TINH HOA XANH

Tiềm năng dược liệu tỉnh Quảng Nam

Tiềm năng dược liệu tỉnh Quảng Nam



Sâm ngọc linh
Nằm giữa khu vực miền Trung về phía Đông của dãy Trường Sơn, tỉnh Quảng Nam có thảm thực vật phong phú, đa dạng trong đó có nhiều cây và con được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Theo kết quả điều tra của ngành Y tế và Sở Khoa học Công nghệ Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh đã có trên 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật và 142 loài, 97 họ động vật làm thuốc (chưa kể khoáng vật). Trong số các loài, chi, họ thực vật làm thuốc có Đảng sâm, Quế Trà My, Ngũ gia bì, Thiên niên kiện, Thạch xương bồ, Chè dây, Câu đằng, Cốt toái bổ, Cẩu tích, Thổ phục linh, Sơn tra, Dạ cẩm, Tang bạch bì, Hoài sơn, Vông nem, Xích đồng nam, Nga truật, Uất kim, Sinh khương, Lương khương, Thảo quyết minh, Sa nhân, Sài hồ, Nha đàm tử… Một số cây thuốc còn là nguồn cung cấp nguyên liệu bán thành phẩm trong sản xuất công nghiệp dược như Vàng đắng chiết xuất berberin, củ Bình vôi chiết xuất rontundin... ở vùng núi cao từ 1300m trở lên so với mặt biển có rất nhiều cây thuốc quý như Ngũ vị tử, Ba kích, Xuyên khung, Nữ lang, Chua chát, Cỏ nhung, nấm Linh chi, Tục đoạn, Đương quy, Huyền sâm, Bảy lá một hoa, Vân mộc hương, cây Dầu nóng… Đặc biệt ở vùng này còn có cây sâm Ngọc Linh (sâm K5, sâm đốt trúc) - cây thuốc quý của Việt Nam và quốc tế.
Trong số dược liệu được sử dụng làm thuốc, một số cây có tinh dầu, vitamin và các nguyên tố vi lượng – những yếu tố có vai trò quan trọng trong công nghệ chế biến hương liệu, hoá mỹ phẩm các loại.
Hiện nay, nhu cầu chữa bệnh bằng thảo dược ở nước ta cũng như các nước trên thế giới ngày một tăng. Theo ước tính của WWF (Quỹ Thiên nhiên thế giới), có khoảng 250.000 loài cây được sử dụng vào mục đích chữa bệnh. Theo WHO (Tổ chức Y tế thế giới), có tới 80% dân số thế giới hưởng ứng việc chăm sóc sức khoẻ bằng các thuốc được bào chế từ thảo dược bởi nó không có hoặc có rất ít tác dụng không mong muốn. ở nước ta có gần 300 cơ sở sản xuất dược liệu và thuốc đông dược với gần 2800 mặt hàng thuốc có nguồn gốc từ thảo dược được Bộ Y tế cấp phép sản xuất lưu hành. Hàng năm, nước ta sử dụng khoảng 50.000 tấn dược liệu làm thuốc. Trong “Danh mục Thuốc thiết yếu Việt Nam” ban hành năm 2005 có 94 thuốc thành phẩm và 215 vị thuốc từ dược liệu và 60 cây thuốc, trong đó số cây thuốc, vị thuốc có tại Quảng Nam chiếm gần 60%.
Tiềm năng dược liệu của tỉnh Quảng Nam rất phong phú và đa dạng. Chúng ta cần phải quản lý, bảo tồn, phát triển, khai thác và tái sinh thành từng vùng nguyên liệu góp phần thực hiện chiến lược bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2020 và chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam. Mặt khác, bảo tồn, phát triển cây, con làm thuốc còn là bảo vệ rừng đầu nguồn và môi trường sinh thái cho Quảng Nam nói riêng và cho nhân loại nói chung.

Đặng Ngọc Phái (CTQ số 72)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""