Đau dây thần kinh số V là một loại đau rất đặc thù, xảy ra đột ngột và ngắn không quá 1 phút.
Bệnh nhân bị đau một bên, cũng có một số rất ít đau dây V hai bên, nhiều bệnh nhân bị suy sụp nặng cả về thần kinh và thể xác, thường gặp ở lứa tuổi từ 50 - 70, phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Đau dây thần kinh V là một triệu chứng đặc thù, do đau thường gặp nhất ở vùng mặt - miệng, bên phải nhiều hơn bên trái, sau cơn đau trở lại hoàn toàn bình thường, giống như giả vờ nên nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm.
Tưởng đau răng, cụ ông tự nhổ hết hàm
Suốt 3 năm, người đàn ông 74 tuổi (Nghệ An) đau đớn liên tục vùng mặt nên nghĩ là do răng bị sâu. Cơn đau ngày một nhiều, không thể đánh răng rửa mặt, ông dùng nhiều loại thuốc giảm đau và châm cứu không bớt. Cho rằng do răng bị bệnh, ông tự nhổ gần như toàn bộ hàm răng của mình. Sau đó, cụ ông đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An khám. Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh cột sống chẩn đoán bệnh nhân bị đau dây thần kinh số V (dây tam thoa), chỉ định phẫu thuật giải áp vi mạch. Kíp bác sĩ đã tách mạch máu gây chèn ép ra khỏi dây thần kinh số V cho bệnh nhân. Lúc bệnh nhân tỉnh lại, cơn đau vùng mặt đã biến mất hoàn toàn. 1 tuần sau mổ, bệnh nhân được xuất viện. Hiện tại, ông có thể cười nói bình thường. Đây chỉ là một trong những trường hợp lầm tưởng khiến bệnh không khỏi suốt một thời gian dài.
Dây V được hợp thành từ 3 nhánh thần kinh là V1 - V2 - V3, mỗi nhánh nhỏ này cảm giác cho một phần của nửa mặt.
Nguyên nhân do đâu?
Dây thần kinh V thực hiện cả hai chức năng vừa cảm giác vừa vận động. Tuy vậy, chức năng chính là cảm giác và mỗi dây V sẽ tiếp nhận cảm giác cho một bên mặt. Dây V được hợp thành từ 3 nhánh thần kinh là V1 - V2 - V3, mỗi nhánh nhỏ này cảm giác cho một phần của nửa mặt (do đó dây V còn gọi là dây thần kinh tam thoa hay dây thần kinh sinh ba). Đây là thần kinh sọ lớn nhất. Đau dây thần kinh V là cảm giác đau một nửa mặt tại vùng chi phối của dây V. Cơ chế gây ra bệnh lý này vẫn còn chưa thật sự rõ ràng, hiện nay, các nhà chuyên môn cho rằng nguyên nhân là do bất thường trong hệ thống nhân dây thần kinh V; sự chèn ép của mạch máu vào vị trí dây V đi ra khỏi thân não.
Đặc điểm cơn đau
Cơn đau khởi phát đột ngột, thường gặp nhất là dạng giống điện giật, thỉnh thoảng dạng như nghiền và xé, nhưng ít khi gặp dạng nóng bỏng. Cơn đau này thường ngắn, kéo dài vài giây nhưng có thể các cơn đau xuất hiện liên tiếp với nhau làm cho cơn đau kéo dài trong 1-2 phút. Cơn đau có thể tái đi tái lại hàng ngày không theo quy luật nhất định, tần suất của cơn đau quyết định độ nặng của bệnh.
Đau có ít nhất 4 trong các đặc điểm sau: đau đột ngột, dữ dội, nhói, nông như đâm hay nóng bỏng; phân bố dọc theo một hay nhiều nhánh dây thần kinh tam thoa; cường độ nặng; được kích thích bởi các vùng cò súng hay bởi các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như ăn, nói, rửa mặt hay đánh răng; giữa các cơn bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng. Không có thiếu sót thần kinh. Các cơn được lặp lại ở mỗi bệnh nhân riêng biệt. Loại trừ các nguyên nhân đau mặt khác từ bệnh sử, khám thực thể và cận lâm sàng đặc biệt.
Do vậy, ngoài triệu chứng đau thì bệnh nhân không có dấu hiệu bất thường nào khác. Đây là yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán bệnh. Đôi khi ấn các điểm xuất chiếu dây V thấy đau: Điểm đau ở lỗ trên ổ mắt (xuất chiếu của dây mắt), điểm đau ở dưới ổ mắt (nơi nhánh dưới ổ mắt của dây hàm trên đi qua), điểm đau lỗ cằm (xuất chiếu dây hàm dưới). Tổn thương dây mắt có thể có giảm phản xạ giác mạc.
Những yếu tố nào gây nên chứng đau này?
Hiện tại, chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, với triệu chứng đau dây thần kinh số V đặc hiệu đã được công nhận như một nhiễm trùng do virut tại hạch Gasser hoặc các nhánh dây V ngoại biên. Ngoài vùng răng miệng thường nghĩ là có liên quan đến đau dây V, các khối u nằm ở vùng góc cầu - tiểu não và các vùng lân cận của góc cầu - tiểu não đôi khi cũng có liên quan đến đau dây thần kinh số V như: u màng não, u nang thượng bì, u tuyến yên, u ác tính di căn... có ảnh hưởng đến hạch Gasser hoặc 1 nhánh hoặc nhiều nhánh của dây V.
Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng một số trường hợp đau dây V thứ phát do các nguyên nhân như: do quá trình tăng sản của nền sọ chèn ép dây V (như ung thư vòm họng) vì các nhánh dây V đi qua các lỗ và các ống của xương mặt; bệnh ở các cấu trúc do dây V phân bố như: áp-xe răng, sâu răng, viêm mống mắt, viêm xoang...
Phương pháp điều trị
Ngoài những biểu hiện lâm sàng với những cơn đau đặc trưng, các bác sĩ còn loại trừ các bệnh khác có biểu hiện tương tự như: đau nhánh một dây V chẩn đoán phân biệt với: bệnh xoang mặt, thiên đầu thống và Migraine; đau nhánh hai dây V chẩn đoán phân biệt với: bệnh của răng hàm trên, tai, tuyến tai, xoang sàng; đau nhánh ba dây V chẩn đoán phân biệt với: đau răng hàm dưới.
Điều trị nội khoa: giống như phần lớn các trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh, đau thần kinh V sẽ không đáp ứng với giảm đau thông thường và đề kháng với morphin. Tuy nhiên, một số thuốc hướng thần kinh và tâm thần có hiệu quả khi dùng. Sử dụng thuốc với chủng loại và liều lượng thích hợp sẽ giúp làm giảm hay hết triệu chứng đau của người bệnh. Hầu hết các bệnh nhân đều có giai đoạn đầu đáp ứng với điều trị nội khoa dùng thuốc, đây cũng là một đặc điểm điển hình của bệnh lý này. Tuy nhiên, sau đó, khoảng 75% các trường hợp sẽ không còn thấy giảm đau khi dùng thuốc và bắt buộc phải điều trị bằng các can thiệp ngoại khoa.
Điều trị ngoại khoa bằng các thủ thuật và phẫu thuật: can thiệp phẫu thuật và thủ thuật được chỉ định cho những trường hợp điều trị bằng thuốc thất bại hay bệnh nhân có những tác dụng phụ nặng nề khi uống thuốc.
Phương pháp can thiệp có thể được áp dụng là: nhiệt đông thần kinh V qua da; tiêm glycerol trong bể thần kinh sinh ba; phương pháp chèn ép hạch Gasser qua da bằng bóng; phẫu thuật vi phẫu giải ép mạch máu. Nhưng cho tới nay, kỹ thuật vi phẫu giải ép mạch máu - thần kinh vi phẫu đã trở thành một phương pháp điều trị được lựa chọn chính trong điều trị đau dây V nguyên phát không đáp ứng với điều trị nội khoa. Phương pháp phẫu thuật này đã cho thấy hiệu quả giảm đau nhanh, tỷ lệ giảm đau cao, tỷ lệ tái lại thấp...
BS. Nguyễn Trọng Yến