TINH HOA XANH

Kỹ thuật trồng, sử dụng và chế biến vị thuốc: Bạch truật

Bạch truật

Tên khoa học: Atractyloides macrocephala Koidz.
Họ: Cúc ( ASTERACEAE )
Tên vị thuốc: Bạch truật.
Tên gọi khác: Đông truật, Triết truật, Ứ truật.

I. Đặc điểm thực vật:

  Bạch truật thân thảo, sống nhiều năm, cao 40 -  60 cm, phân cành nhiều. Rễ phát triển thành củ mập. Có nhiều nhánh (như nhánh của củ khoai sọ). Lá đơn mọc so le, mép có răng cưa, có cuống. Lá ở gốc phân thành 3 thùy nông. Cụm hoa hình đầu, nhiều hoa, ở ngọn cành. Hoa nhỏ, tràng hình ống màu tím đỏ chia 5 thùy. Nhị đực 5, nhị cái 1, bầu hạ, bề mặt có lông nhung, tập trung ở hoa phía trong, hoa phía ngoài nhị tiêu giảm. Bầu mang lớp lông trắng. Quả bế, mang chùm lông ở đỉnh để phát tán nhờ gió.
   Mùa ra hoa tháng 6 - 7, mùa thu hoạch quả tháng 8 - 10.

II. Điều kiện sinh thái và phân bố:

  Bạch truật được nhập từ Trung Quốc vào trồng ở nước ta từ những năm 60 của thế kỷ 20. Bạch truật thích ứng với vùng núi phía Bắc nước ta ở độ cao 800 m trở lên, nơi có khí hậu mát quanh năm, mưa nhiều, với vũ lượng từ 1.600 - 2.000 mm/năm, phù hợp với nền đất feralit đỏ vàng. Bạch truật có thể trồng thu dược liệu, khai thác khí hậu lạnh ẩm của mùa đông xuân trên đồng bằng Bắc Bộ.
  Huyện Sapa, Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) là nơi trồng thích hợp, đã cung cấp giống Bạch Truật cho sản xuất dược liệu lâu nay. Các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng ( Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, … ) là nơi đã sản xuất dược liệu Bạch truật.

III. Giá trị làm thuốc:

1. Thành phần hóa học:

  Thành phần chủ yếu của Bạch truật là tinh dầu (1,4%). Thành phần chính của tinh dầu là atractylon, atracylenolid I, II, III, eudesmol, …
   Ngoài ra Bạch truật còn có vitamin A, tinh bột, …

2. Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng:

a) Bộ phận dùng:

  Bộ phận dùng là rễ củ Bạch truật (Rhizoma Aractyloidis macrocephalae)

b) Công dụng:

Theo y học cổ truyền:

- Bạch truật có vị ngọt đắng, mùi thơm nhẹ, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ, táo thấp, chỉ tả, hòa trung, lợi thủy, an thai.

-  Bạch truật được coi là vị thuốc bổ dưỡng và cũng được dùng để điều trị các chứng bệnh đau dạ dày, bụng trướng đầy, nôn mửa, ăn chậm tiêu, thấp nhiệt, ỉa chảy, phân sống, viêm ruột thừa mãn tính, an thai (có thai, đau bụng, ốm nghén, nôn ọc), chữa sốt ra mồ hôi, phù thủng. Ngày dùng 6 – 12 g, dạng thuốc sắc hoặc bột.

- Trong y học cổ truyền Trung Quốc, Bạch truật được dùng để chống phù, lợi tiểu, tăng tiết mồ hôi, chữa ho, đái tháo đường. Còn được chỉ định trong viêm đường tiêu hóa, chữa thấp khớp, chứng đau nhức đầu.

- Trong y học cổ truyền Nhật Bản, Bạch truật được dùng làm thuốc lợi tiểu chữa các chứng đái ít, đái buốt, di tinh, hoa mắt. Ngày nay, Bạch truật được dùng để tăng cường tiêu hóa, lợi tiểu, chữa đau mình mẩy, ho đờm nhiều, buồn nôn, di mộng tinh, kiết lỵ.

Theo y học hiện đại:

Bạch truật có các tác dụng dược lí sau:

- Tác dụng chống loét dạ dày.

- Bạch truật có tác dụng làm giảm lượng dịch vị, nhưng không làm giảm độ axit tự do của dịch vị.

-  Bạch truật làm tăng lượng các chất thải trừ qua mật nhưng không gây biến đổi về lưu lượng mật. Bạch truật không gây ảnh hưởng đến chức năng phân hủy và thải trừ các chất màu qua gan.

-  Tác dụng chống viêm: Trên giai đoạn cấp tính, Bạch truật tác dụng ức chế rõ rệt phản ứng viêm (thoát huyết tương, tạo phù nề) qua mô hình gây viêm thực nghiệm bằng kaolin; trên giai đoạn mãn tính, Bạch truật ức chế rõ rệt sự tạo thành tổ chức hạt qua mô hình gây u hạt thực nghiệm bằng amian.

-  Bạch truật có tác dụng ức chế miễn dịch, gây thu teo tuyến ức ở chuột non.

-  Bạch truật không ảnh hưởng đối với thành phần các protein huyết thanh và chức năng bài tiết ure của thận.

-  Bạch truật không thể hiện độc tính cấp và không gây phản ứng phụ khi dùng thuốc dài ngày.

-  Viên Kim truật là sự phối hợp của Bạch truật với Nghệ có tác dụng giảm nhanh các cơn đau của các bệnh nhân bị loét dạ dày – hành tá tràng. Ngoài ra, bệnh nhân thấy hết trướng, đầy bụng, hết cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị và ăn được, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa đều khỏi.

IV. Kỹ thuật trồng:

1. Chọn vùng trồng:

- Chọn vùng trồng Bạch truật là vùng có khí hậu mát ẩm, thời gian có sương mù kéo dài, thích hợp là vùng núi cao phía Bắc như Sapa, Bắc Hà (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu) … Tận dụng khí hậu mát lạnh mùa đông có thể trồng được ở vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền Bắc nước ta.
 - Chọn đất trồng Bạch truật tốt nhất là đất phù sa vên sông, đất thịt nhẹ, đất tơi xốp có tầng canh tác dày từ 40 – 50 cm, pH = 6 – 7, tưới tiêu thuận lợi. Không chọn đất đen, đất nhiều mùn vì loại đất này có nhiều mầm bệnh và tuyến trùng, nếu trồng trên đất này phải xử lý kỹ bằng vôi bột và falizan.

2. Giống và kỹ thuật gieo hạt:

Giống cho sản xuất là hạt thu từ cây 2 năm tuổi, hạt chắc mẩy, tỷ lệ nảy mầm trên 70%.

Hạt giống được xử lý trong nước ấm 30 – 35°C trong thời gian 1 – 2h trước khi gieo. Sau khi hạt được rửa sạch, tải mỏng trên nong, nia để nơi thoáng mát cho se vỏ, trộn với đất bột khô hay cát mịn, chia lượng hạt theo luống, đem gieo theo hàng rạch ngang luống đã được bón phân lót, gieo xong lấp đất mỏng, phủ rơm rạ, tưới ẩm. Lượng hạt giống gieo: 8 kg/ha.
 Sau khi gieo hạt từ 8 – 10 ngày thì hạt mọc. Trong thời gian này phải giữ ẩm thường xuyên. Khi hạt mọc đều , dỡ rơm rạ và tiếp tục giữ ẩm hàng ngày để cây mọc và sinh trưởng tốt.

3. Thời vụ trồng:

Thời vụ gieo hạt tại đồng bằng sông Hồng từ 15 tháng 9 đến 15 tháng 10. Vùng núi cao như Sapa, Bắc Hà (Lào Cai) có thể gieo hạt muộn hơn.

4. Đất trồng và kỹ thuật làm đất lên luống:

- Đất trồng Bạch truật có tầng canh tác dày trên 30 cm, tốt nhất là đất phù sa ven sông. Ruộng trồng phải có điều kiện tưới tiêu thuận lợi, mùa đông có thể tưới nước khi hạn, mùa mưa cũng phải tiêu được nước triệt để sau cơn mưa. Đất được cày sâu 30 – 35 cm, bừa kỹ nhiều lần cho đất tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại và tàn dư của cây trồng trước. Nên chon ruộng trướcđó 3 năm không trồng Bạch truật.
- Dùng vôi bột (250 kg/ha) rải đều trên mặt ruộng trước khi bừa nhỏ đất và cày phân luống. Lên luống cao 35 – 40 cm, mặt luống rộng 100 cm.

5. Phân bón và kỹ thuật bón phân:

a) Lượng phân bón:

Lượng phân bón cho 1ha là: phân chuồng hoai mục 25 – 27 tấn/ha, supe lân 540 kg, ure 405 kg, kali clorua 270 kg (tương ứng 1 sào Băc Bộ bón 1000 kg phân chuồng, 20 kg supe lân, 15 kg ure, 10 kg kali clorua)

b) Cách bón:

Bón lót: Dùng toàn bộ phân chuồng, phân lân và ½ phân kali đã được trộn đều rải theo rạch sau khi lên luống và lấp đất vét luống.
 -  Bón thúc:
+ Lần 1: Tưới thúc bằng nước hòa đạm ure 1% (60 kg/ha) sau khi làm cỏ đợt 1.
+  Lần 2: Khi cây có 6 – 7 lá thật, bón 81 kg/ha đạm ure bằng cách pha vào nước với tỷ lệ 1,5%.
+ Lần 3: Lúc cây giao tán, bón thúc toàn bộ số phân đạm và kali còn lại.

6. Mật độ, khoảng cách trồng:

 Bạch truật được gieo theo hàng cách nhau 20 cm, khoảng cách cây trong hàng từ 10 – 15 cm. Như vậy, mật độ khoảng cách sẽ là:
- Mật độ 500.000 cây/ha với khoảng cách hàng cách hàng 20cm, cây cách cây 10cm
- Mật độ 330.000 cây/ha với khoảng cách hàng cách hàng 20cm, cây cách cây 15 cm

7. Chăm sóc và quản lý đồng ruộng:

a) Tỉa giặm cây:
- Lần 1: Khi cây có 5 – 6 lá thật.
- Lần 2: Khi cây có 6 – 7 lá thật. Đây là lần tỉa giặm định cây cuối cùng, ổn định mật độ trồng.
b) Làm cỏ, xới xáo:
 Làm cỏ, xới xáo thường tiến hành với các đợt bón phân thúc.
c) Tưới, tiêu nước:
   Cần đảm bảo đủ độ ẩm cho cây trên đồng ruộng. Tuy nhiên, Bạch truật là cây chịu úng kém nên quản lý đồng ruộng rất quan trọng. Sau khi mưa phải tháo nước triệt để, không có nước đọng trên rãnh luống. Làm cỏ phải dọn sạch không để cỏ dại nằm trên rãnh luống. Khi có cây bị bệnh phải nhổ bỏ kịp thời và đem ra ngoài ruộng đốt, ruộng phải luôn sạch cỏ dại, phát quang bờ bụi.

8. Phòng trừ sâu bệnh:

Bạch truật là một trong các cây thuốc có nhiều loại sâu bệnh phá hại nhất.
- Sâu: Ớ Bạch truật thường gặp 6-7 loại như sâu xám, rệp, nhện đỏ, bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu khoang, trong đó phổ biến nhất là rệp. Đối với rệp dùng thuốc Supracide, còn sâu cuốn lá dùng thuốc Tập kỳ để phòng trừ.
- Bệnh: Cây Bạch truất thường bị 6 – 7 loại bệnh phá hại như bệnh lở cổ rễ, thối rễ củ, đốm nâu, cháy lá, héo rũ do nấm và vi khuẩn gây nên. Trong đó, bệnh lở cổ rễ và héo rũ thường gây hại, mất cây, làm giảm năng suất nghiêm trọng. Bệnh lở cổ rễ dung Boocdo 1% phun phòng định kỳ hoặc Vipa 5WP phun khi có bệnh. Đối với bệnh héo rũ nên dùng Topsin M 70WP để phòng trừ.
 Các thuốc được dùng theo khuyến cáo trên bao bì của nhà sản xuất, đồng thời nên kết hợp xử lý đất, hạt giống trước khi gieo trồng, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ.

9. Chế độ luân canh:

 Đất trồng Bạch truật phải luân canh hàng năm, năm sau không trồng lại trên đất năm trước đã trồng Bạch truật, chu kỳ luân canh thường phải là 3 năm. Nên trồng Bạch truật ở đất trước đó ngập nước (đất bãi ven sông), hoặc đất trước đó trồng lúa nước.

V. Thu hoạch, chế biến và bảo quản:

1. Thu hoạch:

- Cần thu hoạch đúng lúc, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng dược liệu.
- Theo kinh nghiệm của Trung Quốc thì khi thân cây từ màu xanh chuyển sang màu vàng nâu, lá ở phần ngọn cây trở nên cứng, dễ bẻ gãy là đúng lúc thu hoạch.
- Chọn ngày nắng ráo, đào củ về, cắt bỏ thân rễ, chia làm 2 hai loại theo kích thước to nhỏ. Củ có đường kính > 3 cm là loại 1, số còn lại là loại 2. Thời vụ thu hoạch củ vào khoảng tháng 7 – 8.
 - Thu hoạch xong, củ được rửa sạch, sấy khô, thủy phần không được quá 12%.

2. Chế biến

  - Rễ củ đào về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, sấy diêm sinh 12 giờ, phơi khô, phân loại củ. Củ cứng chắc, vỏ màu nâu, ruột trắng ngà, có mùi thơm nhẹ là loại tốt. Bảo quản trong thùng kín, chống mốc mọt. Khi dùng, dấp nước vào khăn ủ rễ cho mềm, thái miếng.
- Tùy theo cách sử dụng mà có những phương pháp chế biến củ Bạch truật khác nhau:
- Bạch truật phiến: Ngâm rễ củ bạch truật 1 – 6 giờ, vớt ra ủ (với nước sạch hoặc nước vo gạo) trong 6 giờ cho mềm. Thái phiến dày 1 – 2 mm. Phơi hoặc sấy khô.
- Bạch truật sao vàng: Bạch truật phiến được sao cho tới khi có màu vàng.
- Bạch truật sao hoàng thổ: Dùng đất hoàng thổ (1 – 2 kg cho 10 kg Bạch truật). Đất mịn được đun nóng, cho Bạch truật vào, sao cho đến khi Bạch truật có màu cánh gián. Bỏ ra, sát và sàng loại bỏđất.
- Bạch truật thán: Sao cách cát, tới khi mặt phiến có màu đen, trong màu vàng đậm. Sàng loại bỏ cát.
- Bạch truật sao cám: Dùng 1 kg cám gạo cho 10 kg Bạch truật. Cho cám gạo vào nồi, sao tới lúc bốc khói trắng, thơm. Đổ Bạch truật phiến vào, đảo đều tới khi bề mặt phiến có màu vàng, mù thơm là được. Sàng bỏ cám.
- Bạch truật tẩm muối: Dùng 0,2 kg muối ăn cho 10 kg Bạch truật. Trước tiên sao Bạch truật phiến đến khi có màu cánh gián, phun nước muối vào. Sao tiếp đến khi bề mặt phiến có màu đen.
- Bạch truật trích mật: Tẩm Bạch truật phiến với mật ong (hoặc siro đường đỏ), ủ cho ngấm. Sao cho tới khi bề mặt phiến có màu vàng, sờ không dính tay, có mùi thơm ngọt là được.

3. Bảo quản:

Bạch truật dược liệu được bảo quản trong bao 2 lớp: Trong là túi polyetylen, ngoài là bao gai. Bạch truật rất dễ bị mối, mọt nên kho bảo quản phải có kệ cao, khô, thoáng.

Dược liệu phải được kiểm tra định kỳ thường xuyên.

 

(Sách: Kỹ thuật trồng, sử dụng và chế biến cây thuốc)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""