TINH HOA XANH

Phụ nữ mắc chứng trầm cảm dễ bị béo phì

Phụ nữ mắc chứng trầm cảm dễ bị béo phì

Thừa cân, u uất, béo phì, trầm cảm… stress và béo phì là hai người bạn đồng hành trong xã hội hiện đại. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Pháp đã làm rõ mối liên quan giữa hai hiện tượng này. Các kết quả cho thấy chứng trầm cảm dễ làm cho phụ nữ bị béo phì, nhưng lại không có hậu quả tương tự đối với cánh đàn ông.

 

 

Hội nghị toàn cầu về chứng béo phì họp tại Sao Paulo, đã quy tụ các chuyên gia từ nhiều nước trên thế giới. Tại hội nghị này, các nghiên cứu của Pháp đã gây sự chú ý cao. Đề tài nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng mang tên Fleurbaix Laventie Ville Santé (sức khoẻ của thành phố Fleurbaix và Laventie), được coi là hết sức độc đáo.

Một phòng thí nghiệm ngoài trời

Từ mười năm nay, dân cư hai thành phố phía bắc nước Pháp là Fleurbaix và Laventie đã tham gia vào một nghiên cứu mang tính cộng đồng. Đây là hai thành phố nằm trong một khu vực có tỷ lệ dân mắc bệnh béo phì và thừa cân đặc biệt cao. Đề tài nghiên cứu có sự góp mặt của nhiều bác sỹ, nhà khoa học, chính khách, giáo viên… Tổng cộng có tới 6.666 người tham gia. Công trình chia làm ba giai đoạn:

- 1992 – 1997: Đánh giá chế độ dinh dưỡng trong nhà trường, các thay đổi về thói quen ăn uống ở trẻ em và gia đình của chúng.

- 1998 – 2000: Tìm hiểu những yếu tố quyết định tới chứng thừa trọng lượng.

- 2002 – 2006: Nghiên cứu các tác động của môi trường để từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa và chữa trị căn bệnh béo phì trong toàn dân.

Trong khuôn khổ của đề tài Fleurbaix Laventie Ville Santé, từ nhiều dữ liệu người ta đã xác định được mối quan hệ giữa hiện tượng thừa trọng lượng, béo phì và chứng trầm cảm. Các nhà khoa học dựa vào số vòng eo và chỉ số khối cơ thể để xác định một người có bị béo phì hay không. Chỉ số khối cơ thể = cân nặng /  chiều cao bình phương. Nam giới có vòng eo trên 90cm, phụ nữ có vòng eo trên 80cm được coi là béo phì. Đối với chỉ số khối cơ thể, những người có chỉ số trên 25 được xếp vào dạng thừa cân.

243 người đàn ông và 291 phụ nữ tuổi từ 30 đến 67 đã trả lời các câu hỏi để đánh giá mức độ trầm cảm ở họ theo thang điểm từ 0 (hoàn toàn không bị trầm cảm) đến 60 (cực kỳ trầm cảm). Thử nghiệm cho thấy, những người đàn ông đã từng phải gặp bác sỹ vì căn bệnh trầm cảm đạt số điểm từ 17 trở lên. Con số này là 23 ở phụ nữ. Kết quả: Một phần tư những người phụ nữ béo phì bị trầm cảm, trong khi chỉ 14% số chị em có trọng lượng bình thường hay bị trầm uất. Điểm trầm cảm tăng tỉ lệ thuận với số đo vòng eo và chỉ số khối cơ thể. Ở cánh đàn ông thì ngược lại, những đáng mày râu thừa cân hay phéo phì không bị trầm cảm nhiều hơn những người mảnh mai: tỷ lệ này là 16% và 19%. Số đo vòng eo tỷ lệ nghịch với mức độ trầm uất.

Đàn ông - đàn bà không bình đẳng trên cán cân

Để hiểu rõ hơn sự thiếu bình đẳng trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu các đặc điểm khác của những người có số điểm trầm cao nhất. Họ đã đưa ra nhiều giả thiết:

- Đàn ông thường có thói quen hút thuốc khi họ bị stress. Chất Nicôtin ngoài thuộc tính gây mất cảm giác đói còn khiến cơ thể phải tiêu hao năng lượng một cách đáng kể. Thói quen “xấu” này có thể giải thích vì sao cánh đàn ông ít lên cân, ngay cả ở những người có trình độ học vấn thấp. Xin nhắc lại rằng, trình độ học vấn có một vai trò khá quan trọng : những người đã từng học đại học có ít gấp ba lần nguy cơ bị béo phì so với những người chỉ học ở các trường trung học dạy nghề.

- Phụ nữ béo dễ trở nên tự ti vì cơ thể quá đẫy đà của mình và như vậy lại càng dễ trầm cảm. Nói chung, họ có một trình độ học vấn thấp. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, chứng trầm cảm xuất hiện đặc biệt ở những người mà căn bệnh béo phì còn liên quan đến các căn bệnh khác, hoặc những người gặp khó khăn trong cuộc sống do họ thuộc một tầng lớp xã hội thấp.

Ở giai đoạn nghiên cứu thứ 2, các nhà khoa học đã phân tích các yếu tố có ảnh hưởng tới việc tăng cân bao gồm cả thói quen ăn uống, hoạt động thể lực, yếu tố sinh học, hóc môn và gien ở cá thể và gia đình. Nhiều yếu tố ít có vẻ liên quan trực tiếp tới căn bệnh béo phì cũng đã qua sàng ọc, trong đó có chứng trầm cảm.

Phụ nữ béo buồn ở con tim và… béo ở hông

Đâu là mối quan hệ nhân quả giữa béo phì và trầm cảm ? Các nghiên cứu cho thấy những người bị béo thường cũng bị trầm cảm, song đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả ? Những tâm trạng trầm kha có thể là lý do hoặc là kết quả của tình trạng béo phì. Ăn uống vô độ có thể là một phản ứng của cơ thể lúc bực dọc, trầm uất hay stress.

Quỳnh Nga

Theo Doctissimo.fr

 
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""