẳng hạn, nếu khó tiểu, bí tiểu do u lành tiền liệt tuyến gây chèn ép, sỏi mắc nghẽn tại cổ bàng quang hay niệu đạo, chấn thương vỡ, giập niệu đạo, chấn thương cột sống... bệnh nhân phải được thông tiểu ngay, đó là các biện pháp phẫu thuật lấy sỏi, giải quyết sự chèn ép đường tiểu hoặc dùng các ống dẫn nước tiểu luồn vào niệu đạo tới bàng quang cho nước tiểu thoát ra ngoài. Các nguyên nhân khác có thể dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa.

    Bệnh bí tiểu, khó tiểu cần phải điều trị càng sớm càng tốt. Vì nếu cứ để tình trạng ứ đọng nước tiểu kéo dài sẽ gây ra sự căng trướng toàn bộ hệ tiết niệu, viêm nhiễm tiết niệu ngược dòng và suy thận. Lúc đó sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.       

    BS. Vũ Nhân

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""