TINH HOA XANH

Đông y chữa chứng tỳ hư thấp trệ

Chứng tỳ hư thấp trệ thường bắt nguồn từ chứng thận dương hư. Bệnh phần nhiều do tà khí hàn thấp từ phủ tạng sinh ra, hoặc do cảm nhiễm từ bên ngoài, làm tổn thương cả ba tạng: Phế, Tỳ, Thận.

Nhưng bệnh thường tích tụ ở tạng tỳ. Biểu hiện bụng đầy khó chịu, đau âm ỉ, ăn uống kém, hoặc chán ăn, miệng đầy nhớt, hay buồn nôn, tay chân rã rời, người luôn mệt mỏi, sắc mặt vàng bủng, bệnh lâu ngày tay chân phù. Lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng trơn hoặc trắng nhớt. Mạch nhu hoãn. Tùy từng trường hợp mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:

Do ăn uống nhiều thức ăn sống lạnh, làm tỳ vị bất hòa: tỳ khí hư suy mất chức năng kiện vận, thủy thấp không hóa được, tụ lại thành đờm, ẩm truyền vào phế mà sinh bệnh.

Biểu hiện: Ho, đờm nhiều có màu trắng, loảng, ăn kém bụng đầy khó chịu, người mệt mỏi, đại tiện phân nhão, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch hoạt hoặc nhu.

Phép trị: Kiện tỳ táo thấp tiêu đờm.

Bài thuốc“Nhị trần thang” : Bán hạ (chế) 20g, Trần bì 20g, Phục linh 12g, Cam thảo 6g, Sinh khương 16g, Ô mai 8 quả. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có  thể gia giảm cho thích hợp. Ngày một thang sắc uống 3 lần, uống sau khi ăn khi thuốc còn ấm.

Do tỳ dương hư hàn thấp tích tụ lại ở tỳ

Biểu hiện: Ho kéo dài có kèm theo suyễn thở, nhiều đờm ẩm, trong đờm khạc ra có bọt, đau tức vùng ngực, cơ thể ớn lạnh, tay chân lạnh, mặt và hai mi mắt phù.

Phép trị: kiện tỳ ôn phế hóa ẩm tiêu đờm.

Bài thuốc: “Linh cam ngũ vị khương tân thang”:  Phục linh 16g, Cam thảo 12g, Can khương 12g, Ngũ vị tử 8g, Tế tân 12g.  Ngày một thang sắc uống 3 lần, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.

Do tỳ dương hư, không hóa được thủy ẩm, tích lại trong vị (dạ dày)

Biểu hiện: Trong dạ dày có tiếng nước óc ách, vùng thượng vị đau khó chịu, ngực sườn đầy tức, sau lưng có vùng lạnh bằng bàn tay, hồi hộp đoản hơi, chóng mặt hoa mắt, hay buồn nôn, nôn ra dịch có màu trong có khi kèm cả thức ăn (chứng trào ngược). Rêu lưỡi trắng trơn, mạch huyền hoạt.

    Phép trị: Ôn tỳ vị hóa ẩm.

    Bài thuốc: “Linh quế truật cam thang”:  Phục linh 16g, Quế chi 12g, Bạch truật 12g, Cam thảo 18g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp. Ngày một thang, sắc uống 3 lần, uống lúc đói khi thuốc còn nóng.

    Do tỳ dương suy yếu hàn thấp tụ lại:  thanh dương không thăng, trọc âm nghịch lên, làm tỳ hư thấp trệ, sinh chứng ẩu thổ (nôn mửa).

    Biểu hiện: Bệnh nhân luôn ứa nước bọt, nôn ra đờm dãi, bụng đầy ăn kém hoặc chán ăn, chóng mặt, ù tai, hồi hộp, ngủ kém hoặc ngủ không ngon giấc, rêu lưỡi trắng, mạch hoạt.

    Phép trị: Ôn trung hóa thấp, giáng nghịch chỉ nôn.

    Bài thuốc: “Tiểu bán hạ thang”  Bán hạ (chế) 18g, Sinh khương 16g. Phối hợp với bài “Linh quế truật cam thang”. Ngày một thang, sắc uống 3 lần, uống sau khi ăn, khi thuốc còn ấm.

    Do ăn nhiều thức ăn sống lạnh, hoặc hàn thấp từ ngoài xâm nhập vào tỳ: mất sự vận chuyển, thăng giáng không điều hòa thức ăn đồ uống không tiêu hóa hết, sinh ra chứng tiết tả.

    Biểu hiện: Bệnh nhân đau bụng, sôi bụng, đại tiện phân lỏng, có khi đi như nước, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch nhu hoãn.

    Phép trị: Ôn bổ tỳ dương, trừ thấp.

    Bài thuốc: “Tá quan tiễn”: Hậu phác 12g, Trần bì 12g, Hoài sơn 12g, Can khương 12g, Nhục quế 8g, Bạch biển đậu 12g, Trư linh 12g, Trạch tả 12g, Cam thảo 8g. Ngày một thang, sắc uống 3 lần, uống sau khi ăn.

    Nếu bệnh nhẹ

    Điều trị: ôn tỳ táo thấp.

    Bài thuốc: “Bình vị tán” : Thương truật 500g, Hậu phác 300g, Trần bì 300g, Cam thảo 120g. Tán bột mịn ngày uống 3 lần mỗi lần uống 10g với nước đun sôi để ấm, uống sau khi ăn.

    TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""