TINH HOA XANH

Lật úp tất cả các vật chứa nước, không có bọ gậy không có sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 502 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 168 xã, phường thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát nhưng với diễn biến thời tiết mùa hè như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh này có khả năng gia tăng trong thời gian tới.

Sáng 14/6, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND quận Thanh Xuân tổ chức hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết".

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trong những năm qua, bệnh sốt xuất huyết vẫn còn là một gánh nặng sức khỏe không chỉ của người dân thành phố Hà Nội nói riêng mà còn là vấn đề sức khỏe của Nhân dân ở khu vực Đông Nam Á (khối ASEAN) nói chung.

Cuộc họp lần thứ 10, Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN (năm 2010) đã đồng thuận lấy ngày 15/6 hàng năm là "Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết". Đây là một sự kiện vận động xã hội được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh sốt xuất huyết, huy động các nguồn lực của cộng đồng để dự phòng và kiểm soát bệnh, thể hiện sự quyết tâm của khu vực trong giải quyết những thách thức trong phòng, chống sốt xuất huyết.

Điều kiện về môi trường, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh khiến Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch xâm nhập, cũng như tiếp tục bùng phát các dịch bệnh như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng...

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 502 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 168 xã, phường thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát nhưng với diễn biến thời tiết mùa Hè như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh này có khả năng gia tăng trong thời gian tới.

lat-up-tat-ca-cac-vat-chua-nuoc-khong-co-bo-gay-khong-co-sot-xuat-huyet-1Lật úp các dụng cụ chứa nước không cho muỗi đẻ trứng và bọ gậy phát triển. Ảnh minh họa.

    Do đó, ông Quý đề nghị, các đơn vị chủ động đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Cùng với đó, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường; duy trì hoạt động vệ sinh môi trường hàng tuần, chủ động phòng, chống dịch bệnh tại các xã, phường trọng điểm.

    Ngoài ra, cần giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, duy trì mạng lưới công tác viên ở các xã, phường trọng điểm về dịch bệnh, với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý dịch kịp thời không để dịch lan rộng, giảm số ca mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm lưu hành, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với những dịch bệnh mới nổi, xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa xã hội.

    Đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch. Thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất tử vong. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch..

    Ông Quý cũng đề nghị các tổ chức và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện và duy trì công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh vào các ngày thứ Bảy hàng tuần; Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng để mọi người tự áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.

    Nhân dịp này, Sở Y tế, lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã đã ký cam kết về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

    Bộ Y tế khuyến người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
    Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
    Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
    Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
    Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
    Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
    Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình với mục tiêu “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”.

    SK&ĐS

     

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""