TINH HOA XANH

Cây Đảng sâm

Tên khoa học: Codonopsis javanica (Blume) Hook. F. Thoms.

Họ: Hoa chuông CAMPANULACEAE

Tên khác: Ngân đằng, cây Đùi gà, Mằn rày cáy (Tày)…

Tên vị thuốc: Đảng sâm Việt Nam, Phòng đảng sâm.

 

Phần I: Đặc điểm sinh học

  1. Nguồn gốc, phân bố

Đảng sâm là cây của vùng cận nhiệt đới, được ghi nhận ở Trung Quốc, Myanma, Ấn Độ, Lào, Việt Nam và Nhật Bản. Cây mọc hoang ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, phân bố tập trung nhất  ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.

Đảng sâm thường mọc trên các nương, rẫy đã bỏ hoang lâu ngày có cỏ tranh, đất tương đối màu mỡ và ẩm.

  1. Đặc điểm thực vật

Đảng sâm là cây thân thảo, leo bằng thân quấn. Thân leo dài  2 – 3m, phân nhánh nhiều. Lá mọc đối, hình tim, mép nguyên, lượn sóng hoặc hơi khía răng cưa, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới có lông nhung trắng. Hoa mọc riêng rẽ ở kẽ lá, cuống dài 2 – 6cm, đài gồm 5 phiến hẹp, tràng hình chuông màu trắng, chia 5 thùy, nhị 5. Quả nang hình cầu có 5 cạnh mờ, đầu trên có một núm nhỏ hình nón, khi chín màu tím hoặc đỏ. Hạt nhiều màu vàng nhạt. Rễ phình thành củ hình trụ dài, đường kính 1,5 – 2,0 cm, phía trên to, phía dưới có phân nhánh màu vàng nhạt.

  1. Điều kiện sinh thái

Đảng sâm sống ở đất màu mỡ, nhiều mùn, cao ráo, thoát nước. Nhiệt độ thích hợp 18 – 25 0 C, có thể chịu được nhiệt độ trên 30 0 C nhưng không kéo dài. Về mùa đông nhiệt độ thấp cây vẫn sông được. Lượng mưa trung bình 1.200 – 1.500 mm.

Ở vùng núi có độ cao 400 – 1600 m so với mặt biển cây mọc hoang dại, chu kỳ sinh trưởng kéo dài 1 năm. Ở đồng bằng cây vẫn sinh trưởng được nhưng thời gian bị rút ngắn còn 8 – 9 tháng.

  1. Giá trị làm thuốc

Bộ phận sử dụng: Rễ củ.

Công dụng: Rễ củ Đảng sâm được dùng làm thuốc chữa tỳ vị kém, phế khí hư nhược…Ngoài ra còn được dùng làm thuốc bổ dạ dày, lợi tiểu tiện, chữa ho tiêu đờm.

Ngày dùng từ 20g đến 40g, dạng thuốc sắc, viên hoàn, bột, ngâm rượu.

 

CTQ Sưu tầm

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""