TINH HOA XANH

Nuôi trồng Dược liệu: Cây Hy thiêm

HY THIÊM

Tên khoa học: Sigesbeckia orientalis L.

Họ: Cúc .ASTERACEAE

Tên khác: Cỏ đĩ, cỏ cứt lợn, nhả khỉ cáy.

Tên vị thuốc: Hy thiêm. Cây và hoa hy thiêm

Phần I: Đặc điểm chung

1. Nguồn gốc, phân bố

Hy thiêm phân bố ở vùng có khí hậu cận nhiệt đới và nhiệt đới: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Philippin, Australia... Ở Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở vùng núi và trung du phía bắc như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hóa...

2. Đặc điểm thực vật

Hy thiêm là cây thân thảo, sống hàng năm, cây cao 30 - 90 cm, có nhiều cành, có lông tuyến. Lá mọc đối cuống ngắn, lá đơn hình 3 cạnh hay thuôn hình quả trám, đầu lá nhọn gốc hình tim, mép có răng cưa, mặt dưới hơi có lông. Phiến lá dài 4 - 10 cm, rộng 3 - 6 cm. Cụm  hoa hình đầu, màu vàng, cuống dài 1 - 2 cm, có lông tuyến dính, mảnh. Có hai loại lá bắc không đều nhau: Lá bắc ngoài to, hình thìa, có lông tuyến dính dài 9 - 10 mm, mọc tỏa ra thành hình sao, lá bắc trong hình trái xoan ngược, đầu cụt, hoa màu vàng, dài 5 mm, hợp thành một tổng bao đều mang lông tuyến dính; 5 cái ngoài là hoa cái, hình lưỡi. Quả bế đen, hình trứng, 4 - 5 cạnh, dài 3 - 4 mm, rộng 1 mm. Mùa hoa: Ở đồng bằng từ tháng 2 - 7, mùa quả tháng 3 - 8 còn miền núi mùa hoa từ tháng 4 - 10, mùa quả từ tháng 5 - 11. Cây thường mọc nhiều vào mùa xuân và lụi vào cuối mùa hè ở đồng bằng còn ở miền núi cây mọc muộn hơn vào đầu hè, tàn lụi vào đầu và giữa mùa đông. Mùa gieo trồng, thu hoạch ở đồng bằng và trung du Thanh Hoá từ tháng 1 - 5. Cây ra hoa đồng thời với quá trình sinh trưởng phát triển. Khi cây đạt được chiều cao 20 - 25 cm, cây bắt đầu phân cành và ra hoa từ thân chính trước, quá trình ra hoa kết hạt của hy thiêm kéo dài đến cây tàn lụi.

3. Điều kiện sinh thái

Cây ưa ẩm, ưa ánh sáng, thường mọc tương đối tập trung trên đất ẩm các bãi sông, ruộng hoang, ruộng trồng, ven đường. Cây có biên độ sinh thái rộng, thích hợp nhiều vùng đất.

4. Giá trị sử dụng làm thuốc

Bộ phận sử dụng: Phần trên mặt đất được phơi hoặc sấy khô.

Công dụng: Trừ phong thấp, thanh nhiệt, giải độc. Hy thiêm được dùng điều trị phong thấp, tê bại, khớp sưng nóng đỏ và đau nhức, đau lưng, mỏi gối, mụn nhọt, lở ngứa, kinh nguyệt không đều.

Phần II: Kỹ thuật trồng trọt

1. Chọn vùng trồng

Cây hy thiêm thích hợp với nhiều vùng đất, đất cát, sét hay mùn đều có thể trồng được, không kén đất có pH là acid, kiềm hay trung tính, yêu cầu độ ẩm trung bình. Chọn vùng trồng cây có đất đai bằng phẳng, tơi xốp và cấu tượng đất tốt sẽ cho năng suất dược liệu cao. Vùng đất không bị ngập úng, dễ tưới tiêu phù hợp với sinh trưởng và phát triển của hy thiêm. Các đất khác vẫn trồng được nhưng năng suất thấp hơn.

2. Giống và kỹ thuật làm giống

Kỹ thuật sản xuất giống ở vườn ươm.

- Chọn ruộng sản xuất giống: Ruộng bằng phẳng, dễ thoát nước, không ngập úng, độ mùn cao, đất thịt nhẹ.

- Làm đất: Đất được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, làm đất tơi nhỏ, lên luống cao 20 cm, rộng 80 - 100 cm, rãnh 30 cm, mặt luống phẳng mịn.

- Chuẩn bị hạt và xử lý hạt trước khi gieo: Chọn hạt giống chắc, mẩy không nấm mốc, không lẫn tạp bẩn. Trước khi gieo, hạt cần phơi nắng nhẹ, ngâm hạt trong nước ấm 40 - 45oC trong 1 - 2 giờ, vớt ra rửa lại bằng nước sạch, để ráo nước, sau đó trộn đất bột mịn để gieo.

- Kỹ thuật gieo hạt: Hạt gieo đều trên mặt luống, gieo xong phủ lớp đất nhẹ, phủ rơm mỏng, tưới nước giữ ẩm mặt luống hàng ngày. Sau 5 ngày cây mọc, dỡ rơm rạ và tiếp tục tưới nước giữ ẩm.

- Chăm sóc cây con vườn ươm: Khi cây bắt đầu ra lá thật, tưới thúc đạm urê nồng độ 2 - 3%.

Tiêu chuẩn cây giống: Sau 1 tháng, cây đạt chiều cao 12 - 15 cm, có 3 - 4 đôi lá thật, không bị sâu bệnh, dị dạng đem trồng.

3. Thời vụ trồng

- Thời vụ gieo hạt vườn ươm: Tháng 1 - 2.

- Thời vụ trồng cây con: Tháng 2 - 3.

4. Kỹ thuật làm đất

- Chọn ruộng sản xuất: Ruộng phải bằng phẳng, dễ thoát nước, không bị ngập úng, độ mùn cao, đất thịt nhẹ.

- Làm đất: Đất được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, làm đất tơi nhỏ, lên luống cao 20 cm, rộng luống 80 - 100 cm, rãnh rộng 30 cm, san mặt luống bằng phẳng.

 5. Mật độ, khoảng cách trồng

Mật độ 50.000 cây/ha. Khoảng cách trồng cây 40 x 50 cm.

6. Phân bón và kỹ thuật bón phân

Loại phân Lượng phân / ha (kg) Lượng phân/ sào Bắc Bộ (kg) Tỷ lệ bón %
Phân chuồng 10.000  370 Bón lót 100
Đạm ure 400 14,8

Bón lót 70

Bón thúc lần 1: 15

Bón thúc lần 2: 15

Supe lân 400 14,8 Bón lót 100
Kali Clorua 50 1,85

Bón lót 70

Bón thúc lần 2: 30

Thời kỳ bón:

- Bón lót: 100 % phân chuồng + 70% đạm urê + 100% lân supe + 70 % kali clorua.

- Bón thúc: Chia làm 2 lần bón: + Lần 1: Sau khi trồng 10 ngày, cây ra lá mới bón 1/2 lượng phân urê còn lại + Lần 2: 25 - 30 ngày sau khi bón thúc lần 1 bón toàn bộ số urê và kali clorua còn lại. Có thể bón theo hốc hay rải đều trên mặt luống.

7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Kỹ thuật trồng: Chọn ngày có mưa hoặc thời tiết mát. Trồng xong tưới ngay cho cây chóng bén rễ.

Chăm sóc - Cây ra ngôi sau 5 - 7 ngày thì hồi xanh. Sau khi trồng được 10 ngày cây ra lá mới, tiến hành bón thúc phân urê lần thứ nhất theo liều lượng như trên. Pha loãng urê theo nồng độ 2 - 3% để tưới. - 25 - 30 ngày sau khi bón lần 1 cây bắt đầu khép tán, cao 50 - 70 cm, cần kết hợp bón phân thúc lần 2 và làm cỏ, xới xáo.

Cách bón: rắc phân quanh gốc sau đó tưới bằng nước lã, tránh để phân bám vào cây.

8. Phòng trừ sâu bệnh

Hy thiêm chủ yếu bị các loại sâu ăn lá (sâu đo, sâu xanh, sâu tơ) gây hại. Nếu mật độ sâu ít, có thể bắt sâu bằng tay. Mật độ sâu cao có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Abamectin (ví dụ Catex 1.8EC, 3.6EC; Shepatin 50EC); chế phẩm Bt (là sản phẩm sinh học từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis) (ví dụ V-BT 16000WP, Vbtusa (16000IU/mg) WP; Biocin 16WP; Comazol (16000 IU/mg)WP). Ngoài ra, vào khoảng tháng 5 trên cây hy thiêm có thể xuất hiện bệnh giả sương mai. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm hy thiêm cho thu hoạch nên không cần phải phòng trừ mà cần khẩn trương thu hoạch khi thấy xuất hiện triệu chứng bệnh.

9. Chế độ luân canh

Nên luân canh với cây lúa, cây họ đậu

10. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Thời điểm thu hoạch tốt nhất là trước khi cây bắt đầu ra hoa. Chọn khi thời tiết khô ráo.

Cách thu: Cắt ngang gốc phần có lá xanh, loại bỏ thân gốc có đường kính lớn hơn 1 cm.

Sơ chế: Cắt nhỏ thân lá, cành thành từng đoạn dài 3 - 5 cm, sau đó phơi nắng. Phơi từ 4 - 5 nắng cho đến khi khô. Năng suất dược liệu hy thiêm có thể đạt từ 3 - 4 tấn/ha.

Bảo quản: Dược liệu hy thiêm sau khi phơi sấy đạt yêu cầu được dựng trong bao ni lon, ngoài bao tải dứa. Bảo quản trong kho chuyên dụng.

 11. Tiêu chuẩn dược liệu

Mô tả: Thân rỗng ở giữa, đường kính 0,2 cm đến 0,5 cm. Mặt ngoài thân màu nâu sẫm đến nâu nhạt, có nhiều rãnh dọc song song và nhiều lông ngắn sít nhau. Mặt trên lá màu lục sẫm, mặt dưới màu lục nhạt, hai mặt đều có lông. Độ ẩm không quá 12,0%; Tỷ lệ các bộ phận khác của cây không quá 1%; Tro toàn phần không quá 15,0%; Tro không tan trong acid hydrocloric không quá 0,5%; Hàm lượng kim loại nặng: Asen không quá 3 mg/kg dược liệu khô tuyệt đối, cadimi không quá 0,5 mg/kg dược liệu khô tuyệt đối, chì không quá 5 mg/kg dược liệu khô tuyệt đối, đồng không quá 15 mg/kg dược liệu khô tuyệt đối, thủy ngân không quá 0,2 mg/kg dược liệu khô tuyệt đối. Hàm lượng chất chiết được trong methanol không ít hơn 9% tính theo dược liệu khô tuyệt đối

Sách Kỹ thuật trồng cây thuốc

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""