Hà Nội rét đậm, bệnh nhân đột quỵ tăng cao
Mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu, tăng 20% so với ngày thường.
Chiều 2/1, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận rất đông bệnh nhân đến cấp cứu, trong đó số người bị đột quỵ chiếm gần một nửa.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trước dịp nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 160 bệnh nhân, trong đó 30-40% bị đột quỵ. Trong 4 ngày nghỉ Tết, số bệnh nhân đến cấp cứu giảm còn 130-140 bệnh nhân, song người đột quỵ chiếm tới 40%, tương đương 40-55 người mỗi ngày.
Theo Phó giáo sư Chi, nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân đột quỵ gia tăng là do miền Bắc đang trong giai đoạn rét đậm, rét hại. Ngoài ra, số bệnh nhân bị các bệnh hô hấp, tim mạch, thần kinh cũng tăng nhiều. So với ngày thường, thời gian này, bệnh nhân đột quỵ tăng 20%, số ca phải can thiệp cấp cứu và tử vong cũng cao hơn.
"Đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, loạn nhịp tim, bệnh van tim... Khi trời lạnh sẽ gây co thắt mạch làm bất ổn các yếu tố nguy cơ, là nguyên nhân gây đột quỵ", Phó giáo sư Chi giải thích.
Bệnh nhân đột quỵ đang được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thuý Hạnh. |
Phó giáo sư Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ do đi tập thể dục quá sớm. Mới nhất là người đàn ông ngoài 50 tuổi ở Hà Nội đi tập thể dục từ 4h sáng quanh Hồ Tây đột ngột ngã quỵ, bất tỉnh trên vỉa hè. Bệnh nhân được người đi đường phát hiện và đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
"May mắn bệnh nhân được chuyển đến trong khung giờ vàng nên sau khi điều trị tình trạng đã ổn định và hồi phục hoàn toàn", Phó giáo sư Tôn thông tin.
Bác sĩ lưu ý, nhiều người Việt có thói quen tập thể dục vào giờ không khoa học, trời lạnh vẫn đi tập lúc 4-5h sáng dù mưa rét. "Đây là một thói quen tai hại", bác sĩ Tôn nói. Vào mùa lạnh, người dân cần thay đổi thói quen tập thể dục, không nên tập quá sớm, thay vì 4-5h có thể đổi sang 8-9h sáng. Khi tập, cần căn cứ theo sức chịu đựng, có thể vận động, tập trong nhà.
Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được đưa đến viện cấp cứu trong giờ vàng để can thiệp còn rất thấp. Trong năm 2016, số bệnh nhân vào viện trong khung giờ vàng được điều trị tái thông bằng thuốc chỉ chiếm 1,5%. Tỷ lệ này tăng lên 2,5% trong 2017 và năm 2018 có 3,5% trong gần 7.000 bệnh nhân được điều trị.
Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ vào điều trị sớm cao hơn, khoảng 5-7% .
"Bệnh nhân vào viện trong 4-6 giờ sau khi có các triệu chứng được xem là giờ vàng để được can thiệp sớm, chi phí điều trị thấp mà di chứng cũng ít", phó giáo sư Tôn cho biết.
Tiến sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ nên đặt nằm cao đầu. Trong trường hợp người bệnh nôn, rối loạn ý thức, cần cho nằm nghiêng một bên tránh sặc chất nôn.
Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ loại thuốc gì, ngay cả nước lọc. Cố gắng đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân, lau sạch chất nôn, đờm dãi rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Không nên lãng phí thời gian vàng bằng cách xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu...
VnExpress