Mỹ phẩm có thể giúp vẻ ngoài của một người phụ nữ trở nên xinh đẹp hơn. Tuy nhiên, trong xã hội Hàn Quốc cổ đại, người phụ nữ không chỉ cần làm đẹp bề ngoài mà còn phải nuôi dưỡng vẻ đẹp từ bên trong.
Làm đẹp đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày nhất là đối với người phụ nữ, mặc dù tiêu chuẩn về cái đẹp có những thay đổi khác nhau theo thời gian. Ngày nay, nhiều người sẽ hiểu đơn giản trang điểm (hay makeup) là khiến mình trở nên xinh đẹp hơn. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, trang điểm đã được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Người cổ đại dùng màu nhuộm tự nhiên để tô vẽ lên khuôn mặt theo hình tượng các vị Thần nhằm biểu thị tấm lòng thành kính hoặc thực hành các nghi thức lễ nghi và phân tầng địa vị xã hội. Kể từ đó, sự tương tác giữa các nền văn hóa đã thúc đẩy việc trao đổi nguyên liệu trang điểm, phương pháp và công nghệ sản xuất mỹ phẩm, tạo ra một loạt các nền văn hóa mỹ phẩm và các sản phẩm trên toàn thế giới.
Thời kỳ Tam Quốc, ở Triều Tiên (57 TCN – 668) có thể được xem là thời kỳ thịnh trị, đời sống người dân được nâng cao, váy vóc, lụa là, đồ trang sức, mỹ phẩm đều được đầu tư rất kỹ lưỡng và đẹp mắt. Kỹ thuật sản xuất mỹ phẩm của người Hàn Quốc lúc này đã đạt đến mức đỉnh cao nhờ học được từ kỹ thuật của người Nhật Bản và Trung Quốc.
Người Hàn Quốc cổ xưa tin rằng một ngoại hình đẹp bắt nguồn từ bên trong cơ thể. Vì vậy họ đã rất chú trọng vào việc sản xuất ra những loại mỹ phẩm có khả năng nuôi dưỡng vẻ đẹp từ bên trong. Mỹ phẩm truyền thống của người Hàn Quốc được làm từ thực vật và ngũ cốc có hương thơm độc đáo và tự nhiên.
Trong sử kí có ghi chép lại, vào thời Silla, người ta thường dùng mỡ lợn để bôi lên da tránh thời tiết hanh khô và lạnh giá. Người tộc Manchu đã sử dụng mỡ lợn để tránh cái rét và giúp làm mềm da. Sau này, nhiều loại dầu thực vật khác như dầu hướng dương, dầu hạt cải được sử dụng là da căng mịn. Dầu hoa mẫu đơn đặc biệt được ưa chuộng đối với những người phụ nữ Hàn truyền thống bởi công dụng làm mềm mượt tóc của loại dầu này. Xạ hương là mùi hương nước hoa được nhiều người phụ nữ Hàn xưa lựa chọn.
Ngay từ rất xưa, người Hàn cổ đại đã chú trọng rất nhiều vào việc dưỡng da và tóc. Phụ nữ Hàn đa số có làn da trắng hồng và cách làm đẹp bằng các sản phẩm tự nhiên, điều này có lẽ đã trở thành truyền thống của người phụ nữ sinh ra từ xứ sở Kim chi. Người Hàn cổ đại dùng rễ Nhân sâm hoặc các loại đậu xay nhuyễn để tẩy da chết.
“Jodu” một loại bột đậu xanh nghiền được sử dụng như một loại xà phòng làm sạch khi dùng bột hòa với nước, dung dịch này có chứa saponin, một trong những tác nhân làm sạch hiệu quả. Các loại nước ép quả như nước ép quả bầu cũng được sử dụng để làm sạch da.
Các loại chiết xuất dầu hay hạt giống thực vật được sử dụng như các dung môi như dầu thầu dầu, dầu hoa trà được sử dụng rộng rãi vì chúng ít dính lại có hương thơm nhẹ. Dầu mơ và đào sẽ làm mờ các vết đốm tàn nhang.
Trong những câu chuyện truyền thuyết từ thời Dangun cũng có thể thấy ngải và tỏi là những thành phần mỹ phẩm tuyệt vời được sử dụng trong mùa đông. Sau 100 ngày, nhờ việc ăn tỏi và cây ngải, người phụ nữ có làn da bánh mật có thể hóa thành màu trắng. Phong cách trang điểm đặc trưng thời kỳ này là khuôn mặt tròn, lông mày mỏng và làm kiểu tóc, ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Vào thời kỳ Chosun, phụ nữ quý tộc bắt đầu sử dụng tro hoa, bột nghệ vàng và cây chàm để vẽ lông mày. Họ sử dụng các loại hoa nghệ tây và màu son để tô môi và má. Phụ nữ Hàn thời này ưa chuộng làn da nhợt nhạt, điều này phù hợp với quan niệm của Nho giáo về cái đẹp đơn giản và thuần khiết.
Người phụ nữ quý tộc thích kiểu trang điểm nhẹ nhàng cùng phục sức đơn giản. Họ được cho là những người có cái nhìn tinh tế và trở thành hình mẫu của nhiều tầng lớp khác trong xã hội. Kiểu trang điểm đặc trưng của người phụ nữ giai đoạn này là làn da trắng, đôi môi đỏ, lông mày lá liễu, mái tóc đen nhánh dày bóng mượt theo kiểu tự nhiên.
Phấn trắng thường chỉ dùng riêng cho các ca kĩ. Tầng lớp quý tộc thường dùng màu hồng đào để có làn da tươi tắn tự nhiên. Để có được mái tóc bóng mượt, phụ nữ thời kỳ này đã biết sử dụng tinh dầu hoa mẫu đơn.
Bộ đồ make-up gồm son môi, phấn phủ, phấn má hồng, bột vẽ lông mày và màu mắt. Tuy nhiên, dựa vào địa vị và tầng lớp xã hội mà họ sẽ có những kiểu cách trang điểm khác nhau. Những kỹ nữ sẽ có cách trang điểm đậm hơn so với người phụ nữ thuộc các giai tầng khác.
Nguyên liệu dùng để làm phấn phủ là bột gạo, hạt kê hoặc bột đá. Đất đỏ và một vài loại cây khác được dùng để tạo màu phấn. Son môi và má hồng được làm từ nhụy hoa nghệ tây và chu sa, trong khi đó bột vẽ lông mày được lấy từ tro hoa và bột chàm.
Nước hoa được làm từ chồi cây đinh hương khô, có tác dụng như chất khử mùi trong y tế và được sử dụng khi tắm giúp làm giảm căng thẳng và mệt mỏi. Gạo xay và kê được gọi là “mibun” được sử dụng làm bột. Mibun được pha trộn với nước hoặc dầu để tạo độ dính lên da mặt.
Những người phụ nữ thuộc giai tầng thấp hơn có thể sử dụng giấy nhuộm có màu đỏ để làm hồng đôi môi và má (khá giống với loại son giấy chúng ta thường thấy trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc) và họ cũng dùng than để vẽ lông mày. Vì không có chất bảo quản, nên các sản phẩm này được đựng trong một chiếc hộp làm bằng gốm sứ nhỏ.
Phong cách trang điểm của các cô gái Hàn Quốc hiện nay được rất nhiều quốc gia châu Á ưa chuộng, trong đó có Việt Nam. Họ thích phong cách trang điểm làn da láng mịn, trong veo tự nhiên và đôi môi hồng. Có thể thấy dù trải qua thời gian rất lâu dài, quan niệm về vẻ ngoài tự nhiên vẫn luôn là điều mà phái đẹp Hàn Quốc theo đuổi. Dù con gái Hàn không có những đường nét sắc sảo trên khuôn mặt nhưng họ rất giỏi trong việc trang điểm và cách ăn mặc để mình trở nên xinh đẹp hơn.