TINH HOA XANH

Nuôi trồng Dược liệu: Lô hội

LÔ HỘI

Tên khoa học: Aloe vera var. chinensis (Haw.) Berger.

Họ: Lô hội  ASPHODELACEAE

Tên khác: Lưỡi hổ, hổ thiệt, nha đam, lư hội.

Tên vị thuốc: Lô hội.

Phần I: Đặc điểm chung

1. Nguồn gốc, phân bố

Chi Aloe L. có khoảng 300 loài trên thế giới, phân bố ở vùng nhiệt đới châu Phi, Madagasca và Ả rập… Trong đó Nam phi, Ethiopia và Bắc Somali là những trung tâm có sự đa dạng cao nhất của chi này. Trong số 330 loài, đã có 100 loài và các dạng lai được trồng khá phổ biến ở khắp các vùng nhiệt đới thuộc Bắc Mỹ, Caribe, châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á và Australia. Cây lô hội được trồng nhiều ở các nước Thái Lan, Campuchia, Malaisia, Philippin và Việt Nam. Ở Việt Nam lô hội được trồng rải rác ở khắp nơi, nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam và ven biển miền Nam Trung Bộ, mọc nhiều ở các vùng Phan Thiết, Phan Rang, Phan Rí, cây tươi tốt quanh năm.

2. Đặc điểm thực vật

Cây thân thảo, sống lâu năm. Thân ngắn hóa gỗ, mang nhiều vết sẹo do lá rụng. Lá không cuống, gốc tầy và rộng, mọc sát vào nhau thành hình hoa thị, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, phiến lá rất dày, mọng nước, dài 15 - 20 cm, rộng 1 - 2 cm, mặt trên phẳng hoặc hơi lồi, có những đốm trắng, mặt dưới khum, mặt cắt tam giác, mép có gai thưa và cứng. Cắt lá thấy có nhựa vàng chảy ra. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm trên một cán dài, mang rất nhiều hoa bao bọc bởi những lá bắc màu đỏ, mọc rủ xuống; bao hoa nạc màu vàng cam, có 6 phiến dính liền ở gốc; 6 nhị hơi dài hơn bao hoa, bầu rời có 3 ô. Quả nang hình trứng, khi chín màu nâu, chứa nhiều hạt. Mùa hoa quả tháng 3 đến tháng 5.

3. Điều kiện sinh thái

Lô hội là cây có biên độ sinh thái khá rộng, thích nghi với nhiều loại đất, kể cả đất pha cát hoặc chỉ có cát. Cây có khả năng chịu hạn tốt do khả năng giữ nước của lá, sinh trưởng và phát triển mạnh trong điều kiện chiếu sáng đầy đủ và ra hoa quả nhiều. Ninh Thuận, Bình Thuận là vùng đất lợi thế cho lô hội phát triển.

 4. Giá trị làm thuốc

Bộ phận sử dụng: Lá được thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc điều chế thành nhựa lô hội bằng cách cắt lá, loại bỏ lớp biểu bì lấy hết khối nhựa trong suốt, sấy ở nhiệt độ 50oC. Cũng có thể ép lá lấy dịch, đem cô cách thủy đến khô.

Công dụng: Nhựa khô lá lô hội có tác dụng kích thích chuyển động của ruột kết nên được dùng làm thuốc trị táo bón cấp tính. Gel lô hội được dùng trong y học cổ truyền để điều trị vết thương và viêm da nhẹ, bỏng, vết thâm tím và vết trầy da, nhất là những vết bỏng ở độ I và II, bỏng do phóng xạ đều khỏi nhanh và ít sẹo. Trong y học dân gian, gel lô hội được dùng ngoài chữa trĩ, trứng cá, vảy nến, viêm da tăng tiết bã nhờn và nhiễm nấm, côn trùng đốt, mẩn ngứa do con giời leo.

Phần II: Kỹ thuật trồng trọt

1. Chọn vùng trồng

Lô hội thích hợp nhất là vùng đất cát khô ven biển các tỉnh ven biển Nam Trung bộ. Nhưng cũng có thể mở rộng trồng trên đất cát và đồi núi trọc vùng thấp dọc ven biển các tỉnh Bắc, Trung bộ trở vào. Loại cây này đặc biệt phù hợp với vùng cát ven biển, khả năng chịu được khí hậu khô, nóng và là một loại cây trồng cạn, có khả năng thích nghi với nhiều loại đất khác nhau. Ở nước ta, cây lô hội có thể trồng được ở nhiều nơi, nhưng sinh trưởng và phát triển tốt ở những khu vực có số ngày nắng trong năm cao.

2. Giống và kỹ thuật làm giống

Lô hội có hai loại giống chính có nguồn gốc Trung Quốc và Nam Mỹ. Qui trình này áp dụng cho lô hội giống Trung Quốc.  Có thể nhân giống bằng phương pháp hữu tính hoặc vô tính. Nhưng chủ yếu cây được trồng bằng mầm tách từ cây mẹ và trồng quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa xuân. Ở quy mô công nghiệp người ta có thể nhân giống vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô. Cây 1 năm tuổi trở lên ở gốc mọc ra nhiều mầm nhánh, trung bình mỗi năm 1 cây cho tới 20 mầm nhánh, có thể bấm ngọn để tăng hệ số nhân giống. Dùng dao sắc cắt những mầm nhánh nằm sát với phần thân cây mẹ để làm giống trồng. Cây giống có thể được tách từ mẹ hoặc sau khi nhân in vitro cây được đưa qua vườn ươm. Cây giống đủ tiêu chuẩn cao 15 - 20 cm, số lá trên cây từ 4 - 5 lá.

3. Thời vụ trồng

Thời vụ chính là tháng 2 - 3 ở miền Bắc và tháng 4 - 5 (đầu mùa mưa) ở miền nam, khi đất có đủ ẩm.

4. Kỹ thuật làm đất

Đất trồng có độ pH từ 5,0 - 7,5, đất có thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình nhưng phải thoát nước tốt, không bị ngập úng. Có thể trồng trên đất trống hoang hóa, đất cát ven biển hoặc trồng xen giữa các hàng phi lao. Thường làm đất theo băng và đào hốc kích thước 30 x 30 x 30 cm, phát dọn thực bì xung quanh hốc trồng.

5. Mật độ và khoảng cách trồng

Mật độ: 83.000 cây/ha Khoảng cách trồng 30 x 40 cm

6. Phân bón và kỹ thuật bón phân

Loại phân Lượng phân/ ha(Kg) Lượng phân ( sào Bắc Bộ)/ha (kg) Tỷ lệ bón (%)
Phân chuồng 15.000 - 20.000 556 - 740 Bón lót 100
Phân vi sinh 700 - 1.100 25 - 40 Bón lót 100
NPK 17:12:7( Phân đầu trâu) 472 - 667 17 - 24 Bón thúc 100

Thời kỳ bón

: - Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân rác + toàn bộ lượng phân hữu cơ vi sinh.

- Bón thúc: Chia làm 3 - 4 lần bón/năm. + Lần 1: Sau trồng 20 - 30 ngày, bón phân NPK với lượng 55 - 83 kg/ha (2 - 3 kg/ sào Bắc bộ). + Bón bổ sung dinh dưỡng cho cây sau các đợt thu lá với lượng NPK 140 - 194 kg/ha (5 - 7 kg/sào Bắc bộ). Lô hội là cây lâu năm nên hàng năm bổ sung dinh dưỡng cho cây và bón từ 3 - 4 lần/năm.

7. Kỹ thuật trồng, chăm sóc

Kỹ thuật trồng

Trồng cây vào các hốc đã được bón lót, đảo đều phân với đất sau đó trồng cây. Lưu ý trồng ngập đến sát lá gốc, tránh trồng ngập ngọn cây. Thường trồng cây thấp hơn mặt đất khoảng 2 - 3 cm để giữ nước. Sau khi trồng xong tưới xung quanh cho đất chặt.

Chăm sóc Thường xuyên vun xới và làm sạch cỏ dại kết hợp bón phân và vun gốc cho cây. Bón phân cho lô hội nên bón cách gốc 3 - 5cm, rải đều phân xung quanh gốc. Phân bón được chia đều cho số cây và bón theo định kỳ sau mỗi lần thu hoạch lá. Nếu thời tiết quá khô hanh cần bổ sung nước tưới cho cây để tăng năng suất lá.

 8. Phòng trừ sâu bệnh

Cây lô hội ít bị sâu phá hại, chủ yếu bị hai loại bệnh là đốm lá và thối đọt đều do vi khuẩn gây ra trong đó bệnh đốm lá gây hại nghiêm trọng nhất. Trên lá lô hội bị bệnh xuất hiện các đốm đen, lõm xuống. Bệnh lây lan nhanh qua đường nước tưới, nước mưa. Phòng trừ bệnh bằng biện pháp canh tác, quản lý vệ sinh đồng ruộng là cách hiệu quả nhất để hạn chế bệnh. - Đảm bảo ruộng trồng lô hội luôn thoát nước tốt, làm cỏ đúng lúc, đảm bảo vườn luôn thông thoáng giúp lô hội phát triển mạnh, tạo khả năng kháng bệnh tốt. - Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Nếu thấy xuất hiện dấu hiệu bệnh cần nhanh chóng cắt bỏ lá bệnh đem ra nơi khác tiêu hủy để tránh lây lan sang các lá khác. - Hạn chế sử dụng thuốc hóa học. Trường hợp bệnh hại nặng có thể sử dụng các thuốc có chứa kháng sinh như sau: Kasugamycin (Kasumin 2L; Kminstar 20SL, 60WP); Copper Oxychloride + Streptomycin (ví dụ Batocide 12 WP).

9. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Cây lô hội trồng 1 năm bắt đầu cho thu hoạch lá, mỗi năm có thể thu được từ 2 - 3 lứa, mỗi lứa 4 - 5 lá. Dùng dao sắc cắt ở phần cuống lá sát gốc nhưng không làm tổn thương đến thân cây. Loại bỏ những lá sâu bệnh.

Sơ chế: Cắt lá, ép lấy chất dịch ở trong, đem cô khô.

Bảo quản: Để nơi khô, mát.

10. Tiêu chuẩn dược liệu

Mô tả: Lá dùng tươi hoặc nấu thành cao. Khối nhựa có kích thước không đồng đều, màu nâu đen bóng, dễ vỡ vụn, chỗ vỡ óng ánh như thủy tinh. Mùi hơi khó chịu, vị đắng nồng. Dược liệu lô hội khô có độ ẩm không quá 12,0%; Tro toàn phần không quá 4,0%. Nhựa của loài Aloe có hàm lượng dẫn chất hydroxyanthracen không dưới 18% tính theo barbaloin đối với dược liệu khô kiệt.

Sách Kỹ thuật trồng cây thuốc

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""