TINH HOA XANH

Trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở Quảng Nam và Kon Tum

Sâm Ngọc Linh được DS. Đào Kim Long và các cộng sự phát hiện ở Việt Nam từ năm 1973 tại vùng núi Ngọc Linh, trên độ cao từ 1.500m đến 2.200m thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, mãi đến năm 1985, sâm Ngọc Linh mới được công nhận là một loài mới đối với khoa học với tên gọi Panax vietnamensis Ha et Grushv.
Những nghiên cứu về hóa học và dược lý trong nhiều năm gần đây đã khẳng định giá trị của sâm Ngọc Linh (với 52 saponin, trong đó có 26 saponin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật và 26 saponin mới phát hiện). Do việc tuyên truyền một cách thái quá cộng với việc khai thác quá mức của người dân, đến nay sự tồn tại của loài này trong tự nhiên gần như không còn. Hiện đã có hai cơ sở được thành lập với mục đích bảo tồn, nhân trồng tại chỗ sâm Ngọc Linh là Trạm Dược liệu Trà Linh thuộc Sở Y tế Quảng Nam - Đà Nẵng ở xã Trà Linh, huyện Trà My và chốt sâm thuộc ngành Y tế Gia Lai – Kon Tum ở xã Măng Ri, huyện Đắc Tô.
Từ tháng 3/1997 đến tháng 5/1998, ba đơn vị đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (trước đây là huyện Đăk Tô), tỉnh Kon Tum là: Công ty Dược phẩm và Đầu tư thiết bị y tế; Lâm trường Ngọc Linh; Sở KHCN & MT với tổng diện tích 6.135m2, trong đó trồng dưới tán rừng tự nhiên tại 4 chốt thuộc 4 làng (Tung Tam, Long Láy, Long Hy, Ngọc La) với diện tích 2.638m2.
Từ năm 1999 đến năm 2001, Lâm trường Ngọc Linh đã đầu tư trồng mới tại ba chốt với diện tích 6.904m2 (vườn 1: 2.494m2, vườn 2: 2.760m2, vườn 3: 1.650m2), số lượng cá thể khoảng 130.000 cây. Từ tháng 4/2001 Sở KHCN & MT Kon Tum đã phối hợp với Viện Dược liệu – Bộ Y tế, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Lâm trường Ngọc Linh triển khai thực hiện dự án: “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, kỹ thuật trồng và qui hoạch phát triển cây sâm K5 tại Kon Tum”. Dự án được triển khai giai đoạn I từ năm 2001 – 2004. Dự án đã đưa hơn 62.000 cây giống từ Quảng Nam về trồng tại 4 vườn với tổng diện tích 1,3 ha (hơn 48.000 cây) và phát 13.550 cây cho 24 hộ gia đình của thôn Lạc Bông, xã Ngọc Lây để phát triển theo mô hình hộ gia đình (mô hình trồng sâm nhân dân).
Gần 80% cây sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng đã sống và sinh trưởng bình thường. Cây trồng sau 2 năm có từ 2 – 5% ra hoa, quả lứa đầu tiên, các năm sau nhiều hơn.
Được thành lập sớm hơn so với tỉnh Kon Tum, Trại Nuôi trồng và Phát triển dược liệu Trà Linh ra đời từ năm 1997 với mục tiêu bảo tồn nguồn gen cây sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, đến năm 1998 chỉ còn lại vùng Nước Nhét, núi Ngọc Đỏ với số lượng khoảng 80.000 cây có độ tuổi từ 1 – 5 tuổi, khả năng cung cấp từ  8.000 – 82.000 cây con từ hạt/năm.
Được sự giúp đỡ về cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là kể từ năm 2000 trở lại đây, diện tích trồng sâm đã được mở rộng trên 5 ha, mở thêm vùng trồng mới tại thôn Tak Ngo, xã Trà Linh (5.000 cây). Trung bình mỗi năm vườn giống cung cấp khoảng trên dưới 200.000 hạt giống đạt chất lượng, tương đương từ 140.000 – 170.000 cây con phục vụ trồng, mở rộng diện tích và cấp cho trên 90% số hộ gia đình (tổng cộng có 180 hộ) thuộc 4 thôn của xã Trà Linh, trung bình mỗi hộ nhận được 1.000 – 2.000 cây giống phục vụ yêu cầu phát triển trồng sâm trong dân.
Ngoài ra, số cây giống tạo ra từ Trà Linh còn được chuyển sang hỗ trợ cho tỉnh Kon Tum, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, di thực đến một số điểm trồng mới như Trà Nam (huyện Nam Trà My), huyện Tây Giang… từ 10.000 – 50.000 cây giống (năm 2004).
Do ý thức của người dân đã được nâng cao nên ngoài số cây sâm giống được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí của tỉnh, của các dự án, người dân địa phương còn thông qua việc khai thác, tìm kiếm trong tự nhiên cũng đã giữ lại đầu mầm để trồng. 
Ước tính số cây sâm do người dân tự trồng lên đến vài ngàn cá thể. Qua theo dõi chúng tôi thấy rằng mặc dù xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau nhưng tại các điểm trồng cây sinh trưởng và phát triển tốt; sau 3 – 4 năm bắt đầu ra hoa, quả nhiều (khoảng 60%). Mật độ trồng dưới tán rừng tự nhiên từ 45.000 – 60.000 cây/ha. Thời vụ trồng thích hợp nhất từ tháng 10 – 12 dương lịch.
Tóm lại, trước nguy cơ sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên bị tuyệt chủng, với sự nỗ lực của hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và các ngành có liên quan, bước đầu cây thuốc quý này đã được đưa vào trồng ngay tại vùng núi Ngọc Linh. Tổng diện tích sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã lên tới trên 10 ha. Cây trồng được chăm sóc, bảo vệ đã sinh trưởng và phát triển bình thường. Hạt giống thu được tiếp tục sử dụng để phát triển trồng thêm. Một trong những kết quả quan trọng nhất ở đây là đông đảo người dân tộc Xê Đăng (xung quanh núi Ngọc Linh, thuộc Quảng Nam và Kon Tum) tham gia tích cực vào việc trồng sâm. Với những thành quả bước đầu này, hy vọng trong tương lai không xa, hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum sẽ sản xuất được nhiều sâm Ngọc Linh để bảo tồn và cung cấp cho nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân.n
(Nguồn: Bản tin LSNG)

Lê Thanh Sơn (CTQ số 72)
 
 
Tags:
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""