TINH HOA XANH

10 tiêu chí tự trắc nghiệm sức khoẻ

Sở hữu một  cơ thể khoẻ mạnh luôn là mơ ước của con người. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng ý thức đầy đủ và hiểu biết một cách chính xác về tình trạng sức khoẻ của bản thân. Dưới đây là 10 tiêu chí để bạn có thể tự trắc nghiệm sức khoẻ cơ thể mình.

1. Tinh thần. 
Người khoẻ mạnh luôn có một tinh thần sảng khoái, hành động sáng suốt, đối nhân xử thế hợp lý hợp tình, không có chứng đau đầu, chóng mặt. Nếu một trong những tiêu chuẩn trên không đạt thì nên kiểm tra xem có vấn đề gì về tim mạch, não bộ, các cơ quan thần kinh hoặc có bệnh xương khớp không.
2. Nhiệt độ cơ thể. 
Với một người khoẻ mạnh, nhiệt độ bình thường của cơ thể từ 36 – 37o. Cao hơn là có biểu hiện sốt, thấp hơn gọi là bị hạ nhiệt, trường hợp bị hạ nhiệt thường gặp ở những người cao tuổi thể trạng yếu mệt hay những người thường xuyên có chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra cũng có thể do biểu hiện từ chứng bệnh tim mạch, hạ huyết áp…
3. Hô hấp. 
Người khỏe mạnh hô hấp bình ổn, có quy luật, mỗi phút hít vào thở ra khoảng 15 lần. Cần tư vấn chuyên môn khi có biểu hiện thở không được sâu, tần suất và quy luật dị thường, thở thấy nặng nhọc, nghẹt thở…. Với người cao tuổi, chức năng của cơ quan hô hấp có phần suy giảm, mỗi khi hoạt động mạnh có biểu hiện thở gấp, sau khi nghỉ ngơi lại được hồi phục rất nhanh và đó là điều hoàn toàn bình thường.
4. Cân nặng. 
Một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của sức khoẻ là giữ cho thể trọng ổn định lâu dài. Trong thời gian ngắn mà bị giảm cân đột ngột có thể là nguyên nhân của bệnh tiểu đường, dạ dày, đường ruột hay bệnh gan, nữ giới đang trong tuổi dậy thì mà gầy guộc, da dẻ khô cằn cũng là hiện tượng của bệnh lý. Thể trọng tăng nhiều đột ngột cũng có thể là nguyên nhân cho bệnh tiểu đường, cao huyết áp, suy giảm tim mạch...


5. Đại tiện. 
Người khoẻ mạnh đại tiện 1 lần mỗi ngày hoặc cách 1 ngày. Người già, nhất là tuổi càng cao thường ăn ít, hoạt động ít thì 2 - 3  ngày đi 1 lần, còn nếu đi nhiều hay táo bón có thể có nguyên nhân của bệnh đường ruột.
6.Tiểu tiện. 
Người lớn mỗi ngày bài tiết ra từ 1 - 2 lít nước tiểu, mỗi lần cách nhau từ 2 đến 4h, ban đêm thời gian không nhất thiết cố định như vậy. Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt, trong suốt, ít bọt. Nếu màu sắc và lượng nước tiểu bất thường hoặc số lần đi tiểu nhiều, khó khăn và có cảm giác đau buốt thì cần đi khám để chữa trị. 
7. Giấc ngủ. 
Người lớn cần ngủ từ 6 đến 8 giờ mỗi ngày, người cao tuổi nên có thêm giấc ngủ trưa. Cảm giác khó ngủ, hay tỉnh dậy vào ban đêm, buồn ngủ ban ngày, hay ngáp vặt đều là biểu hiện của chứng mất ngủ cần được tư vấn để điều chỉnh kịp thời.
8. Mạch đập. 
Ở người lớn, mạch đập khoảng 60 - 100 lần trong 1 phút. Nếu quá nhanh hoặc chậm, mạch không đều thì đó là biểu hiện tim không được khoẻ. Thông thường ở người già, nhịp tim tương đối chậm, nhưng không được phép thấp hơn 55 lần/ phút. Phải theo dõi cẩn thận đối với người bình thường mạch đập tương đối chậm, nhưng có lúc lại tăng đột ngột lên 80 - 90 lần/ phút.
9. Huyết áp. 
Bình thường, huyết áp ở người lớn không vượt quá 140/80 mmHg. Người già tuỳ theo tuổi tác mà huyết áp cũng tăng theo nhưng bất luận có bệnh trạng hay không, khi huyết áp tối đa vượt qua ngưỡng 140 mmHg thì cần xin tư vấn của thầy thuốc để dùng thuốc hạ huyết áp. 
10. Chế độ dinh dưỡng. 
Người ở độ tuổi trung niên, năng lượng không cần quá 500 calo mỗi ngày còn người già cần không quá 350 calo. Nếu tự nhiên ăn uống quá nhiều thì nên nghĩ ngay đến khả năng mắc bệnh tiểu đường hoặc đang hình thành một chứng bệnh khác. Cần kiểm tra sức khoẻ xem có bị viêm nhiễm gì không khi mỗi ngày không nạp đủ 250 calo, hoặc ăn uống không ngon miệng trong vòng nửa tháng trở lên.

Ngô Hảo (CTQ số 96)

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""