TINH HOA XANH

Nuôi trồng Dược liệu: Ba gạc Ấn Độ

                                    BA GẠC ẤN ĐỘ

Tên khoa học: Rauvolfia serpentina (L.) Benth. ex Kurz.

Họ: Trúc đào  APOCYNACEAE Tên khác: Ba gạc hoa đỏ, ba gạc thuốc, Ấn Độ xà mộc.

Tên vị thuốc: Ba gạc. Cây ba gạc Ấn Độ

Phần I. Đặc điểm chung

1. Nguồn gốc, phân bố

Là cây nhiệt đới, phân bố khá rộng rãi ở vùng Nam Á, từ vùng cận Himalaya thuộc Ấn Độ, Nepan, Pakistan, Myanmar đến Srilanca, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, và các nước Đông Dương. Cây được nhập nội vào Việt Nam.

2. Đặc điểm thực vật

Ba gạc Ấn Độ là một trong những loài ba gạc 4 lá, cây nhỏ cao 40 - 60 cm đến 1 m. Thân có những nốt sần nhỏ màu lục xám. Lá mọc vòng 3 có khi 4 - 5; phiến lá hình ngọn giáo dài 4 - 16 cm, rộng 1 - 3 cm, gốc thuôn, chóp nhọn. Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá thành xim tán hoặc chùy, dài 4 - 6 cm. Hoa và cuống lá màu hồng hay đốm hồng, 5 lá đài không màu, tràng 5 cánh, có ống phình ra ở một phần ba 76 phía trên, nhị 5 dính ở chỗ phình của ống tràng, bầu có hai lá noãn rời. Quả dài xếp từng đôi, hình trứng, khi chín có màu đỏ tươi rồi chuyển sang màu tím đen. Ra hoa tháng 6 - 8, có quả tháng 9 - 11. Ở đồng bằng, hoa có thể nở quanh năm.

3. Điều kiện sinh thái

Ba gạc Ấn Độ thuộc loại cây ưa sáng, ưa ẩm. Cây sinh trưởng và phát triển rất khỏe, có khả năng chống chịu cao với điều kiện thời tiết bất lợi và sâu bệnh hại, sống được ở nhiều vùng, trên nhiều loại đất, có khả năng chịu hạn, pH từ 5,5 - 6,5. Sinh trưởng thích hợp ở nhiệt độ từ 25 - 30oC, khi nhiệt độ xuống dưới 15oC cây sinh trưởng phát triển chậm. Độ ẩm thích hợp 80 - 90 %. Yêu cầu lượng mưa trung bình hàng năm từ 800 - 1000mm.

4. Giá trị làm thuốc

Bộ phận sử dụng: Rễ và vỏ rễ được phơi hay sấy khô.

Công dụng: Ba gạc được dùng chữa rắn cắn, bệnh tâm thần, động kinh. Ở Việt Nam dùng vỏ rễ cây ba gạc điều trị bệnh tăng huyết áp, đặc biệt đối với thể vừa và nhẹ. Ba gạc còn được dùng làm nguyên liệu chiết xuất reserpin.

Phần II. Kỹ thuật trồng trọt

1. Chọn vùng trồng

- Cây ba gạc Ấn Độ có khả năng thích nghi rộng với các vùng trồng từ đồng bằng cho đến miền núi, tốt nhất là trồng ở vùng trung du, đồi núi thấp. Một số địa phương trong nước ta có thể trồng ba gạc như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình...

- Ba gạc Ấn Độ trồng được trên tất cả các loại đất của đồng bằng, miền núi, nhưng thích hợp nhất là đất vùng trung du.

2. Giống và kỹ thuật làm giống

- Ở Việt Nam tồn tại nhiều loại ba gạc mọc hoang và đã được trồng làm thuốc như ba gạc Vĩnh Phú, ba gạc Cu Ba… Cần phải chọn đúng giống ba gạc Ấn Độ theo mô tả trên.

 - Lượng giống cần cho 1 ha: 15kg/ha. Hạt giống thuần chủng, không lẫn tạp, không sâu bệnh. Tỷ lệ nẩy mầm đạt từ 70% - 80%. Nếu gieo trong vườn ươm thì cần diện tích từ 400 - 500 m2 cho 1ha.

- Kỹ thuật làm giống:

Nhân giống hữu tính

+ Xử lý hạt giống: Có thể xử lý bằng 2 cách:

Cách (1). Hạt giống được xử lý nước ấm 40 - 50o C trong 12 giờ. Vớt hạt, để ráo nước rồi đem gieo.

Cách (2). Xử lý bằng acit sulfuric nồng độ 0,2 - 0,8 % trong 4 - 8 giờ, đãi sạch hạt để ráo nước rồi đem gieo.

+ Làm đất: Chọn đất tơi xốp, thuận tiện tưới tiêu, cày bừa kỹ, nhặt hết cỏ dại. + Lên luống: Lên luống cao 20 - 25 cm, rộng 70 - 90 cm.

+ Phân bón: Bón lót phân hữu cơ hoai mục 15 tấn/ha (hoặc phân vi sinh) + 500 kg NPK, rắc vào rãnh trước khi gieo hạt. Bón thúc bằng đạm urê pha loãng 2 - 3 % khi cây cao 7 - 10 cm, có 5 - 6 lá.

+ Gieo hạt: Mặt luống được đánh rạch ngang khoảng cách 15 - 20 cm, bón lót phân vào rãnh, trộn hạt với đất bột, rắc đều vào rãnh, lấp đất dày 1,5 - 2,5 cm và phủ lớp rơm rạ hoặc trấu mỏng lên mặt luống.

+ Chăm sóc: Giữ ẩm cho đất, sau 15 - 20 ngày hạt mọc đều. Khi hạt bắt đầu nảy mầm dỡ dần rơm rạ. Tiếp tục chăm sóc cây con, đến khi đạt tiêu chuẩn bứng ra trồng. Nhân giống vô tính Tháng 6 - 7, chọn các cành bánh tẻ, cắt thành đoạn dài 17 - 20 cm, đầu gốc cắt vát 45o , cắm sâu 10 - 15 cm, khoảng cách 10 - 15 cm, phủ mặt luống bằng rơm rạ mỏng để giữ ẩm. Sau 7 đến 10 ngày hom bật mầm, 15 đến 20 ngày sau ra rễ. Chú ý giữ đất đủ ẩm để đạt tỷ lệ sống cao (trên 90 %).

- Tiêu chuẩn cây giống:

+ Cây con từ hạt: Cây cao từ 7 - 10cm, có 3 đôi lá thật, bộ rễ khỏe mạnh, không sâu bệnh.  

+ Cây từ hom: 17 - 20cm, có từ 5 - 10 rễ.

3. Thời vụ trồng

- Thời vụ 1 (ở đồng bằng): Gieo hạt vào mùa xuân (từ tháng 2 đến đầu tháng 4), bứng cây con trồng vào tháng 7 - 8.

- Thời vụ 2 (ở miền núi và trung du): Gieo hạt vào mùa thu (tháng 8 – 9) và bứng cây con trồng vào tháng 2 - 3 năm sau.

4. Kỹ thuật làm đất

Đất trồng ba gạc cần chọn nơi cao, dễ thoát nước, ít sỏi đá, mầu mỡ, độ dốc vừa phải. Tùy theo vùng canh tác mà làm đất cho thích hợp. Đất bằng phẳng, dù ở trung du hay đồng bằng, làm đất kỹ, dọn sạch cỏ. Lên luống cao 25 cm, rộng 80 - 90 cm, chiều dài luống từ 30 - 50m, tùy ruộng. Đất ở vùng đồi có độ dốc vừa phải có thể trồng theo từng khu đất nhỏ, đất có độ dốc lớn cần trồng theo đường đồng mức.

5. Mật độ, khoảng cách trồng

Tùy thuộc vào độ màu của đất để bố trí mật độ, khoảng cách trồng thích hợp.

- Đất tốt trồng mật độ 110.000 cây/ha với khoảng cách 30 x 30 cm.

- Đất xấu trồng mật độ 160.000 cây/ha với khoảng cách 20 x 30 cm.

6. Phân bón và kỹ thuật bón phân

Lượng phân bón cho năm thứ nhất

Loại phân Lượng phân/ ha(Kg) Lượng phân/ sào Bắc Bộ (Kg) Tỷ lệ bón (%)
Phân chuồng 15.000 556 Bón lót 100
Đạm ure 270 10 Bón thúc 3 lần: mỗi lần 1/3
Supe lân 390 14 Bón lót 100
Kali clorua 130 5 Bón lót 100

Thời kỳ bón

- Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ hoai mục + phân lân và kali.

- Bón thúc: Bằng phân đạm một năm 3 lần vào các tháng 4, 6, 8.

- Các năm tiếp theo nên bón bổ sung một lượng phân bằng một nửa lượng phân trên. Cách bón như năm thứ nhất.

7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

 Kỹ thuật trồng Hiện nay biện pháp gieo trồng bằng cây con bứng ở vườn ươm hay hạt được gieo trong bầu là phổ biến. Trồng cây thành hai hay ba hàng, lệch nhau. Trước khi bứng cây con cần tưới nước để tránh đứt rễ, nhổ đến đâu trồng đến đấy. Khi trồng chú ý ấn chặt gốc và tưới nước ngay cho cây chóng hồi phục. Nên trồng cây thẳng đứng và chú ý đặt rễ cây tiếp xúc với đất.

Chăm sóc Cần chú ý làm cỏ lúc cây chưa phủ kín đất. Hàng năm nên xới xáo, vun từ một đến hai lần để tạo đất thoáng cho cây phát triển rễ nhiều Tưới tiêu Luôn đảm bảo cho đất đủ ẩm để cây phát triển tốt. Khi bị ngập úng phải thoát nước ngay tránh làm cây bị chết.

Cách bón phân

- Bón lót: Bón vào các hốc đã bổ sẵn, phủ đất lên trên trước khi trồng cây.

- Bón thúc: Bón theo từng gốc, kết hợp với các lần làm cỏ xới xáo.

8. Phòng trừ sâu bệnh

Ba gạc Ấn Độ nhìn chung ít bị sâu bệnh hại. Thời kỳ cây con mới nẩy mầm thường bị sâu xám ăn mất mầm non. Khi cây trưởng thành vào mùa hè có thể xuất hiện rệp mềm, sâu xanh và sâu cuốn lá hại ngọn cây, thân và lá.

Sâu xám (Agrotis ipsilon) Đặc điểm gây hại: Thường gây hại ở thời kỳ cây con. Loài sâu này thường gây hại vào ban đêm, ăn lá non hoặc cắn đứt ngang các thân và cành non. Sâu non màu xám đen hoặc màu nâu xám dọc theo hai bên thân có những chấm đen mờ.

Biện pháp phòng trừ:

- Cày, phơi ải đất trước khi trồng 2 tuần để tiêu diệt trứng và nhộng. Làm đất kỹ, sạch cỏ trước khi trồng, làm sạch cỏ quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.

- Đối với những ruộng có diện tích nhỏ có thể bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu.

- Dùng bẫy chua ngọt để bẫy bướm. Cách làm bẫy: Cho 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước vào trong bình đậy kín, sau 3 - 4 ngày khi thấy mùi chua ngọt thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhùi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Sau 2 - 3 ngày nhúng lại 1 lần. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và chết.

- Ruộng bị sâu hại nặng có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu có hoạt chất: Thiamethoxam (ví dụ Actara 25WG, 350FS), Abamectin (vd Shertin 3.6EC, 5.0EC). Hòa thuốc với nước theo tỷ lệ khuyến cáo ở bao bì, phun vào chiều tối. Nếu mật độ sâu cao nên phun kép hai lần cách nhau 5 ngày. Rệp mềm (Aphis gossipii) Đặc điểm gây hại: Ban đầu, rệp chỉ tập trung gây hại ở những búp non, lá non. Về sau do tích lũy nhiều, mật độ tăng nhanh, chúng xuất hiện trên cả những lá già và thường tập trung ở mặt dưới của lá. Rệp chích hút nhựa cây làm búp non, lá non bị quăn queo, biến dạng, lá chuyển dần sang màu vàng, cây còi cọc, sinh trưởng kém. Rệp mềm có kích thước nhỏ, có hình quả lê và thân mềm. Chúng thường tập trung lại thành từng đám, đặc biệt ở dọc các gân lá.

 Biện pháp phòng trừ

- Kiểm tra ruộng thường xuyên và diệt bỏ ngay lập tức những lá bị rệp nặng. Nhổ cỏ dại mọc xung quanh cây vì nhiều loại cỏ dại vốn là đối tượng gây hại của rệp.

- Sau mỗi vụ thu họach cần thu gom sạch sẽ những tàn dư của cây (thân, lá) ở vụ trước đem ra khỏi ruộng tiêu hủy hoặc ủ làm phân bón để tiêu diệt những con rệp còn sống sót trên đó, hạn chế rệp lây lan sang cho vụ sau.

- Hạn chế sử dụng hóa chất vì chúng có thể tiêu diệt cả những thiên địch. Nếu thấy mật độ rệp cao và liên tục gia tăng (tức lực lượng thiên địch có sẵn trong tự nhiên không đủ sức khống chế rệp) thì phải dùng thuốc trừ sâu để diệt rệp. Có thể sử dụng các loại thuốc như: Dầu khoáng (ví dụ Citrole 96.3EC, DK-Annong Super 909EC, Vicol 80 EC); Abamectin (ví dụ Aremec 18EC, 36EC, 45EC); Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin (ví dụ: Tasodant 6G, 12G, 600EC, 600WP). Cần xem kỹ hướng dẫn trên nhãn thuốc về liều lượng và cách sử dụng thuốc. Các loại sâu hại lá (bao gồm sâu xanh, sâu cuốn lá) Nếu mật độ sâu ít, có thể bắt sâu bằng tay. Mật độ sâu cao có thể sử dụng các loại thuốc phun trừ sau: Hoạt chất Abamectin (VD Catex 1.8EC, 3.6EC; Shepatin 50EC); Chế phẩm Bt (là sản phẩm sinh học từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis) (ví dụ V-BT 16000WP, Vbtusa (16000IU/mg) WP; Biocin 16WP; Comazol (16000 IU/mg)WP).

9. Chế độ xen canh

Năm đầu (vụ đầu), cây ba gạc còn nhỏ có thể trồng xen canh với một số cây như lạc, đậu xanh, đậu đen góp phần cải tạo đất và tăng thu nhập.

10. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Thu vào thời điểm vừa ra hoa, khi cây ngoài 2 năm tuổi. Chặt bỏ cây, đào lấy toàn bộ rễ, cố gắng thu nhặt hết các phần rễ nhỏ, rễ to.

 Sơ chế: Rễ to, đường kính trên 0,5cm, phải cạo hoặc bóc vỏ, dưới 0,5 cm để nguyên. Chú ý cạo hay bóc vỏ ngay lúc tươi. Phơi dưới nắng nhẹ đến khô.

Bảo quản: Khi dược liệu ba gạc Ấn Độ khô, đủ tiêu chuẩn, bảo quản trong bao nilon, bên ngoài bọc bao tải dứa hoặc các loại bao tải chống ẩm khác, để nơi khô ráo tránh ẩm ướt. Bảo quản trong kho để trên giá hoặc kệ cao cách mặt đất ít nhất 5cm, ba gạc Ấn Độ ít bị mối mọt.

11. Tiêu chuẩn dược liệu

Mô tả: Dược liệu là mảnh vỏ rễ, to, nhỏ không đều, mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, mặt trong có thể dính ít gỗ mỏng. Vị rất đắng. Độ ẩm dược liệu không quá 12,0%; Tạp chất không quá 1,0%. Hàm lượng alcaloid toàn phần đạt từ 1% trở lên.

Kỹ thuật nuôi trồng cây thuốc

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""