TINH HOA XANH

Tắm thuốc (Dược dục) – phương pháp trị bệnh độc đáo trong Đông y (Phần 1)

Tắm rửa là một nhu cầu vệ sinh tự nhiên của con người nhằm mục đích tẩy rửa các chất bẩn trên da khiến cho cơ thể trở nên sạch sẽ.

Không chỉ có vậy, trải qua quá trình tích luỹ kinh nghiệm con người cũng nhận thức được rằng: tắm rửa còn có tác dụng phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ ở một mức độ nhất định, đặc biệt là khi tắm rửa bằng nước nóng. Dân gian phương Đông  xưa có câu:

“Xuân thiên tẩy cước, thăng dương cố hoát

Hạ thiên tẩy cước, thử thấp khả khứ

Thu thiên tẩy cước, phế nhuận tràng thu

Đông thiên tẩy cước, đan điền ôn chước.”

Mùa xuân rửa chân có thể làm cho dương khí đi lên chống được các chứng sa, chứng thoát. Mùa hè rửa chân có tác dụng trừ thử thấp. Mùa thu rửa chân có thể làm cho phổi và ruột được nhu nhuận. Mùa đông rửa chân có thể làm ấm vùng đan điền.

Dần dần, con người còn biết sử dụng các dược vật chế thêm vào nước để tắm rửa nhằm mục đích nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh tật. Ở phương Đông, cổ nhân gọi phương pháp này là Dược dục liệu pháp (DDLP). Vậy dược dục liệu pháp là gì ? Lịch sử phát sinh và phát triển của nó ra sao ? Đặc trưng của nó như thế nào ? Một số vấn đề cơ bản được trình bày dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu biết thêm về phương pháp trị bệnh độc đáo này.

* Dược dục liệu pháp là gì ?

Về cơ bản có thể hiểu DDLP là phương pháp cho thêm vào nước thường hoặc trực tiếp sử dụng dịch thuốc Y học cổ truyền làm nước để tắm rửa toàn thân hay cục bộ nhằm mục đích phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ. Đây là một trong những phương pháp chữa ngoài của Y học cổ truyền (ngoại trị) được tiến hành dưới sự chỉ đạo của lý luận Đông y, kết hợp tác dụng của hai liệu pháp: thuỷ trị liệu và dược vật trị liệu. Về danh pháp tiếng Việt xin tạm gọi là Phương pháp tắm thuốc.

* Dược dục liệu pháp có từ bao giờ ?

Dược dục liệu pháp có một lịch sử rất lâu đời. Ở Trung Quốc, sách “Lễ ký” đã viết: “Đầu hữu sang tắc mộc, thân hữu bệnh tắc dục” (đầu bị lở loét nên gội, thân mình có bệnh nên tắm). Y thư cổ “Hoàng đế nội kinh” cũng đã bàn luận đến DDLP trong nhiều chương mục. Ví như chương “Âm dương ứng tượng đại luận” đã viết: “Kỳ hữu tà giả, tứ hình dĩ vi hãn”, ý muốn nói: nếu bị ngoại tà xâm nhập nên tắm ngâm làm cho ra mồ hôi để tà khí theo đó mà ra ngoài. Các y thư cổ khác như Kim quỹ yếu lược (đời Đông Hán), Trửu hậu bị cấp phương, Ngoại đài bí yếu (đời Tuỳ Đường), Chân lạp phong thổ ký (đời Tống Kim Nguyên), Y tông kim giám, Quán nhã ngoại biên (đời Thanh)… cũng đều có đề cập đến DDLP ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt, trong những y thư chuyên khảo về vấn đề này phải nói đến cuốn Lý thược biền văn của y gia Ngô Sư Cơ, đại biểu lỗi lạc của DDLP. Tác phẩm này đã đề cập một cách có hệ thống từ cơ sở lý luận đến kinh nghiệm thực tiễn trong việc vận dụng DDLP để điều trị khá nhiều chứng bệnh thuộc các chuyên khoa với 79 phương thuốc tắm ngâm độc đáo.

* Dược dục liệu pháp có mấy loại ?

Tuỳ theo phần thân thể ngâm trong dịch thuốc nhiều hay ít, người ta thường chia DDLP ra làm 3 loại: toàn thân dược dục, bán thân dược dục và cục bộ dược dục.

- Toàn thân dược dục: Là cách ngâm toàn bộ cơ thể trong dịch thuốc chứa trong bồn có dung tích 250 – 300 lít từ 20 – 30 phút, mỗi ngày 1 lần, 10 lần là 1 liệu trình. Thường dùng cho các bệnh lý nội khoa và da liễu.

- Bán thân dược dục: Là cách ngâm nửa cơ thể trong dịch thuốc, bệnh nhân ngồi nước ngập đến rốn. Mỗi lần ngâm trong 20 – 30 phút, mỗi ngày 1 lần, 10 lần là 1 liệu trình. Loại này thường dùng cho các bệnh lý chi dưới như viêm khớp gối, viêm tắc động mạch chân, liệt bại hai chân…

- Cục bộ dược dục: Là cách ngâm chi thể hoặc một bộ phận của cơ thể trong dịch thuốc hoặc tiếp xúc với dịch thuốc nhiều lần. Tuỳ theo cách thức và bộ phận ngâm khác nhau mà phân thành nhiều loại như ngâm tay, ngâm chân, ngâm tứ chi, ngâm đầu, rửa mắt, rửa mặt… Ví dụ, ngâm chân (túc dục) là loại hình thường dùng trên lâm sàng, được chia làm hai hình thức: ngâm chân thấp và ngâm chân cao. Ngâm chân thấp là khi dịch thuốc chỉ ngập đến mắt cá, thường dùng cho những chứng bệnh như nấm chân, ra mồ hôi lòng bàn chân, bỏng bàn chân, bong khớp cổ chân, viêm xương gót… Ngâm chân cao là khi dịch thuốc ngập đến tận đầu gối, thường dùng cho những chứng bệnh như viêm khớp, viêm dây thần kinh, tê bì chi dưới, viêm tắc động mạch, các bệnh ngoài da ở hai chân…

(còn nữa)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""