TINH HOA XANH

Bộ trưởng Y tế cùng khách mời tập thể dục giữa cuộc họp

Rajio taiso là bài tập có xuất xứ từ Nhật Bản với các động tác vươn cao tay và hít thở rất đơn giản. Bộ Y tế Việt Nam cũng đang áp dụng và phổ biến bài tập này trong các giờ giải lao giữa cuộc họp để giúp xua tan mệt mỏi, căng thẳng, nâng cao sức khỏe.

Tổng thời gian bài tập là hơn 3 phút một lần.

Ngay trong buổi họp sáng nay 22/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu của 8 Sở Y tế các tỉnh/thành phố đã cùng thực hiện tập thể dục giữa giờ, giúp các đại biểu được vận động thư giãn và tăng chất lượng cuộc họp triển khai đề án y tế cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu tập thể dục giữa giờ họp ngày 20/2.

Trước đó, trong giờ giải lao của nhiều cuộc họp tại Bộ Y tế, các đại biểu đã rất hào hứng áp dụng bài tập này. Bộ Y tế hiện là đơn vị đi đầu thực hiện đúng chủ trương phát động phong trào vận động thể dục ngay tại công sở.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tập thể dục giữa giờ làm việc giúp thay đổi tư thế, đỡ mệt mỏi và tăng năng suất lao động cũng như cải thiện sức khỏe.

Theo Bộ trưởng, người Việt chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, khi có bệnh mới đến bệnh viện điều trị. 75% người tử vong do các bệnh không lây nhiễm mạn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, phổi tắc nghẽn... Các bệnh này liên quan đến lối sống, trong đó có thói quen vận động.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc vận động tại chỗ tuy nhỏ song mang lại nhiều lợi ích, hình thành thói quen để mọi người vận động nhiều hơn, đặc biệt là dân công sở.

Bộ Y tế sẽ phát động thực hiện phong trào thể dục giữa giờ tại công sở, kêu gọi mọi người cùng tập trong chương trình có tên "Sức khỏe Việt Nam". Mục tiêu hướng dẫn cộng đồng biết cách vận động, thể dục để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tăng cường vận động, đi bộ, 10.000 bước chân mỗi ngày - Thay đổi cuộc sống; Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; Ăn giảm muối, đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật.

Đo huyết áp 6 tháng một lần để phát hiện sớm tăng huyết áp; Đo đường máu ít nhất 1 năm một lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường...

 

sưu tầm

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""