Sốt xuất huyết Dengue (Dengue haemorrhagic fever) là bệnh truyền nhiễm cấp do virus Dengue gây ra, thường lan thành dịch lớn. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là xuất huyết, trụy tim mạch và dễ đưa đến tử vong nếu điều trị không kịp thời và không đúng mức.
Muỗi vằn Aedes aegypty là trung gian truyền bệnh chính. Đây là loại muỗi sống ở nơi bùn lầy, nước đọng chung quanh nhà, hoặc các nơi ẩm thấp tối tăm. Muỗi cái hút máu và truyền bệnh về ban ngày. Sau khi hút máu người bệnh muỗi Aedes aegypty cái có thể truyền bệnh ngay. Nếu không có cơ hội truyền bệnh, lượng máu đọng lại và siêu vi tiếp tục tồn tại trong ống tiêu hóa và ở tuyến nước bọt của muỗi, chờ đến khi có dịp truyền cho người khác.
Theo y học cổ truyền (YHCT): Bệnh sốt xuất huyết (SXH-D) có biểu hiện lâm sàng được đề cập đến trong phạm trù các chứng lưu hành tính xuất huyết, chứng phát nhiệt, chứng chẩn thuộc ôn bệnh truyền nhiễm của y học cổ truyền. Nguyên nhân do ôn nhiệt dịch độc nhập vào vệ khí và dinh huyết gây bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 hội chứng lâm sàng chính như: sốt cao, xuất huyết, gan to và trụy mạch.
Phân độ sốt xuất huyết:
SXH-D không sốc:
Độ 1: Sốt, kèm theo các dấu hiệu không đặc hiệu và dấu hiệu dây thắt (+).
Độ 2: Xuất huyết tự nhiên kèm triệu chứng của độ 1.
SXH-D có sốc:
Độ 3 : Trụy mạch với mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc kẹt lại, chi lạnh, bứt rứt.
Độ 4: Trụy tim mạch nặng với mạch và huyết áp không đo được.
Nguyên tắc điều trị của Y học hiện đại:
- Bồi hoàn nhanh chóng và hiệu quả số lượng huyết tương bị mất do thoát mạch bằng các dung dịch điện giải và dung dịch keo.
- Cải thiện nhanh chóng tình trạng rối loạn tuần hoàn.
- Giảm nguy cơ đông máu nội mạch rải rác qua việc truyền máu nếu có xuất huyết nhiều.
Điều trị sốt xuất huyết Dengue bằng y học cổ truyền:
- Trong bệnh SXH-D, điều trị theo y học cổ truyền chỉ dùng phối hợp với y học hiện đại trong trường hợp không có sốc hoặc giai đoạn phục hồi.
- Trong trường hợp có sốc cần điều trị chủ yếu bằng y học hiện đại, không điều trị bằng y học cổ truyền và theo dõi cẩn thận tránh những biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho bệnh nhân.
Bệnh ở vệ phận:
- Phép trị: Sơ biểu, thanh nhiệt, giải độc.
- Bài thuốc: Ngân kiều tán (Kim ngân hoa 12g, Liên kiều 08g, Kinh giới 10g, Đậu xị 10g, Bạc hà 12g, Ngưu bàng tử 14g, Trúc diệp 16g, Cát cánh 10g).
Tỳ khí hư:
- Phép trị: Bổ Tỳ ích khí.
- Bài thuốc: Bát trân thang, Bổ trung ích khí thang.
Một số bài thuốc Nam theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết độ 1, 2 bằng thuốc y học cổ truyền của Bộ Y tế:
Bài thuốc 1: Lá cúc tần 12g: Hạ sốt, củ Sắn dây 20g: Thanh nhiệt (có thể thay bằng lá Dâu). Cỏ nhọ nồi 16g: cầm máu. Rau má 16g: nhuận gan, thanh nhiệt (có thể thay thế bằng một trong các vị: Khổ qua, Dành dành, Nhân trần, Cúc hoa). Mã đề 16g: Lợi tiểu. Lá tre 16g: hạ sốt, thanh nhiệt. Trắc bá diệp (sao đen) 16g: cầm máu. Gừng tươi 3 lát: kích thích tiêu hóa, chống nôn, giải biểu, giải độc.
Bài thuốc 2: Cỏ nhọ nồi (sao vàng) 20g: chỉ huyết, nhuận huyết. Kim ngân hoa 12g: thanh nhiệt, giải độc. Cối xay (sao vàng) 12g: lợi tiểu, hạ sốt, giải độc. Hoa hòe 10g: cầm máu. Rễ Cỏ tranh 20g: Lợi tiểu, hạ sốt, giải độc. Sài đất 20g: Thanh nhiệt, giải độc. Hạ khô thảo 12g: Lợi tiểu, thanh nhiệt, thanh can hỏa. Gừng tươi 3 lát: Kích thích tiêu hóa, chống nôn, giải biểu, giải độc.
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay sốt xuất huyết chưa có thuốc phòng ngừa. Ở những vùng có sốt xuất huyết hưu hành thường xuyên, việc phòng ngừa được tiến hành như sau:
- Theo dõi sát tất cả trường hợp có sốt trên 380C. Những trường hợp không rõ nguyên nhân nên tiến hành xét nghiệm để xác định nguyên nhân.
- Đối với những trường hợp mắc bệnh, dựa vào phân độ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xếp độ và có biện pháp theo dõi cũng như điều trị thích hợp.
- Chú ý các biện pháp vệ sinh môi trường:
Phun thuốc diệt muỗi.
Diệt lăng quăng.
Dọn dẹp sạch sẽ các nơi bùn lầy nước đọng, các vật chứa nước cặn.
Ngủ mùng.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ