Nếu như đã đọc bài trước (Lịch sử hình thành, phát triển cả 1000 năm cùng những điều đặc biệt của một ngôi làng độc nhất vô nhị ở Việt Nam), quý vị sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị về làng nghề thuốc Nam độc nhất vô nhị ở Việt Nam với cả 1000 năm lịch sử cùng những giá trị vô giá mà làng nghề đem lại cho nền Y học cổ truyền (YHCT) nước nhà, cho những người bệnh và cho cộng đồng dân cư nơi đây.
Tuy nhiên, nguy cơ ngôi làng quý này sẽ trở thành... khu đô thị mới là hiện hữu và đang được diễn ra. Những tưởng một làng nghề cổ (đã được tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề Dược liệu truyền thống) đang hoạt động rất hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội có thể được lưu giữ muôn đời để trở thành một trong những “Di sản quý cần bảo tồn và phát triển của Việt Nam“...Người dân nơi đây rất băn khoăn, trăn trở trước tương lai sau khi bị thu hồi đất quý trồng Dược liệu:
- Cái tên “làng nghề Dược liệu Nghĩa Trai” gắn bó bao đời người dân, trải dài lịch sử Việt Nam, nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc và gần đây là cả Việt kiều, các khách du lịch ngoại quốc cũng biết tiếng để đến tận nơi tham quan, mua sản phẩm Cúc vàng...rồi sẽ ra sao?
- Sẽ mai một hoặc mất đi nghề truyền thống mà tổ tiên để lại cùng những kinh nghiệm vô cùng quý giá trong việc canh tác, thu hoạch, chế biến và sử dụng thuốc Nam.
- Những đặc sản giá trị cao của làng nghề như Cúc hoa vàng sẽ không còn có được chất lượng tốt như hiện nay khi trồng ở nơi khác.
- Sinh kế lâu dài của các hộ gia đình sẽ như thế nào khi cả đời họ gắn bó với cây thuốc, với đồng ruộng. Nhiều người ở lứa tuổi trung niên trở lên, không có khả năng lao động ở những môi trường mới, công việc khác.
Chúng tôi tham gia công tác về Dược liệu nhiều năm, đã đọc và tham quan nhiều mô hình bảo tồn, phát triển Dược liệu ở nhiều nước trên Thế giới nên nhận thấy Nghĩa Trai vô cùng quý giá bởi:
- Đây chính là một nơi rất có giá trị trong việc Bảo tồn và Phát triển Dược liệu cũng như những kinh nghiệm quý truyền đời trong việc sử dụng thuốc Nam. Điều này rất phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong việc phát triển các làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm, động viên phát triển Dược liệu trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu....Nghĩa Trai chứa đựng một bảo tàng sống về Dược liệu, kinh nghiệm dân gian sử dụng cây thuốc.
- Trong khi nhiều cơ sở bảo tồn được đầu tư đang gặp nhiều khó khăn, ngày càng thu hẹp hoạt động hoặc phải đóng cửa thì Nghĩa Trai đang nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh rất tốt. Đơn cử như sản phẩm Cúc hoa vàng rất nổi tiếng, được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng, đem lại giá trị kinh tế rất cao cho người trồng, người kinh doanh và không đủ để cung cấp đại trà ra thị trường.
- Dự án OCOP (mỗi làng/cộng đồng 1 sản phẩm) đang được triển khai ở nhiều nơi, phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tài chính để mỗi nơi có được 1 sản phẩm và tiếp sau đó phải PR, marketing, xây dựng hệ thống phân phối để sản phẩm được biết và đến được tới tay người tiêu dùng. Thì ngay những làng nghề như Nghĩa Trai đã có sẵn những sản phẩm rất có giá trị, được đông đảo người tiêu dùng biết tới. Thậm chí, từ Nghĩa Trai còn có thể hợp tác với nhiều địa phương trên cả nước để triển khai nuôi trồng, chế biến, kinh doanh Dược liệu.
- Để thu hút khách du lịch, nhiều nơi ở Việt Nam cũng như trên Thế giới đã phải đầu tư rất nhiều tiền, thời gian, công sức như việc xây dựng các công trình, tạo cảnh quan, PR rầm rộ ...Những địa danh càng cổ, có những đặc sản không đâu/ít nơi có được thì càng quý. Hiện nay, làng nghề Nghĩa Trai đã được người dân cả nước biết đến nhiều qua mỗi vụ thu hoạch Cúc. Người người từ khắp nơi đến tham quan, quay phim, chụp ảnh và mua sản phẩm. Họ vừa là khách hàng mà vừa là những người quảng bá hình ảnh của Nghĩa Trai một cách chân thực, đầy sức thuyết phục đi khắp cả nước và ra Thế giới. Và chắc chắn du khách sẽ tìm hiểu thêm về Hưng Yên, Hà Nội, Việt Nam...Không cần đầu tư nhưng đã có thể thu thêm được nguồn lợi ngoài Dược liệu. Thêm vào đó, du lịch còn hỗ trợ rất nhiều cho việc quảng bá, kinh doanh Dược liệu của Nghĩa Trai.
- Hiện nay, chủ trương đẩy mạnh nuôi trồng Dược liệu để tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước cũng như tạo công ăn việc làm tại địa phương, tận dụng nguồn tài nguyên đất bị bỏ hoang, phủ xanh đất trống đồi trọc...đang được các địa phương, các doanh nghiệp hưởng ứng. Tuy nhiên, chưa nơi nào trồng Dược liệu được lâu năm, trồng đa dạng và có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng, chế biến, sử dụng thuốc Nam như ở làng nghề Dược liệu Nghĩa Trai. Có thể nói, Nghĩa Trai giống như một mô hình để các nơi lấy đó làm “động lực” thực hiện các chủ trương nêu trên hoặc học hỏi, cùng bắt tay hợp tác để phát triển Dược liệu tại các địa phương khác.
- Nghĩa Trai là một “dấu gạch nối” giữa quá khứ cả 1000 năm và tương lai trong việc nuôi trồng, chế biến, kinh doanh phát triển thuốc Nam. Đó không chỉ là công việc, là sản phẩm mà là văn hóa và những giá trị lịch sử.
Trước thực trạng cùng bao tâm tư, nguyện vọng của người dân và những góc nhìn về giá trị của một làng nghề Dược liệu cổ độc nhất vô nhị còn xót lại ở Việt Nam, các bên cần cùng đối thoại để tìm ra những giải pháp hiệu quả cho một Nghĩa Trai phát triển hài hòa, giá trị hơn. Chẳng hạn như một khu đô thị sinh thái làng nghề cổ truyền thống vẫn mang tên Nghĩa Trai vừa có quy hoach tổng thể hiện đại, văn minh, tiện nghi, môi trường xanh sạch, gần gũi thiên nhiên lại vừa có khu Bảo tàng làng nghề, khu đất xanh của khu sinh thái để những người trung và cao niên nhiều kinh nghiệm, ít sức lao động có thể tham gia trồng cây Dược liệu vừa để tạo cảnh quan, giữ nghề, vừa có thu nhập ổn định lúc tuổi già. Nếu được như vậy thì giá trị của khu đô thị sẽ càng được nâng cao, sẽ tạo điểm nhấn vô cùng đặc biệt và giá trị “nghìn năm có một” vì thương hiệu Nghĩa Trai đã rất nổi tiếng, không cần phải PR nhiều mà khách mua nhà, khách tham quan đã biết tới và rất khao khát được tận hưởng không gian độc nhất vô nhị nơi đây.
Hà Việt Thế
Nguồn tham khảo: Từ khóa “Khu đô thị Đại An Hưng Yên” trên Google