TINH HOA XANH

Cụ Tạ Quang Chiến - Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc

 

Cụ Tạ Quang Chiến thấm mãi tấm gương lớn của Bác Hồ:

Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc

Anh thanh niên Nguyễn Hữu Văn có vinh dự được Bác Hồ đặt tên Tạ Quang Chiến ngày nào, nay đã bước vào tuổi 95, nhưng còn rất minh mẫn. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau là thêm một lần cụ kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, nhưng không phải những chuyện cao xa, mà chỉ bằng những câu chuyện rất bình thường, ví như việc tập thể dục, rèn luyện sức khỏe hằng ngày của Bác.

Đồng chí Tạ Quang Chiến được tổ chức tuyền chọn từ một đội viên Đội tự vệ chiến đấu Thành Hoàng Diệu, đơn vị vũ trang đặc biệt trực thuộc Thành ủy Hà Nội trước Cách mạng Tháng tám 1945, vào Đội Cận vệ phục vụ Bác Hồ ở chiến khu ATK – Việt Bắc. Ngay từ ngày đầu gặp Bác, các đồng chí trong Đội Cận vệ bỗng thấy sức mạnh trong người mình được nhân lên cả về tinh thần lẫn cơ bắp. Bởi, tất cả mọi cử chỉ, việc làm, lời nói của Bác đều tỏa sáng một tấm gương đạo đức vô cùng sâu sắc. Một vinh dự lớn lao chưa bao giờ dám nghĩ tới, nhưng cả 8 đồng chí trong Đội Cận vệ đều không bất ngờ khi Bác đặt tên mới cho mình “Trường- Kỳ - Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi”. Bác không nói vì sao bác đặt tên mới cho các đồng chí nhưng cả Đội đều thấm sâu vào tim óc của mình về ý nghĩa đặc biệt, làm phương châm sống, chiến đấu, đòi hỏi đoàn kết gắn bó như anh em ruột thịt trong nhà, giúp nhau tu dưỡng rèn luyện, sẵn sàng xả thân hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao và giác ngộ lý tưởng cách mạng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp kháng chiến cứu nước, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, mang lại hạnh phúc lâu dài cho nhân dân. Sự kiện đó làm cho suốt đời cụ Chiến không bao giờ phai mờ trong tâm trí, nên cụ nguyện cố gắng nêu lên những tấm gương sáng mà vinh dự được Bác Hồ dạy bảo để con cháu noi theo.

Một trong những tấm gương rất bình dị nhưng ẩn chứa cả một đạo đức lớn lao, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp “Trồng người” của Bác Hồ đã soi sáng để cụ Chiến có được cuộc đời khỏe mạnh cả về thân thể lẫn tinh thần đạt tới mức thượng thọ trên 95. Đó là lời kêu gọi và cũng là tấm gương hành động hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Rèn luyện thân thể, khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”… “Tập thể dục, nâng cao sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước… Dân có khỏe mạnh, nước mới hùng cường… Việc tập luyện không tốn kém, khó khăn gì, mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ… Rèn luyện thân thể còn để chữa bệnh, chữa bệnh khi chưa bệnh… Tự tôi ngày nào cũng tập”…

Theo cụ Chiến, chỉ riêng một việc hằng ngày phải năng tập thể dục, rèn luyện sức khỏe đó thôi, cũng đủ thấy ở một lãnh tụ cách mạng nêu lên tấm gương sáng về “nói đi đôi với làm”“làm bất cứ việc gì, từ nhỏ đến to, cũng đều lo cho dân nước”. Bác thường nhắc nhở anh em: Tập thể dục trực tiếp là nâng cao sức khỏe bản thân nhưng mục tiêu cao nhất là để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ Chiến còn kể thời kỳ đầu Bác ở Pác Bó, cửa hang hẹp, chung quanh toàn đá tai mèo lởm chởm không có chỗ tập, Bác tự đi xúc đất đem về đắp một nền rộng bằng chiếc chiểu để sáng, chiều ra hít thở, vận động tay chân. Bác đẵn cây, chặt khúc, đẽo gọt thành những chiếc chày to nhỏ làm tạ tập. Còn những ngày trưa hè nóng bức, nhiều người chịu không nổi, Bác nghĩ cách đội mũ ra giữa trời nắng đi đi lại lại ít phút, rồi vào lán, anh em làm theo hóa ra là cơ thể chịu nhiệt ngoài nắng đang cao, vào râm mát hẳn ai cũng chợp mắt nghỉ trưa được một lát. Còn khi giữa đông giá buốt, tay chân lạnh cóng, Bác bày anh em chuẩn bị vào khúc gỗ tươi “sưởi ấm”. Chưa ai hiểu sao, Bác chỉ cho cách chặt, đẽo từng mẩu gỗ tròn như quả bóng, khá nặng rồi ôm lấy, hai tay xoay, nâng lên hạ xuống, tiến lui một lúc vã mồ hôi, hết rét. Còn bây giờ, nhiều người chúng ta vào thăm bảo tàng Hồ Chí Minh không khỏi xúc động rơi nước mắt khi đọc bức thư của Bác Hồ gửi Bộ Chính trị ngày 10 – 3 – 1968, tức là năm Bác Hồ đã 78 tuổi và chỉ một năm trước khi qua đời: “Bác đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác được vào miền Nam thăm đồng bào và chiến sĩ. Bác vẫn cố tập luyện đôi chân… vì Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà!”.

Cũng chính từ yêu cầu của chiến lược trồng người, năm 1953 trong khi ráo riết mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã chủ trương phát triển mạnh mẽ lực lượng thanh niên xung phong, đặc biệt kiện toàn, củng cố một số “Đội TNXP kiểu mẫu” nhằm phục vụ thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ và đảm nhiệm một nhiệm vụ đặc biệt là phục vụ và bảo vệ các cơ quan đầu não – Thủ đô Kháng chiến – ATK Việt Bắc. Và, Bác giao đồng chí Tạ Quang Chiến làm Đội trưởng Đội TNXP 36 – Kiểu mẫu. Một trong những nội dung giáo dục cho đội viên là thấm nhuần sâu sắc lời dạy trong bốn câu thơ lịch sử của Bác tặng TNXP:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

Trong đó có một nội dung rất quan trọng là muốn có ý chí, nghị lực vượt qua mọi gian lao, khốc liệt của chiến tranh thì phải có sức khỏe, mà muốn có sức khỏe thì phải thường xuyên rèn luyện thân thể… Cụ Tạ Quang Chiến được trực tiếp giúp việc Bác Hồ nên thấu hiểu ý tưởng vĩ đại của Bác Hồ trong việc chủ trương sáng lập lực lượng TNXP, và Bác chọn đơn vị TNXP đầu tiên đang làm nhiệm vụ tại khu rừng Cầu Nà Cù, Bắc Cạn để đến thăm và đọc tặng bốn câu thơ lịch sử. Ý tưởng của Bác, trước mắt là nhằm phát huy “sức mạnh dời non lấp biển” của thanh niên phục vụ thắng lợi cuộc kháng chiến cứu nước, về lâu dài là nhằm đào tạo rèn luyện một lớp người mới, một đội ngũ cán bộ có phẩm chất cách mạng “vừa hồng vừa chuyên” phục vụ công cuộc chấn hưng nước nhà sau ngày kháng chiến thành công. Và cũng vì vậy mà “Rèn luyện thân thể, khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” phải thường xuyên đặt vào vị trí trung tâm của nội dung giáo dục thanh niên.

Cũng với nội dung rất quan trọng này, mà khi lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước ra đời, cụ Tạ Quang Chiến được giao chức vụ Bí thư Trung ương Đoàn phụ trách lực lượng TNXP. Tiếp sau, cụ được cử làm Tổng Cục trưởng Tổng Cục thể dục thể thao, nên lời dạy của Bác Hồ về “Rèn luyện thân thể, khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” lúc nào cụ Chiến cũng nêu gương cho thanh niên. Cụ thương nhắc con cháu lời Bác Hồ dạy: “Sống lâu không tại số trời, người mà biết sống là người sống lâu”. Để thực hiện được “người biết sống” như lời khuyên và cũng là tấm gương sống của Bác Hồ, điều quan trọng là phải gắn quyện “Tu tâm với luyện thân” ngay từ lúc trẻ cho đến giai đoạn cuối đời. Nhờ vậy, mà đến nay dù tuổi đã sắp vào thập niên trí tuệ của cụ Chiến vẫn còn rất minh mẫn, bảo đảm giữ vững lòng tin và lòng trung thành tuyệt đối và lý tưởng cách mạng và con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.

Nguyễn Anh Liên 

CTQ số 294

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""