TINH HOA XANH

Atisô - vị thuốc nhuận gan, lợi mật

Theo y học hiện đại, dịch mật giữ vai trò quan trọng trong hệ tràng vị. Thành phần hóa học của nó gồm các axít mật (chủ yếu ở dạng muối), sắc tố mật, các cholesterol, lecithin, mucin; các chất vô cơ như Na, Ca, Fe, Mg, KHCO3, K3PO4, K2SO4...

Muối mật nhũ tương hóa các chất béo, làm phản ứng xà phòng hóa thực hiện dễ dàng. Dưới tác dụng của men lipaza từ dịch tụy, các chất béo được phân giải, các axít béo - sản phẩm tiêu hóa của lipid - được phóng thích và được hấp thu vào cơ thể. Mật còn giúp cho cơ thể hấp thu các vitamin tan trong dầu và có tác dụng kìm khuẩn. Thông thường gan tiết 0,7 - 1 lít mật trong 24 giờ và nhu cầu muối mật vào khoảng 8g/ngày.

Theo quan niệm của Đông y, mật là đảm (đởm), một trong lục phủ. Đởm là phủ trung tính, liên quan mật thiết với can (gan) về chức năng sơ tiết, “khí dư của can tiết vào đởm, tụ lại mà thành tinh (dịch mật)”. Do chứa “tinh” này mà đởm trở thành phủ đặc biệt trong lục phủ.

Theo sách Tố vấn, tất cả 11 tạng phủ đều theo sự quyết đoán của đởm. Đởm có thể duy trì và bảo đảm sự vận hành bình thường của khí huyết, loại trừ những ảnh hưởng không tốt đến tinh thần.Chức năng này kém là nguyên nhân làm cho tinh thần bị thương tổn. Đởm khí suy nhược dần dần dẫn đến bệnh tật cho cơ thể.

Atisô là loại cây lá gai lâu năm có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu (quanh Địa Trung Hải) đã được người Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã trồng để lấy hoa làm rau ăn.

Những cây Atisô được trồng đầu tiên ở quanh Naples vào giữa thế kỷ 15. Nó được Catherine de Medici giới thiệu tới nước Pháp trong thế kỷ 16, sau đó, người Hà Lan mang nó đến Anh. Atisô tiếp tục được mang tới Mỹ trong thế kỷ 19 bởi những người đến nhập cư bang Louisiana bởi người Pháp và bang California bởi người Tây Ban Nha. Ngày nay, Atisô được trồng chủ yếu ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha, Mỹ và các nước Mỹ Latinh. Atisô du thực vào Việt Nam đầu thế kỷ 20, được trồng ở Sa Pa, Tam Đảo, nhiều nhất là ở Đà Lạt.

Hiện nay, người ta trồng Atisô không những chỉ dùng lá bắc và đế hoa để ăn mà còn dùng làm thuốc.Hoạt chất chính của Atisô là cynarine (Acide 1- 3 dicaféin quinic). Ngoài ra còn có inulin, inulinaza, tanin, các muối hữu cơ của các kim loại kali, canxi, magiê, natri... Atisô có tác dụng hạ cholesterol và urê trong máu, tạo mật, tăng tiết mật, lợi tiểu, thường được làm thuốc thông mật, thông tiểu tiện, chữa các chứng bệnh về gan, thận.Tuy chất cynarine đã tổng hợp được nhưng người ta vẫn dùng chế phẩm từ cao lá atisô tươi.

Atisô là cây thảo lớn, cao 1 - 1,2m, có thể đến 2m.Thân cao, thẳng và cứng, có khía dọc, phủ lông trắng như bông.Lá to, dài, mọc so le; phiến lá xẻ thùy sâu và có răng không đều, mặt trên xanh lục mặt dưới có lông trắng, cuống lá to và ngắn.Cụm hoa hình đầu, to, mọc ở ngọn, màu đỏ tím hoặc tím lơ nhạt, lá bắc ngoài của cụm hoa rộng, dày và nhọn, đế cụm hoa nạc phủ đầy lông tơ, mang toàn hoa hình ống. Quả nhẵn bóng, màu nâu sẫm có mào lông trắng

Bộ phận dùng: cụm hoa và lá bắc có phần gốc nạc, thường được dùng làm rau ăn và làm thuốc. Lá hái lúc cây sắp ra hoa hoặc mới ra hoa, dùng làm thuốc.

Thu hái: gieo hạt tháng 10 - 11, bứng ra trồng tháng 1 - 2. Lúc cây sắp ra hoa, hái lấy lá, bẻ sống. Lá atisô thu hái vào năm thứ nhất của thời kỳ sinh trưởng hoặc vào cuối mùa hoa. Khi cây trổ hoa, hàm lượng hoạt chất giảm, vì vậy, thường hái lá trước khi cây ra hoa. Có tài liệu nêu là nên thu hái lá còn non vào lúc cây chưa ra hoa. Ở Đà Lạt, nhân dân thu hái lá vào thời kỳ trước tết Âm lịch 1 tháng.

Theo đông y, lá cây Atisô có vị đắng, có tác dụng lợi tiểu và được dùng đề điều trị bệnh phù và thấp khớp. Ngoài việc dùng đế cụm hoa và lá để ăn, Atisô còn được dùng làm thuốc thông tiểu tiện, thông mật, chữa các bệnh suy gan thận, viêm thận cấp và mạn tính, sưng khớp xương. Người ta còn dùng thân và rễ Atisô thái mỏng, phơi khô, công dụng như lá. Bông Atisô khi nấu chín có tác dụng bổ dưỡng tăng lực, kích thích tiêu hóa làm ngon miệng, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, chống độc, tăng tiết sữa cho sản phụ (khi hầm với chân giò).

Bộ phận dùng là lá tươi hoặc khô, bông Atisô: đem sắc hoặc nấu cao lỏng, với liều 2 - 10g lá khô một ngày, có khi chế thành cao mềm hay cao khô đề bào chế thuốc viên, thuốc tiêm dưới da hay tĩnh mạch. Có thể chế thành dạng cao lỏng đặc biệt dùng dưới hình thức giọt.

Ứng dụng điều trị:

Điều trị bệnh phù và thấp khớp: Lá tươi hoặc khô sắc hoặc nấu thành cao chữa bệnh về gan (gan viêm mạn, da vàng), thận viêm cấp và mạn, sưng khớp xương. Thuốc có tác dụng nhuận trường và lọc máu nhẹ đối với trẻ em.

Dùng trong các trường hợp đau gan, đau dạ dày, ăn uống không tiêu, sản phụ ít sữa, đái tháo đường thống phong, thấp khớp, suy nhược cơ thể: Hoa cây atisô sắc nước uống dùng tươi hoặc khô (10 - 20g nước sắc nếu dùng tươi, 5 - 10g nếu dùng khô)

Lưu ý: nếu ăn và uống quá mức sẽ có những biến chứng phụ do Atisô gây ra như hại gan, co thắt cơ trơn của hệ tiêu hóa, trướng bụng, cơ thể mệt mỏi.

Liều dùng: một ngày chỉ nên dùng10 - 20g sắc với nước nếu dùng tươi, 5 - 10g nếu dùng khô. Với loại trà đóng gói cũng chỉ nên uống 2 - 3 túi mỗi ngày.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""