TINH HOA XANH

Kỹ thuật trồng cây thuốc: Cà độc dược

                                    CÀ ĐỘC DƯỢC 

 

Tên khoa học: Datura metel L.

Họ: Cà . SOLANCEAE

Tên khác: Mạn đà la (Hán); Cà diên, cà lục lược (Tày).

Tên vị thuốc: Cà độc dược. 

Phần I: Đặc điểm chung

1. Nguồn gốc, phân bố

Chi Datura L. có khoảng 15 loài phân bố khắp các vùng nhiệt đới và các vùng ấm khác trên thế giới. Ở Việt Nam có ít nhất là 4 loài: Bao gồm cà độc dược - Datura metel L., cà dược lùn - D. tatula L. là cây mọc hoang dại, và 2 loài được nhập nội là cà dược dài - D. suaveolens Humb.et Bonpl L. gốc Mexico và Peru và loài cà Hung - D. innoxia Mill. được nhập từ Hungari năm 1974. Cà độc dược phân bố rộng rãi khắp nơi từ vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng ven  biển. Cây thường mọc ở những nơi đất ẩm ở vườn hoặc quanh nhà, hoặc những bãi hoang ven đường. Một số tỉnh có nhiều cà độc dược mọc hoang như Ninh Thuận, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phú… nhưng trữ lượng không đáng kể.

2. Đặc điểm thực vật

Cây nhỏ, sống lâu năm cao 1,0 - 1,5 m. Thân nhẵn hoặc gần như nhẵn, gốc hóa gỗ, phân cành nhiều, màu lục hoặc tím tía. Lá mọc so le, gốc có phiến lệch, đầu nhọn, mép lượn sóng, mặt trên xanh lục thẫm, mặt dưới nhạt, hai mặt lá nhẵn hoặc có rất ít lông ở mặt dưới, cuống lá dài 2 - 3 cm, có khi đến 5 cm. Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, có cuống ngắn; đài hình trụ có 5 phiến; tràng rất dài có 5 cánh hoa hàn liền, xếp nếp ở trong nụ, khi nở xoè ra hình phễu, màu trắng, đốm tím hoặc hơi vàng ở mặt ngoài; đầu cánh hoa có mũi nhọn cong; nhị dài bằng tràng, chỉ nhị đính vào ống tràng đến tận giữa. Quả nang, hình cầu, mọc nghiêng, có gai ngắn, đường kính 2,5 cm, khi chín nứt ở đỉnh thành những mảnh không đều nhau; đài tồn tại hình đĩa gập xuống; hạt nhiều, dẹt, nhăn nheo, màu vàng nâu.

Mùa hoa quả: Tháng 5 - 10.

3. Điều kiện sinh thái

Cà độc dược là cây 2 - 3 năm, ưa ẩm và ưa sáng, mọc ở những bãi đất hoang hoặc ven đường đi, cây chịu hạn nhưng không chịu ngập úng. Ở điều kiện khí hậu ôn hoà, mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 15 - 30oC cây sinh trưởng và phát triển mạnh.

4. Giá trị làm thuốc

Bộ phận sử dụng: Lá, hoa phơi hay sấy khô.

Công dụng: Các chế phẩm của cà độc dược được dùng làm thuốc chống co thắt cơ trơn, chữa hen suyễn, viêm phế quản, viêm loét dạ dày, dùng làm thuốc tiền mê, chữa nhiễm độc các chất ức chế men cholinesteraza (như khí độc sarin), chữa một số trường hợp bệnh parkinson, nhồi máu cơ tim cấp tính và chậm nhịp tim. Trong nhãn khoa, atropin là thuốc giãn đồng tử trong một số xét nghiệm mắt và  thuốc nhỏ mắt chữa viêm màng bồ đào. Scopolamin được dùng điều trị co thắt dạ dày - ruột, phòng ngừa say tàu xe. Trong y học cổ truyền, ngoài công dụng bình suyễn, cà độc dược còn được dùng làm thuốc gây mê, chữa đau cơ, da tê dại, hàn thấp, cước khí. Dùng ngoài, đắp tại chỗ chữa mụn nhọn, giảm đau nhức.

Phần II: Kỹ thuật trồng trọt

1. Chọn vùng trồng

Cà độc dược có khả năng thích ứng rộng nên trồng được nhiều vùng từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Đất hơi có tính axit hoặc kiềm nhẹ đều có thể trồng cà độc dược. Nên chọn đất ở vùng không bị ô nhiễm và thành phần kim loại nặng không vượt quá ngưỡng cho phép. Không nên trồng cà độc dược vào ruộng trước đó trồng cây họ cà.

2. Giống và kỹ thuật làm giống

- Cà độc dược được nhân giống bằng hạt. Hạt giống được thu từ những cây khỏe, sạch bệnh và 8 - 10 tháng tuổi. Khi quả bắt đầu chuyển màu xanh sang màu vàng nhạt là hạt đã chín, thu hạt làm giống. Hạt được làm sạch, phơi khô và bảo quản tại nơi khô thoáng. Hạt giống cà độc dược có thể duy trì tỷ lệ nảy mầm cao sau 3 - 4 năm khi được bảo quản ở điều kiện thường.

- Lượng giống sử dụng cho 1ha từ 2,5kg - 4,0kg.

- Nhiệt độ thích hợp cho hạt nảy mầm từ 15 - 20oC. Gieo vào tháng 2 - 3 hàng năm.

- Có thể gieo hạt trực tiếp trên ruộng hoặc gieo ở vườn ươm. Sau 35 - 40 ngày gieo, khi cây cao 20 cm, có 3 - 4 lá thật có thể đem trồng.

3. Thời vụ trồng

Thời vụ chính gieo hạt vào mùa xuân tháng 2 đến tháng 3 hoặc gieo vào mùa thu đông tháng 10 đến tháng 11. Thời vụ trồng mùa xuân: Từ tháng 3 đến tháng 4. Thời vụ trồng mùa đông: Từ tháng 11 đến tháng 12.

4. Kỹ thuật làm đất

Đất trồng cà độc dược là các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất pha cát nhiều mùn, dễ tưới tiêu. Làm luống: Đất được cày bừa kỹ nhặt sạch cỏ dại, đánh luống rộng 100 - 120 cm, cao 20 - 25 cm dễ thoát nước.

5. Mật độ, khoảng cách trồng

Mật độ trồng: 17.800 cây /ha.

Khoảng cách trồng: 80 x 70 cm.

6. Phân bón và kỹ thuật bón phân

Lượng phân bón

Loại phân Lượng phân/ ha (kg) Lượng phân/ sào Bắc Bộ (kg) Bón lót Bón thúc
Phân chuồng 10.000 - 15.000 370 - 555 100      -
Phân vi sinh 1.000 - 1.500 37 - 56 50 50
NPK 15:15:15 350 - 500 13 - 18,5     -    100

 

Thời kỳ bón

- Bón lót toàn bộ phân chuồng + ½ lượng phân hữu cơ vi sinh. Bón theo hốc đánh sẵn khoảng cách 80 x70cm.

- Là cây trồng lâu năm nên sau mỗi lần thu hoạch cần bón phân cho cây. Thường bón thúc 2 - 3 lần/năm tuỳ thuộc vào số lần thu hoạch dược liệu.

+ Bón thúc lần 1: Sau trồng 30 - 40 ngày bón phân NPK với lượng 81 - 135 kg/ha (3 - 5 kg/sào).

+ Bón thúc lần 2: Sau khi thu hoạch lần 1 bón phân vi sinh còn lại

+ phân NPK với lượng 135 - 189kg/ha (5 - 7 kg/sào). 123

+ Bón thúc lần 3: Bón sau thu hoạch lần 2, bón nốt lượng phân NPK còn lại.

7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Kỹ thuật trồng

Trộn đều phân và đất, lót xuống hố trước khi trồng cây. Trồng cây con ngập từ phần rễ đến sát lá gốc, ấn nhẹ xung quanh cho chặt và tưới nước quanh gốc. Tưới nước, giữ đủ ẩm cho cây sau khi trồng 2 - 3 ngày cho đến khi cây hồi xanh.

Chăm sóc

- Xới xáo phá váng kết hợp với làm cỏ và bón phân cho cây. Đặc biệt giai đoạn đầu khi cây mới trồng thường xuyên làm sạch cỏ dại kết hợp với vun gốc cho cây.

- Cà độc dược là cây ưa ẩm nhưng không chịu được úng vì thế thường xuyên cung cấp đủ nước cho cây. Nếu thời tiết quá khô hạn, đặc biệt sau mỗi lần bón phân hoặc thu hoạch, có thể tưới phun hoặc tưới ngấm.

- Vào thời điển mùa mưa thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh hại và tháo nước cho ruộng trồng, tránh để ruộng bị ngập úng cục bộ dễ làm cây bị thối rễ và chết.

Bón phân

- Sau mỗi lần thu hoạch hoặc làm cỏ kết hợp với bón phân cho cây, bón cho từng cây và bón xung quanh cách gốc 5 - 7cm. Sau khi bón nên lấp đất và cung cấp nước cho ruộng trồng hoặc có thể bón trước hoặc sau khi thời tiết có mưa.

- Ngoài ra, có thể bón bổ sung phân bón qua lá để tăng cường ra lá và hoa cho cây. Sử dụng phân bón lá ĐT 502 và ĐT 702 hoặc các loại phân bón lá khác trên thị trường.

8. Phòng trừ sâu bệnh

Cà độc dược có thể bị một số loại sâu, bệnh sau phá hại:

Rệp bông (Planococcus sp.)

Đặc điểm gây hại: Rệp bông gây hại trên nhiều bộ phận của cây như lá non, chồi non, chùm hoa, cuống quả, quả non, gốc cây. Trên thân mình chúng thường có một lớp sáp màu trắng trông giống như những sợi bông không thấm nước. Rệp bông gây hại bằng cách chích hút nhựa cây làm cho vàng và rụng lá, hỏng hoa, rụng quả, làm cho cây còi cọc dẫn đến chết khô cả cây nếu bị nặng. Rệp bông sống tập trung thành đàn, gây hại hầu như quanh năm, nhất là các tháng mùa khô.

Biện pháp phòng trừ

- Tăng cường vệ sinh vườn cây như cắt tỉa hết các cành sâu bệnh, cành tăm, cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất làm cho vườn cây thông thoáng, dọn sạch cỏ rác, lá cây mục quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến, hạn chế môi trường sinh sống, lan truyền của rệp bông

- Có thể dùng các loại thuốc sau đây: Dầu khoáng (ví dụ Citrole 96,3EC; Vicol 80 EC); hoạt chất Buprofezin (ví dụ Applaud 10WP, 25SC; Map - Judo 25 WP, 800WP); hoạt chất Acetamiprid (ví dụ Actatoc 150EC, 350EC); hoạt chất Acetamiprid + Thiamethoxam (ví dụ Goldra 250WG). Phun ướt đều trên cây, phun 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày để diệt tiếp lứa non mới nở.

Các loại sâu hại lá (bao gồm sâu xanh, sâu cuốn lá): Gây hại không nhiều. Nếu mật độ sâu ít, có thể bắt sâu bằng tay. Mật độ sâu cao có thể sử dụng các loại thuốc phun trừ sau: Hoạt chất Abamectin (VD Catex 1.8EC, 3.6EC; Shepatin 50EC); Chế phẩm Bt (là sản phẩm sinh học từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis) (ví dụ V-BT 16000WP, Vbtusa (16000IU/mg) WP; Biocin 16WP; Comazol (16000 IU/mg)WP).

Bệnh thối rễ (Pythium sp.)

Đặc điểm gây hại: Triệu chứng điển hình là cây còi cọc, kém phát triển, rễ cây bị thối, gốc thân có màu nâu đen, bệnh nặng toàn cây bị héo rũ và chết. Bệnh phát sinh gây hại trong điều kiện ẩm ướt, đặc biệt sau các đợt mưa lớn, trên các vùng đất thoát nước kém. Bệnh thường bị nặng ở những ruộng trồng cà độc dược liên tục trong nhiều năm.

Biện pháp phòng trừ

- Chọn ruộng thoát nước tốt, cần lên luống cao đối với những chân ruộng thoát nước kém. Có thể dùng phân gà hoai bón lót ít nhất 2 tuần trước khi trồng để tiêu diệt mầm bệnh Pythium có trong đất.

- Khi bệnh chớm xuất hiện, có thể dùng thuốc trừ nấm có hoạt chất Metalaxyl (ví dụ Mataxyl 25 WP, 500WDG, 500WP; Acodyl 25EC, 35WP; Vilaxyl 35 WP); Phosphorous acid (ví dụ: Agrifos - 400, Herofos 400 SL). Tưới hoặc phun sát phần gốc cây theo nồng độ và liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

9. Chế độ luân canh

Sau khi thu hoạch cà độc dược, không nên trồng lại hoặc trồng với cây họ cà mà nên trồng luân canh với cây họ đậu, hoặc cây trồng dài ngày khác, hoặc cây trồng nước như lúa nước.

10. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Sau khi trồng từ 60 - 70 ngày, cây bắt đầu ra hoa, có thể thu dược liệu. Tuy nhiên, để đạt năng suất lá cao thường thu hoạch khi cây vừa có quả non vừa ra lá và hoa. Thu hoạch vào sáng sớm khi trời nắng ráo. Cắt toàn bộ phần cây cách mặt đất 20 cm. Tiếp tục chăm sóc, bón phân, sau 2 tháng lại thu được dược liệu, một năm có thể thu được 3 - 4 lứa dược liệu.

Sơ chế: Loại bỏ các lá sâu, vàng úa, rửa sạch và cắt ngắn 3 - 4 cm rồi phơi khô hoặc sấy nhẹ đến khô. Nếu có điều kiện đem diệt men ở 100o C trong 15 phút trước khi sấy khô.

Bảo quản: Dược liệu khô có độ ẩm dưới 12%, bảo quản trong núi nilon để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc, mọt.

11. Tiêu chuẩn dược liệu

Mô tả: Lá khô nhăn nheo mầu nâu, vị hăng đặc biệt. dài 9 - 16 cm, rộng 4 - 9cm. Đầu lá nhọn. Mặt trên phiến lá mầu lục xám, mặt dưới màu lục nhạt. Gân chính màu xám nhạt.

Dược liệu cà độc dược phải có độ ẩm không quá 12,0%; Tạp chất không quá 1,0%; Tro toàn phần không quá 9,0%; và chứa ít nhất 0,12% alcaloid tính theo scopolamin.

 

(Sách kỹ thuật trồng cây thuốc)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""