Thiền thở thay thuốc
Hơi thở chánh niệm để chăm sóc thân tâm
Khi xuống tóc xuất gia, tôi nhận được cái tên Chân Pháp Liệu. Pháp ở đây có thể hiểu là pháp Bụt, là đem lời chỉ dạy của Bụt ra thực tập và áp dụng vào đời sống hàng ngày. Liệu là trị liệu, là làm giảm đi niềm đau, nỗi khổ của thân cũng như tâm. Vỏn vẹn hai chữ này – lời nhắn gửi của thầy tôi – cũng đủ để cho tôi thực tập suốt đời: Trị liệu thân tâm của chính mình và giúp người khác biết cách trị liệu thân tâm của họ.
Để trị liệu cho thân tâm, trước nhất ta phải biết trở về chăm sóc thân. Vì hơi thở là nhịp cầu giữa thân và tâm nên ở Làng Mai chúng tôi thực tập hơi thở có ý thức, mà danh từ chuyên môn gọi là hơi thở chánh niệm. Ta có thể định nghĩa vắn tắt Chánh Niệm là ý thức được những gì đang xảy ra trong và xung quanh ta trong giây phút hiện tại. Trong tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, trong những sinh hoạt hàng ngày như nấu cơm, rửa chén, giặt đồ… hơi thở có ý thức đưa ta trở về giây phút hiện tại để biết những gì đang xảy ra trong thân, tâm và xung quanh ta. Đương nhiên, trong tư thế ngồi ta dễ tập trung tâm ý hơn.
Tôi xin mời bạn tìm một tư thế ngồi cho thật thoải mái để chúng ta cùng thực tập hơi thở có ý thức. Trong các bài thiền tập sau đây, ta chỉ cần tập trung tâm ý tới hơi thở vào ra một cách tự nhiên mà không can thiệp đến.
Bài tập đầu giúp ta nhận diện đơn thuần hơi thở vào ra. Vài phút sau, tự nhiên hơi thở vào ra sẽ dần dần lắng dịu. Khi hơi thở lắng xuống, ta cảm thấy dễ chịu.
1. Thở vào, biết đang thở vào
Thở ra, biết đang thở ra.
(Vào/ ra)
2. Thở vào, thấy hơi thở lắng dịu
Thở ra, thấy dễ chịu.
(Vào lắng dịu/ ra dễ chịu)
Sau khi duy trì từ năm đến mười phút khoảng mười hơi thở vào ra có ý thức như thế, ta có thể theo dõi và thưởng thức hơi thở vào ra một cách trọn vẹn.
3. Thở vào, thưởng thức hơi thở vào từ đầu đến cuối
Thở ra, thưởng thức hơi thở ra từ đầu đến cuối.
(Thưởng thức hơi thở vào ra)
Sau khi nếm được an lạc trong hơi thở, ta có thể bước qua lãnh vực “thân” để nhận diện và làm an tịnh toàn thân.
4. Thở vào, ý thức toàn thân
Thở ra, làm an tịnh toàn thân
(Vào ý thức toàn thân/ ra an tịnh toàn thân)
Khi toàn thân được an tịnh, ta cảm thấy an lạc và có thể nở một nụ cười an vui.
5. Thở vào, cảm thấy an lạc trong toàn thân
Thở ra mỉm cười với toàn thân.
(Vào an lạc toàn thân/ ra mỉm cười với toàn thân)
Ta có thể thực tập hơi thở có ý thức và thư giãn trong mọi tư thế (đi, đứng, nằm, ngồi), bất cứ lúc nào và ở đâu. Vì thân và tâm không phải là hai thực thể riêng biệt nên chăm sóc thân cũng là chăm sóc tâm. Khi có một cảm xúc mạnh, hay bị một nỗi khổ niềm đau khống chế, ta có thể trở về với hơi thở để nhận diện và làm lắng dịu cảm xúc, niềm đau hay nỗi khổ ấy. Mỗi khi có cơ hội, tôi đều thực tập trở về với hơi thở ý thức, nhận diện nơi nào trong cơ thể đang bị căng thẳng hay đau nhức. Vùng nào căng thẳng, tôi thực tập buông thư vùng ấy. Chỗ nào đau nhức, tôi tập trung tâm ý, ưu ái xoa dịu chỗ đó. Chỉ cần nhận diện đơn thuần thôi là ta đã bắt đầu công việc chăm sóc và chữa trị. Khi chăm sóc thân, ta cũng để ý tới cách thức ăn uống. Muốn được nhẹ nhàng, ta phải chọn lọc để chỉ tiêu thụ những thức ăn thật lành cho cơ thể, có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm.
Ngoài ra, y khoa cho biết rằng sức đề kháng của cơ thể sẽ yếu đi khi ta lo sợ hay bị căng thẳng. Hơn nữa, khi tinh thần căng thẳng thì tự nhiên có những vùng trong cơ thể ta lại bị căng thẳng lây như các cơ bắp ở hai vai, các nhóm cơ bắp dọc theo cột sống sẽ co cứng lại, làm cho đau nhức.
Nhờ thiền tập, tôi đã giảm bớt được tính khí hay lo của mình. Và nhờ thường xuyên thực tập buông thư toàn thân, tập gậy dưỡng sinh và đi bộ nhanh đều đặn ít nhất một giờ mỗi ngày, chứng bệnh đau lưng kinh niên của tôi đã bớt hẳn. Khí lực và sức khoẻ tổng quát vì thế cũng có phần tốt hơn trước.
(Còn nữa)
Tỳ Kheo Chân Pháp Liệu (CTQ số 89)