Kính thưa các Quý vị đại biểu!
Thay mặt Cục Quản lý dược-Bộ Y tế, Tôi nhiệt liệt chào mừng các Quý vị đại biểu, các vị đại diện cho các tổ chức Quốc tế, các cá nhân quan tâm đến đa dạng sinh học Việt Nam đến tham dự Hội thảo ngày hôm nay. Tôi hoan nghênh sáng kiến xây dựng dự án “Thương mại sinh học-Biotrade” của Cục hợp tác kinh tế Thụy Sỹ SECO với thiện chí thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia có thể phát huy lợi thế cạnh tranh của mình về đa dạng sinh học thông qua các chuỗi giá trị phù hợp với các quy định của Biotrade và các nguyên tắc, mục tiêu của Hiệp ước Bảo tồn đa dạng sinh học.
Ảnh: Cục trưởng Cục Quản lý dược phát biểu tại Hội thảo
Kính thưa Quý vị đại biểu!
Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú và đa dạng, không ít loài quý, rất đặc thù. Với ưu thế có nhiều tiểu vùng khí hậu, đồng thời có bờ biển trên 3000 km, Việt nam có các nguồn khoáng vật, thực vật và động vật, kể cả các vi sinh vật chứa các hoạt chất sinh học hết sức phong phú. Đó là điều kiện thiên nhiên hết sức thuận lợi để phát triển lĩnh vực sản xuất các loại thuốc chữa bệnh góp phần quan trọng cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân, ngoài ra còn là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như mỹ phẩm, chế biến thực phẩm,…
Tuy nhiên, cho đến nay, việc khai thác các loại thuốc có nguồn gốc từ dược liệu tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu, nguy cơ về dược liệu không an toàn, nguy cơ thiếu tri thức về phát triển, bảo tồn, sử dụng dược liệu; Ngân sách dành cho hoạt động quản lý công tác dược liệu còn hạn chế; Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây con làm thuốc, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cây giống, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch, bảo tồn nguồn gien vẫn còn chưa phát triển, chưa tận dụng được nguồn dược liệu trong nước để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Chính vì vậy, trong thời gian tới công tác dược liệu phải được chấn chỉnh, phải có những đổi mới kịp thời mới có thể đẩy mạnh việc phát triển dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước, đưa công tác phát triển dược liệu và sản xuất thuốc từ dược liệu từng bước đi lên một cách vững chắc đúng với vị trí và tầm quan trọng của nó trong ngành dược nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Chính vì vậy từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của VN giai đoạn 2007-2015 và tầm nhìn đến 2020” tại Quyết định số 43/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007, trong đó chỉ rõ:
Phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu và thuốc y học cổ truyền; đẩy mạnh công tác quy hoạch, nuôi trồng và chế biến dược liệu, xây dựng công nghiệp bào chế thuốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền trở thành một phần quan trọng của ngành Dược Việt Nam; đảm bảo số lượng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền chiếm 30% số thuốc được sản xuất trong nước vào năm 2015 và 40% vào năm 2020.
Tuy nhiên đến nay, kết quả đạt được còn quá khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có về dược liệu ở nước ta. Số lượng SĐK thuốc đông dược sản xuất trong nước mới chỉ chiếm hơn 10% tổng số SĐK thuốc lưu hành ở Việt Nam. Trong cả nước có hơn 300 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu nhưng mới chỉ có 01 Doanh nghiệp có vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Tỷ trọng dược liệu trong nước được sử dụng trên tổng tiền thuốc bình quân đầu người còn thấp. Dược liệu và thuốc từ dược liệu vẫn chưa phải là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao, bền vững trong doanh số xuất khẩu. Chúng ta chưa có chính sách để thu hút người dân tham gia nuôi trồng cây thuốc. Nông dân chúng ta còn quan tâm đến việc sản xuất cây, con ngắn ngày nhiều hơn là trồng cây thuốc lâu năm. Chủ yếu thì dưới hình thức tự phát, nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch. Người trồng vẫn còn có nỗi lo về hiệu quả, về đầu ra, về giá cả và tính ổn định lâu dài.
Nhận thức được những bất cập tồn tại nêu trên, ngày 30/5/2010 tại Bình Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị có sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, UBND một số địa phương có tiềm năng về dược liệu về “Phát triển dược liệu và các sản phẩm thuốc quốc gia”. Phó Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế và các Bộ ngành có liên quan triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nhằm củng cố và phát triển dược liệu, trong đó có một số nhiệm vụ lớn có tính chất trọng tâm, trọng điểm:
- Triển khai xây dựng đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”; Đề án này đã được Cục QLD phối hợp với Viện Dược liệu xây dựng và đang trong quá trình lấy ý kiến các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành y tế, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2012.
- Triển khai xây dựng đề án “Chương trình quốc gia bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu trong nước và các sản phẩm từ dược liệu giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;
- Xây dựng hồ sơ 40 dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế để khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu trong nước.
- Xây dựng và phát triển các mô hình Thực hành tốt trồng và thu hái dược liệu (GACP) trên một số cây thuốc thuộc danh mục 40 dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường.
- Xây dựng các đề án, đề tài nhằm phát triển dược liệu, tăng cường công tác quản lý chất lượng, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược liệu, thuốc từ dược liệu;
- Tập trung sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về dược liệu, thuốc từ dược liệu, ….
Để góp sức cùng với Bộ Y tế, Dự án phát triển các hoạt động thương mại sinh học trong lĩnh vực hợp chất tự nhiên tại Việt Nam giai đoạn 2012-2014 mà Hội thảo hôm nay là sự kiện khởi động, là dự án có ý nghĩa rất lớn vì các chuyên gia của dự án sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách và môi trường pháp lý để phát triển thương mại sinh học, kinh nghiệm trong việc nuôi trồng, thu hái, sản xuất cũng như tiếp cận thị trường một cách hiệu quả đối với các sản phẩm từ hoạt chất tự nhiên tuân thủ thương mại sinh học từ Việt Nam cũng như trên thế giới.
Với tinh thần đó, Tôi đề nghị Viện Dược liệu hợp tác chặt chẽ với tổ chức Helvetas Swiss International triển khai một cách nghiêm túc, đúng tiến độ, hiệu quả và đúng mục tiêu của Dự án nhằm góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp các sản phẩm từ hợp chất tự nhiên, đáp ứng các nguyên tắc thương mại sinh học và các tiêu chuẩn quốc tế. Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị triển khai Dự án theo quy định.
Chúc sức khỏe các Quý vị đại biểu,
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!