TINH HOA XANH

Kỹ thuật trồng cây thuốc: Cỏ ngọt

CỎ NGỌT

Tên khoa học: Stevia rebaudiana (Bert.) Hemsl.

Họ: Cúc  ( ASTERACEAE)

Tên khác: Cúc ngọt, cỏ đường.

Tên vị thuốc: Cỏ ngọt. 

Phần I: Đặc điểm chung

1. Nguồn gốc, phân bố

Cây cỏ ngọt có nguồn gốc ở các vùng Nam Mỹ (Paraguay), được du nhập vào Việt Nam từ năm 1988. Cỏ ngọt đã thích ứng với những vùng khí hậu khác nhau của nước ta, sinh trưởng tốt tại Lâm Ðồng, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phú, Bắc Giang… 

2. Đặc điểm thực vật

Cây thảo nhỏ, sống nhiều năm, cao 0,5 - 0,6 m, có khi đến 1,0 m. Thân cứng mọc thẳng, có rãnh dọc và nhiều lông mịn, ít phân nhánh. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, dài 5 - 7 cm, rộng 1,0 - 1,5 cm, có 3 gân, 4 - 6 đôi răng nhọn ở phần nửa về phía đầu lá, hai mặt có lông trắng mịn, nhấm lá thấy có vị ngọt rất đậm, cuống lá rất ngắn. Hoa lưỡng tính, tụ họp thành đầu màu trắng ở ngọn thân. Quả bế, không có mào lông, hạt không có nội nhũ. Mùa hoa tháng 5 - 9.

3. Điều kiện sinh thái

Cỏ ngọt là cây ưa ẩm và ưa sáng, có thể chịu bóng, ưa bóng vào thời kỳ cây con. Cỏ ngọt được thấy trồng tại rất nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, cỏ ngọt phát triển tốt vào vụ xuân - hè. Về mùa đông cây ở miền Bắc có hiện tượng rụng lá và lụi. Nhiệt độ từ 25oC - 30oC thích hợp nhất để cỏ ngọt sinh trưởng và phát triển.

4. Giá trị làm thuốc

Bộ phận sử dụng: Toàn bộ phần trên mặt đất của cây cỏ ngọt được sử dụng làm thuốc.

Công dụng: Cỏ ngọt được dùng trong y học có tác dụng là chất thay thế đường cho bệnh nhân tiểu đường, hạ huyết áp, lợi tiểu, có tác dụng chữa béo phì, kết hợp được với nhiều bài thuốc y học dân tộc.

Phần II: Kỹ thuật trồng trọt

1. Chọn vùng trồng

Cỏ ngọt có thể trồng trên nhiều loại đất, tốt nhất là trồng trên đất phù sa, đất cát pha của châu thổ đồng bằng sông Hồng, nhiều mùn, thoát nước, có tầng canh tác dầy. Cây trồng thích hợp nhất là đất thịt pha cát, độ mùn cao, pH 6,0 - 7,0 hoặc đất hơi có tính kiềm.

2. Giống và kỹ thuật làm giống

Cỏ ngọt có thể nhân giống bằng nhiều phương pháp. Nhân giống từ hạt có tỷ lệ nảy mầm thấp, cây sinh trưởng chậm và sức sống kém. Nhân giống bằng nuôi cấy mô cho số lượng cây lớn và chất lượng đồng đều, chủ yếu để tạo nguồn cây giống gốc có chất lượng cao, nhưng đầu tư ban đầu lớn. Trong sản xuất, chủ yếu áp dụng phương pháp giâm cành truyền thống.

Kỹ thuật nhân giống bằng cành

- Vườn ươm: Cát non được lên luống rộng 1,0 - 1,2m, cao 15 - 20cm, vườn ươm được che phủ 1 lớp nilon và 1 lớp lưới đen để che mưa và nắng cho cây con. Trước khi giâm, giá thể vườn ươm phải được xử lý bằng vôi bột hoặc các thuốc trừ nấm bệnh trong đất như: Carbendazim 80WP hoặc Mancozeb 80WP với nồng độ 3-5% tưới đều lên mặt luống chuẩn bị giâm cây.

- Cành giâm: Chọn cành ngọn mập từ cây mẹ khoẻ mạnh, 3 - 4 tháng tuổi, dài từ 5 - 7 cm, có 4 - 5 đôi lá. Nhúng cành giâm vào thuốc kích thích ra rễ thông dụng trong 2 - 3 giây, để ráo nước sau đó giâm vào cát. Hàng ngày tưới nước giữ ẩm (duy trì độ ẩm 80 - 85 %), cành giâm bắt đầu ra rễ sau 5 - 7 ngày. Trong thời gian cây trong vườn ươm thường xuyên kiểm tra và phun thuốc trừ bệnh cho cây - sử dụng thuốc Ricide 72 WP nồng độ 0,1 - 0,2% phun định kỳ 5 ngày/lần, phun ướt đều toàn bộ cành giâm. Sau 15 - 20 ngày, chiều cây cao đạt 15 cm, có từ 7 - 9 đôi lá, bộ rễ phát triển mạnh. Lúc này có thể đưa cây ra ruộng trồng.

- Lưu ý: Các điều kiện nhiệt độ, ẩm độ không khí, và kỹ thuật giâm cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng ra rễ cũng như sự sinh trưởng của cành giâm.

3. Thời vụ trồng

Cỏ ngọt có thể trồng tốt nhất vào vụ xuân và vụ thu khi thời tiết ấm và mát nhiệt độ không quá thấp hoặc quá cao.

 - Ở miền Bắc thời vụ trồng cỏ ngọt tốt nhất vào tháng 2 - 3, khi nhiệt độ không khí thấp hơn 15 - 20oC. Trồng muộn hơn cây sớm ra hoa, ảnh hưởng tới năng suất.

- Cỏ ngọt cho thu hoạch quanh năm, thời điểm thu hoạch cao nhất từ tháng 4 - 10. Cỏ ngọt trồng một lần có thể cho thu hoạch trong 2 - 3 năm.

4. Kỹ thuật làm đất

Đất trồng cỏ ngọt được cày bừa kỹ làm sạch cỏ dại và thường được xử lý bằng vôi bột và các thuốc diệt nấm gây hại trong đất như sử dụng nấm đối kháng Trichodecma lượng 8 - 10kg/sào Bắc bộ, trộn với phân chuồng bón lót trước khi làm luống từ 10 - 15 ngày.

- Làm luống rộng từ 80 - 100cm, chiều cao luống 25 - 30 cm, cần làm luống dễ thoát nước. Mặt luống được san phẳng và làm đất nhỏ mịn, giống như đất trồng rau

5. Mật độ và khoảng cách trồng

Đặc tính dinh dưỡng của cây cỏ ngọt phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Điều kiện thời tiết, độ phì của đất, điều kiện thâm canh của từng vùng nên có thể lựa chọn mật độ thích hợp. Đất có độ phì cao nên trồng dày, đất đồi, gò, đất xấu nên trồng thưa hơn. Mật độ: 130.000 cây /ha.

Khoảng cách trồng: 25 x 30 cm.

6. Phân bón và kỹ thuật bón phân

Cây cỏ ngọt là cây thuộc họ Cúc, có bộ rễ chùm rất khoẻ, phàm ăn lại cho thu hoạch nhiều lứa trong năm, do đó cây cần một lượng dinh dưỡng rất lớn. Cần bón cân đối lượng N, P; K và bổ sung các chất trung vi lượng mới đem lại kết quả cao nhất. Không nên bón đạm nhiều quá làm tăng lượng nitrat trong lá và giảm hàm lượng đường trong cây.

 Lượng phân bón

Loại phân Lượng phân/ ha (kg) Lượng phân/ sào Bắc Bộ (kg) Bón lót Bón thúc
Phân chuồng 15.000 - 20.000 555 - 740 100 -
Phân vi sinh 2.000 - 3.000 74 - 111 100 -

NPK tổng hợp 

15: 15: 15

360 - 540 13 - 20 - 100

 

Thời kỳ bón: Bón phân cho cây cỏ ngọt được chia làm các giai đoạn khác nhau tùy thuộc vào mùa vụ và thời tiết khí hậu khi thu hoạch.

- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoặc phân vi sinh.

- Bón thúc: Chia làm nhiều giai đoạn khác nhau.

+ Giai đoạn cây con mới được đưa ra ruộng trồng:

Sau 10 - 12 ngày có thể bón 2 - 3 kg NPK cho 1 sào Bắc bộ rắc đều trên luống (bón cách xa gốc 2 - 3 cm). Sau khi bón xong tưới nước đẫm cho cây.

Sau 30 ngày bón tiếp 5 - 7 kg NPK rắc đều trên luống lưu ý bón cách gốc cây từ 2 - 3 cm. Sau khi bón phân xong nên tưới nước cho cây tránh phân dính vào lá.

Ngoài ra, 5 - 7 ngày sau bón đợt 1, khi cây đã bắt đầu đâm chồi được 5 - 7 cm tiến hành phun phân bón lá ĐT 502 phun ướt đều trên mặt lá, có thể kết hợp với các thuốc trừ sâu bệnh cho cây nếu thấy xuất hiện sâu bệnh trên đồng ruộng.

+ Giai đoạn cây đã trưởng thành: Tùy thuộc vào thời tiết của từng vụ mà bón làm 1 - 2 đợt bón:

Đợt 1: Bón sau khi thu hoạch 2 - 5 ngày, trộn đều 3 - 5 kg NPK + 10 kg phân vi sinh hữu cơ bón cho một sào Bắc bộ, kết hợp xới xáo, làm cỏ. Sau mỗi lần bón phân cần tưới nước cho cây.

Đợt 2: Bón lượng phân bổ sung 3 - 5 kg NPK/sào Bắc bộ cho cây sau bón lần 1 được 10 - 15 ngày, tùy thuộc vào tình trạng cây mà điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp.

Kết hợp vun xới, bón phân, tưới nước cho cây sau mỗi lần thu hoạch.

Sang tháng 12, khi nhiệt độ xuống thấp, có thể phủ tro bếp, hoặc mùn rơm rạ và bổ sung thêm 2 - 3 kg NPK để lấy sức đề kháng và chống rét cho cây. Trước khi bón phân cắt cách gốc 10 cm, phủ phân và đất ủ cho cây qua đông (chú ý giữ độ ẩm 80 - 85 %).

7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Kỹ thuật trồng

Cây giống đủ tiêu chuẩn được bứng ra trồng đảm bảo bộ rễ khoẻ mạnh (rễ chùm màu trắng dài 1,5 - 3,0 cm), trồng ngập rễ, trên thân 1,5 cm không nên trồng quá sâu vì cây rất dễ bị bệnh thối cổ rễ, không trồng quá nông cây bị đổ. Trong thời gian từ 5 - 7 ngày sau trồng cần tưới đủ ẩm cho cây, mỗi ngày tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều tối, nếu thời tiết có mưa hoặc đất có độ ẩm cao (> 80 %) hạn chế tưới cho cây. Vào mùa hè cần chọn ngày có mưa để trồng cây và cần che nắng cho cây. Sau trồng 1 tuần, cây hồi xanh thì tiến hành bấm ngọn. Sau trồng được 25 - 30 ngày nếu cây có những cành già lá nhỏ thì nên cắt bớt để lại phần gốc 10 - 12 cm và các cành non.

Sau khi thu hoạch từ lứa thứ 3 trở đi nên thường xuyên đốn cành cho cây. Cắt cành cách gốc 10 - 12 cm. Tỉa bớt cành già, đốn cành giúp cây được trẻ hoá, kích thích cây ra nhiều cành mới nâng cao sản lượng. 

Chăm sóc

Cỏ ngọt yêu cầu đất tơi xốp, độ thoáng cao, cần xới đất thường xuyên, đặc biệt giai đoạn đầu. Khi cây còn nhỏ, yếu, sinh trưởng chậm cần làm cỏ kịp thời. Sau mỗi lần cắt nên xới xáo, nhặt sạch cỏ và bón thúc. Sau các trận mưa lớn, luống bị se mặt cần xới cho thoáng đất. Đặc biệt vào thời điểm thời tiết ẩm ướt, độ ẩm không khí cao và thời tiết có mưa nhiều vào các tháng 7 - 8 cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và phun thuốc trừ nấm bệnh và thoát nước cho ruộng trồng, tránh hiện tượng cây bị úng.

Tưới tiêu

Cỏ ngọt là cây ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng (nếu bị ngập úng sau 3 - 5 ngày cây có thể bị chết cả loạt) vì thế cần chủ động tháo nước trong ruộng trồng sau mỗi đợt có mưa to hoặc ngập lụt. Độ ẩm thích hợp cho cây sinh trưởng tốt nhất là 70 - 80 %. Chú ý giữ ẩm vào thời kỳ sau khi mới trồng và cây con khi ở giai đoạn vườn ươm. Trong điều kiện khô hạn cần tưới rãnh, 7 - 10 ngày tưới 1 lần.

8. Phòng trừ sâu bệnh

Cỏ ngọt bị khá nhiều sâu bệnh phá hại, điển hình là các loại sâu bệnh sau:

Sâu xám (Agrotis ipsilon)

Đặc điểm gây hại: Thường gây hại ở thời kỳ cây con. Loài sâu này thường gây hại vào ban đêm, ăn lá non hoặc cắn đứt ngang các thân và cành non. Sâu non màu xám đen hoặc màu nâu xám dọc theo hai bên thân có những chấm đen mờ.

Biện pháp phòng trừ

- Cày, phơi ải đất trước khi trồng 2 tuần để tiêu diệt trứng và nhộng. Làm đất kỹ, sạch cỏ trước khi trồng, làm sạch cỏ quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.

- Đối với những ruộng có diện tích nhỏ có thể bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu.

- Dùng bẫy chua ngọt để bẫy bướm. Cách làm bẫy: Cho 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước vào trong bình đậy kín, sau 3 - 4 ngày khi thấy mùi chua ngọt thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhùi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Sau 2 - 3 ngày nhúng lại 1 lần. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và chết.

- Ruộng bị sâu hại nặng có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu như: Thiamethoxam (ví dụ Actara 25WG, 350FS), Abamectin (ví dụ Shertin 3.6EC, 5.0EC). Hòa thuốc với nước theo tỷ lệ khuyến cáo ở bao bì, phun vào chiều tối. Nếu mật độ sâu cao nên phun kép hai lần cách nhau 5 ngày.

Nhện trắng (Polyphagotarsonemus latus)

Đặc điểm gây hại: Nhện trắng tập trung chủ yếu ở mặt dưới lá non hoặc trên ngọn non. Chúng chích hút dịch cây làm cho lá nhỏ, mép lá cong xuống và biến dạng. Nhện trắng phát sinh gây hại quanh năm nhưng phổ biến nhất vào các tháng đầu và cuối hè. Nhện thường gây hại theo từng điểm cục bộ sau đó mới lan rộng ra toàn ruộng.

Biện pháp phòng trừ

- Thường xuyên quan sát đồng ruộng để phát hiện các ổ nhện hại ngay từ khi chúng mới xuất hiện trong diện hẹp trên một vài khóm. Tiến hành ngắt toàn bộ ngọn và lá non đến lá thứ 5 - 6 từ ngọn trở xuống cho vào túi nilon rồi ngâm xuống nước để tiêu diệt ổ nhện.

- Có thể phun trừ bằng các thuốc có hoạt chất Fenpropathrin (ví dụ Danitol 10EC); Diafenthiuron (ví dụ Pegasus 500SC; Detect 500WP); Propargite (ví dụ Comite 73EC; Saromite 57EC).

Bệnh thối rễ (Pythium sp.)

Đặc điểm gây hại: Triệu chứng điển hình là cây còi cọc, kém phát triển, rễ cây bị thối, gốc thân có màu nâu đen, bệnh nặng toàn cây bị héo rũ và chết. Bệnh phát sinh gây hại trong điều kiện ẩm ướt, đặc biệt sau các đợt mưa lớn, trên các ruộng đất thoát nước kém.

Biện pháp phòng trừ

- Chọn ruộng thoát nước tốt, cần lên luống cao đối với những chân ruộng thoát nước kém. Có thể dùng phân gà hoai bón lót ít nhất 2 tuần trước khi trồng để tiêu diệt mầm bệnh Pythium có trong đất.

- Khi bệnh chớm xuất hiện, có thể dùng thuốc trừ nấm có hoạt chất Metalaxyl (ví dụ Mataxyl 25 WP, 500WDG, 500WP; Acodyl 25EC, 35WP; Vilaxyl 35 WP); Phosphorous acid (ví dụ: Agrifos-400, Herofos 400 SL). Tưới hoặc phun sát phần gốc cây theo nồng độ và liều lượng khuyến cáo.

9. Chế độ luân canh hoặc xen canh

Cỏ ngọt là cây lâu năm (có thể sống 1 - 3 năm) và là cây ưa sáng nên không trồng xen canh cỏ ngọt với cây trồng khác. Sau khi trồng cỏ ngọt nên trồng luân canh với lúa nước để hạn chế nguồn sâu bệnh có trong đất.

10. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Thời điểm thu hoạch cần tiến hành ở giai đoạn hình thành nụ vì khối lượng thân lá và hàm lượng đường trong cây cỏ ngọt đạt cao nhất vào giai đoạn bắt đầu hình thành nụ hoa.

Cỏ ngọt cho thu hoạch 8 - 10 lứa/năm tùy thuộc vào chế độ thâm canh và chất lượng đất của người trồng. Sau trồng 30 - 45 ngày cho thu hoạch lứa đầu. Sau thu hoạch xới xáo, bổ sung dinh dưỡng cho cây, tưới đủ ẩm cho cây cứ khoảng 25 - 30 ngày/lứa. Vụ thu đông số lứa thu gần nhau hơn do cây nhanh ra hoa.

Nếu đảm bảo đủ yêu cầu dinh dưỡng và chăm sóc tốt mỗi lứa cắt cho 450 - 500 kg cành lá tươi/sào Bắc bộ (trung bình khoảng 8 lứa/ năm cho năng suất cao), khoảng 6 - 8 tấn lá khô/ha/năm. Trước khi thu 1 - 2 ngày không tưới nước, chú ý không thu vào những ngày mưa to, thu lúc sáng sớm khi cây có nụ, lần 1 cắt cách gốc 15 - 20 cm. Sau 6 - 7 lần thu khi cây già, gốc to nâu cần đốn sát để trẻ hóa cây và tăng số cành hữu hiệu. 

Lưu ý: Khi thu hoạch cần để lại 3 - 5 cặp lá trên thân chính để cây nhanh ra mầm và lá non mới. Riêng lứa cuối cùng trong năm nên cắt sát mặt đất để cây qua đông an toàn và tái sinh tốt vào mùa xuân tới.

Sơ chế: Cành sau khi được cắt đưa vào sơ chế, hái lấy lá, loại bỏ tạp chất và lá già, lá sâu bệnh, phơi trong bóng râm hoặc sấy ở 30 - 40oC.

Bảo quản: Để nơi khô mát, tránh mốc, mọt.

11. Tiêu chuẩn dược liệu

Mô tả: Lá hình trái xoan hẹp hay hình trứng ngược, mầu xanh lục vàng, dài 2,5 - 6,0cm, rộng 1,0 - 1,8cm. Hai mặt đều có lông mịn, mép có khía răng cưa. Mặt trên có 3 gân nổi rõ cùng xuất phát từ cuống lá. Vị rất ngọt.

Dược liệu cỏ ngọt có độ ẩm không quá 13,0%; Tạp chất không quá 10,0%; Tro toàn phần không quá 8,50% và chất chiết được trong dược liệu không ít hơn 18,0% tính theo dược liệu khô kiệt (phương pháp chiết nóng với dung môi là ethanol 96%).

 

(Sách: Kỹ thuật trồng cây thuốc)

Bình luận:

SerInhepe

28/03/2022

https://oscialipop.com - buy cialis with paypal Dslrfl Want To Buy Dutasteride Propecia Cost Availability Ooqpze buy cialis online uk Cialis Temoignage Xvumha https://oscialipop.com - Cialis Trial and error Before the th century doctors tried many methods of getting a patients heart to start beating again from bloodletting to tickling the throat.


VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""