Giấc ngủ là một phần quan trọng trong hoạt động hàng ngày của con người giống như thức ăn và nước uống. Trong cuộc sống bận rộn, nhiều áp lực, không phải ai cũng ngủ đủ giấc. Còn bạn thì sao?
TS. Trần Nguyễn Ngọc - Trưởng phòng điều trị Rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết: Ngủ là trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể có tính chất ngày đêm. Trong đó toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi, tạm dừng hoạt động tri giác, ý thức, các cơ bắp giãn mềm, các hoạt động hô hấp, tuần hoàn chậm lại.
Giấc ngủ là một phần quan trọng trong hoạt động hàng ngày của con người giống như thức ăn và nước uống. Thời lượng giấc ngủ cần thiết khác nhau giữa các lứa tuổi.
Theo khuyến cáo, trẻ sơ sinh cần 14-17 giờ/ngày, trẻ 1-2 tuổi cần 11-14 giờ/ngày, 6-13 tuổi cần 9-11 giờ/ngày, người lớn cần 7-9 giờ/ngày, người cao tuổi cần 7-8 giờ/ngày.
Có một thực trạng báo động hiện nay là nhiều người bị rối loạn giấc ngủ. Theo TS. Ngọc, đây là một rối loạn thuộc chuyên khoa Tâm Thần. Tỉ lệ mắc rối loạn giấc ngủ khác nhau giữa các nước. Ước tính tỉ lệ rối loạn giấc ngủ trong dân số chung dao động từ 4 đến 26%. Rối loạn giấc ngủ gặp ở hầu hết các rối loạn tâm thần (lo âu, trầm cảm, hưng cảm, nghiện chất....).
Bệnh nhân có rối loạn giấc ngủ thường than phiền về số lượng giấc ngủ (ngủ không đủ thời gian hoặc nhiều hơn thời gian cho phép); chất lượng giấc ngủ (ngủ dậy còn cảm giác mệt mỏi, uể oải, còn buồn ngủ...); hoặc có tình trạng khó vào giấc, thức giấc nhiều lần trong đêm, khó ngủ lại khi thức giấc, thức dậy sớm...; hoặc các biểu hiện xảy ra trong khi ngủ như: gặp ác mộng, mộng du, cơn hoảng loạn khi ngủ.... Rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của người bệnh.
TS. Ngọc khuyến cáo, khi bạn thấy mình có dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ ngoài thực hiện vệ sinh giấc ngủ và có chế độ dinh dưỡng phù hợp (hạn chế dùng chất kích thích...) nên khám và tư vấn chuyên khoa Tâm thần để được điều trị sớm và kịp thời.
Không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc an thần, gây ngủ để tránh tình trạng lạm dụng hay nghiện thuốc.
(SK&ĐS)