TINH HOA XANH

Trời đất bốn mùa ảnh hưởng đến sức khỏe con người

 Đông y cho rằng: “Con người là một sinh vật trong tự nhiên, luôn luôn tiếp xúc với hoàn cảnh tự nhiên, cho nên con người không thể tách rời tự nhiên. Nó còn ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của con người. “Trời” và “Đất” là đại biểu của tự nhiên”.

Học thuyết “ Sinh khí thông thiên luận sách Tố vấn” lại nói rằng: “Trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết nhân sự, thì có thể tồn tại được lâu dài”. Và cho rằng: “ Điều dưỡng thân thể mà không theo vào lẽ của tự nhiên thì tật bệnh sẽ phát sinh”.

Người xưa nói: “Loài người sống trên quả đất. Quả đất ở giữa khoảng không, không dựa vào đâu, mà nhờ sức của đại khí trong vũ trụ nâng đỡ nó để tồn tại. Mọi sự vật trong trời đất luôn luôn biến hóa, khí của trời luôn luôn giáng xuống, thấu đến đất. Khí của đất bốc lên thấu tận trời. Một khí đưa lên một khí giáng xuống, làm nhân quả lẫn nhau mà sinh ra biến hóa, gọi là Giao khí”. Con người sinh ra, hoạt động và tồn tại trong khoảng “giao khí” đó. Sự biến hóa của khí âm và khí dương trong trời đất không phải là trừu tượng, mà là cơ sở vật chất.

Trong thiên nguyên kỷ đại luận sách Tố vấn cho rằng: “ trời là phong, đất là mộc. Trời là nhiệt, đất là hỏa. Trời là thấp, đất là thổ. Trời là táo, đất là kim. Trời là hàn, đất là thủy. Cho nên khí của trời, hình của đất, hóa sinh lẫn nhau mà sinh ra vạn vật”. Lại nói: “ Hàn, thử, táo, thấp, phong, hỏa là âm dương của trời. Ba khí âm, ba khí dương ấy. Cảm ứng với sáu khí: Mộc, hỏa, thổ, kim, thủy của đất. Trong điều kiện hình với khí cảm ứng lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, mà phát sinh ra sự biến hóa, qua sự biến hóa ấy mà sinh ra vạn vật”. Sau khi sản sinh ra vạn vật, lại tiếp tục biến hóa để sinh ra qui luật: Sinh, trưởng, hóa, thu, tàng. Sự biến hóa ấy luôn luôn tương ứng với sự biến hóa của âm dương trời đất. Qua đó chúng ta thấy sự biến hóa của tự nhiên và sự biến hóa phát sinh phát triển của vạn vật, không tách rời sự biến hóa, mâu thuẫn, thống nhất của âm dương.

Như vậy sự sinh tồn, phát triển của mọi sinh vật đều trực tiếp chịu ảnh hưởng khách quan đó. Con người cũng không ngoài qui luật ấy. Người xưa cho rằng: “Trong trời, đất có đầy đủ vạn vật, nhưng không gì quí bằng con người. Người sống nhờ khí của trời đất, và tinh khí của mọi thức ăn đồ uống trong tự nhiên mà sinh tồn, theo qui luật Sinh, trưởng, thu, tàng, của bốn mùa mà trưởng thành, già yếu, bệnh tật và tử vong”. Người đời sau dựa vào đó mà đặt ra qui luật “Sinh, lão, bệnh, tử”.

 

troi-dat-bon-mua-anh-huong-den-suc-khoe-con-nguoi-2

     

    Sự biến hóa khí hậu của bốn mùa ảnh hưởng đến con người như thế nào?

    Tứ thời là xuân, hạ, thu, đông. Mỗi thời có khí hậu riêng của mình: Mùa xuân ấm, mùa hạ nóng, mùa thu mát, mùa đông lạnh. Nhưng trên thực tế chỉ có ấm và nóng thuộc dương khí. Mát và lạnh thuộc âm khí. Như vậy mùa xuân, mùa hạ thuộc dương. Mùa thu mùa đông thuộc âm. Nhưng sự nóng lạnh không thể tách rời nhau, theo qui luật tự nhiên trong dương có âm, trong âm có dương. Rồi đối với thời gian, địa điểm cũng không giống nhau. cho nên mỗi loại sinh trưởng và tàn lụi cũng không giống nhau. Đối với thực vật thì mùa xuân ấm áp nên nảy mầm, mùa hạ sinh trưởng tươi tốt, mùa thu dần dần thu lại, mùa đông thì tàn lụi. Đó là nói cái chung còn tùy theo từng vùng khí hậu. Ở xứ nhiệt đới gió mùa như nước ta thì mùa thu vẫn có sinh mùa hạ vẫn có tàn. Đối với con người cũng chia thành mấy giai đoạn: Sinh ra, trưởng thành, lớn mạnh, già yếu, tử vong.

    Đó là qui trình tất yếu của một sinh vật. Sự biến hóa của âm dương bốn mùa là nguồn gốc của sinh, trưởng, suy, lão, tử vong của vạn vật, chứ không riêng gì của loài người. Nếu trái với sự biến hóa ấy thì sẽ sinh ra tai nạn, bệnh tật. Theo đúng sự biến hóa ấy thì bệnh tật không sinh ra. Người xưa dựa vào qui luật ấy để đề phòng bệnh tật. Để tìm ra qui luật biến hóa ấy, người xưa phải quan sát rất  lâu dài có khi phải hàng trăm năm. Phân tích qui nạp những nhân tố ấy không có gì khác là: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa. Khi không khí giao động là phong, nhiệt độ xuống thấp là hàn. Độ nóng lên cao là nhiệt, thấp độ tăng lên là thấp, ôn độ giảm xuống là táo. Khi thử và nhiệt tăng lên một mức cao hơn sẽ hóa thành hỏa.

    Trong thực tiễn phong, hàn, thử, thấp, táo trong một số điều kiện nào đó cũng có thể hóa thành hỏa. Sự biến hóa của lục khí trong vũ trụ đều mang một ý nghĩa khác nhau: Táo để cho khô, thử để bốc lên, phong để chuyển động, thấp để nhuận, hàn để cứng, hỏa để ấm. Lục khí là sự biến hóa của khí hậu sinh ra, nhưng nó luôn luôn điều tiết sự chênh lệch lẫn nhau để không làm cho thái quá. Trong  sự biến hóa bình thường là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển  và sinh trưởng của con người và vạn vật. Nhưng trong thực tế mỗi sinh vật phải luôn luôn điều tiết để phù hợp với lục khí, nhất là khi có sự biến đổi đột ngột.

     

    troi-dat-bon-mua-anh-huong-den-suc-khoe-con-nguoi-3

     

    Với lục khí, đó là qui luật bình thường, để làm bình yên cuộc sống của vạn vật trên trái đất, trong đó có loài người. Nhưng mọi qui luật có bình thường thì có biến, có thuận thì tất nhiên có nghịch. Sự biến hóa trái thường thì không tốt đối với sự sống của vạn vật. Người xưa cho rằng: “ Phong khí sinh ra vạn vật nhưng cũng có thể làm hại vạn vật”. Như nước làm nổi thuyền nhưng cũng có thể làm lật thuyền, sự biến hóa khác thường của khí hậu người xưa gọi là “khí lục dâm”. Khí này đến bất cập quá, điều tiết không kịp làm đảo lộn sự sống của con người như lụt lội, hạn hán, bệnh tật đó là những thay đổi bất cập của khí hậu bốn mùa để con người và vạn vật sinh ra bệnh tật, và tử vong.

    TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""