Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao. Riêng đối với dược liệu, nước ta đã có những thời kỳ thành công trong sự nghiệp nuôi trồng, khai thác, chế biến, sản xuất, kinh doanh dược liệu.
Đó là từ sau khi được bàn giao từ Bộ Nội thương sang Bộ Y tế (1961), trong thời kỳ bao cấp đến khoảng năm 1975 khi mà cơ quan QLNN và hệ thống nhà nước cung ứng dược liệu (từ tổ chức Quốc doanh Dược liệu Trung ương và Quốc doanh Dược liệu các tỉnh đến Cục Phân phối Dược phẩm, Liên hiệp các xí nghiệp Dược Việt Nam) đã cùng nhau hiệp lực triển khai mạnh công tác nuôi trồng, khai thác, chế biến, sản xuất, kinh doanh dược liệu. Lúc đó, nước ta đã có một thị trường với những dược liệu và sản phẩm từ dược liệu sản xuất trong nước và nhập khẩu có chất lượng, được kiểm soát tốt.
Từ khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, hệ thống trên đã thay đổi cả về nội dung Quản lý nhà nước và hệ thống cung ứng dược liệu. Bộ Y tế thì tập trung chủ yếu vào công tác thuốc Nam tại xã. Công tác dược liệu chuyển sang vận hành theo kinh tế thị trường với tính tự chủ ngày càng tăng của các doanh nghiệp (không chỉ sở hữu nhà nước như trước mà cả sở hữu tư nhân, cổ phần). Thị trường dược liệu trở nên phức tạp. Đến nay, sau nhiều năm, sự chuyển đổi đó dẫn đến hệ lụy là từ một nước có khả năng xuất khẩu dược liệu và thành phẩm từ dược liệu (như Cao Sao vàng, tinh dầu…) trước đây, nay phải nhập siêu dược liệu tới 80-90% nhu cầu sử dụng trong nước và bất cập trong quản lý chất lượng thị trường dược liệu, đe dọa sự an toàn cho người sử dụng.
Trước thực trạng bức bách đó, ngày 30/5/2010, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu và sản phẩm quốc gia với sự chủ trì và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Hội nghị đã phân tích và đi đến nhận định là thị trường dược liệu chính là yếu tố quyết định sự nghiệp phát triển dược liệu. Vì vậy, điều cần thiết là toàn ngành dược liệu phải tập trung hành động cho mục tiêu xây dựng được một thị trường lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển. Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 164/TB-VPCP ngày 16/6/2010 Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Phát triển Dược liệu và Sản phẩm thuốc quốc gia năm 2010 và Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký công văn số 886/KH-BYT ngày 29/10/2010 về Kế hoạch triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng trong công văn trên của Văn phòng Chính phủ. Chuyển đổi một thị trường từ bất cập sang từng bước quản lý được nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển là một công việc rất phức tạp đòi hỏi phải có sự chuyển đổi mạnh của cả cơ quan Quản lý Nhà nước và tổ chức Hội nghề nghiệp– Hội Dược liệu Việt Nam và xây dựng được nội dung, cơ chế phối hợp hành động chặt chẽ giữa 2 đơn vị này. Đây là một đòi hỏi có tính nguyên tắc khi nghiên cứu phương thức tổ chức quản lý trong cơ chế thị trường ở bất cứ ngành nghề sản xuất kinh doanh nào trong nước và trên thế giới.
Hội Dược liệu Việt Nam được thành lập năm 1999, xuất phát từ mong ước của nhiều cá nhân, tổ chức tâm huyết muốn phát triển công tác dược liệu Việt Nam do GSTS Đỗ Tất Lợi làm Chủ tịch. Đến nay, Hội đã làm được một số việc: xây dựng được tạp chí Cây Thuốc Quý, cơ quan ngôn luận của Hội hoạt động 12 năm đến nay, đã xuất bản trên 200 số với tần suất mỗi tháng 2 kỳ, phát hành toàn quốc đóng góp nhiều cho việc tuyên truyền, quảng bá các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dược liệu, YHCT, quan điểm và hoạt động của Hội Dược liệu Việt Nam, tạo kênh thông tin cập nhật gắn kết Ban Chấp hành, các tổ chức Hội địa phương và những cá nhân tham gia Hội cũng như bạn đọc cả nước; Một số hoạt động khác như công tác tư vấn, chủ yếu cho Bộ Y tế đã được triển khai trong lĩnh vực Dược liệu, Y Dược học cổ truyền; thử nghiệm xây dựng vùng trồng dược liệu sạch theo mô hình Đề án Dòng sản phẩm Dược liệu Việt (HERBA-V)…Tuy nhiên, thời gian qua cũng cho thấy những yếu kém của Hội. Đó là Hội chưa sẵn sàng và chưa có đủ năng lực đối mặt với những vấn đề của thị trường, một lĩnh vực không thể bỏ qua được đối với một tổ chức xã hội nghề nghiêp; Hội chưa làm được vai trò liên kết giữa Hội và các Hội viên, nhất là các Doanh nghiệp vì sự phát triển của Doanh nghiệp, Hội và ngành dược liệu….
Theo yêu cầu của công văn số 2448/BNV-TCPCP ngày 5/7/2012 của Bộ Nội vụ, Hội Dược liệu Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị tốt việc tổ chức Đại hội Nhiệm kỳ 2 của Hội. Đây là dịp để đánh giá lại hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 1 và xây dựng Hội với một Ban Chấp hành năng động, đủ năng lực thực hiện được những nhiệm vụ phát triển chính trị, chuyên ngành mang tính đột phá, đổi mới, cập nhật được yêu cầu công tác dược liệu, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và tạo được tác động xã hội mạnh mẽ cho hoạt động Hội và Ngành. Cụ thể là:
1. Xây dựng chính sách phát triển Ngành và phát triển Hội. Đây là nhiệm vụ đảm bảo tính đột phá của Hội, gắn liền hoạt động của Hội với những yêu cầu cấp bách hiện nay của Nhà nước cho sự chấn hưng ngành dược liệu và từ đó mà xây dựng Hội.
2. Kiến tạo chuỗi cung ứng dược liệu và thành phẩm từ dược liệu. Nhiệm vụ này đem đến cho Hội sự đổi mới trong cách tổ chức sản xuất, phát triển thị trường ngành dược liệu trong nước và hội nhập. Đây là cách thể hiện vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp ngành dược liệu và thu hút được sự tham gia của các Doanh nghiệp trong và ngoài Hội với sự nghiệp sản xuất kinh doanh chung của ngành dược liệu và sự phát triển của bản thân Doanh nghiệp mình.
3. Dược liệu và y học cổ truyền. Nhiệm vụ này cập nhật được yêu cầu dược liệu hiện nay (chiếm hơn 30% tổng số dược liệu sử dụng trong nước) cho hệ thống khám chữa bệnh YHCT, cụ thể là tham gia thực hiện Chỉ thị 03/BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế tăng cường quản lý cung ứng, sử dụng dược liệu trong các cơ sở khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền, phục hồi được việc trồng, sử dụng thuốc Nam.
4. Thông tin, truyền thông. Nhiệm vụ này là rất cần thiết đối với một tổ chức xã hội nghề nghiệp để hoạt động có hiệu quả xã hội cao, tạo được tác động mạnh đến cộng đồng làm chuyển đổi nhận thức, hành vi, đấu tranh với những trở ngại, lộn xộn trên thị trường và quảng bá những yếu tố mới, tích cực cho sự phát triển của thị trường.
5. Phát triển tổ chức Hội, công tác Hội viên, thi đua khen thưởng tạo cơ sở cho sự vững mạnh của tổ chức xã hội nghề nghiệp và đem lại sức sống mới vượt qua những thách thức và hoàn thành hiệu quả những nhiệm vụ của mình. Thực hiện những nhiệm vụ trên là một thách thức đối với Hội Dược liệu Việt Nam trong nhiệm kỳ mới. Vì vậy, với tư cách là một bộ phận cấu thành
của thể chế chính trị, là cánh tay nối dài của Nhà nước trong chỉ đạo hoạt động đổi mới tổ chức sản xuất, phát triển thị trường ngành Dược liệu, Hội Dược liệu Việt Nam sẽ có những đề xuất với Nhà nước mà cụ thể là Bộ Y tế một chính sách chiến lược hỗ trợ tổ chức xã hội nghề nghiệp ngành Dược liệu – Hội Dược liệu Việt Nam và trước mắt là hỗ trợ để Hội Dược liệu Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2 thành công tốt đẹp, đạt được mục tiêu và nhiệm vụ đề ra.
CTQ 218