TINH HOA XANH

Lịch sử ngày 27/2: Ngày thầy thuốc Việt Nam

                          27/2 NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM


Lịch sử Việt Nam trải qua mấy nghìn năm với biết bao biến cố thăng trầm. Cách đây 65 năm, 27/2/1955, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội Nghị Cán Bộ Ngành Y Tế với những lời dạy quý báu: “Thương yêu người bệnh-Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.” Trong lịch sử y học Việt Nam, có rất nhiều bậc danh y tâm cao, đức dày là tấm gương soi cho mọi người.
 

Liệu có ai còn nhớ tên tuổi của bậc danh y tài năng xuất chúng, hết lòng yêu thương người bệnh? Đó chính là Hãi Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ông xứng đáng là một tấm gương, một nhân cách cao thượng. Di sản ông để lại cho hậu thế thật đồ sộ và quý giá.
 

Tôi rất ngưỡng mộ về tài năng và y đức của ông. Thật hạnh phúc khi một lần nữa được nhắc tên ông Hãi Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Tôi nhớ như in những câu chuyện kể về ông. Chuyện kể rằng, có lần một nhà quyền quý mời ông chữa bệnh, thấy ông đến muộn mới hỏi thì được biết trên đường đi ông ghé vào chữ bệnh cho người nghèo. Khi bị trách, ông đáp bệnh này là bệnh nhẹ nên có thể chữa sau, còn bệnh người nghèo kia là bệnh nặng nên không thể trì hoãn. Không những thế, khi khám bệnh cho người nghèo ông không lấy một đồng thù lao nào mà còn tặng ngược lại cho gia đình gạo, củi, dầu…
 

Danh y đã dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân dạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Rất nhiều thầy thuốc đã nêu gương sáng cho chúng ta học tập như giáo sư-bác sĩ Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ- liệt sĩ Đặng Thùy Trâm… và còn nhiều thầy thuốc, lương y khác trong hàng ngũ “Anh hùng áo trắng” đã nêu gương sáng cho đời mà ta không thể nào kể hết được.
Hơn thế nữa, những thầy thuốc Việt Nam đã giành thắng lợi trên những mặt trận phòng chống bệnh dịch như dịch cúm A (H1N1), (H5N1), SARS, EBOLA, dịch bệnh tay-chân- miệng ở trẻ em và nay xuất hiện đại dịch Covid - 19...

 

Thật đúng với tâm niệm Hãi Thượng Lãn Ông: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người, phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công”.
Ngày nay, thầy thuốc là hình ảnh nhiều kì vọng trong mắt người bệnh. Ngoài các yêu cầu chắc chắn về chuyên môn, nghề này không thể chấp nhận thiếu đạo đức nghề nghiệp, coi thường mạng sống. Và không ít trường hợp do tay nghề kém, thiếu trách nhiệm đã khiến bệnh nhân tử vong một cách oan uổng. Chẳng hạn, vụ án của thẫm mĩ viện Cát Tường làm dấy lên một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, gây bất an lẫn thương tiếc cho cả gia đình và xã hội.
Đặc biệt, mặc dù trình độ non kém, chưa được các cơ quan thẫm quyền cấp phép nhưng không ít bác sĩ vẫn mở phòng mạch riêng, ngang nhiên hành nghề, bất chấp những hậu quả khôn lường có thể xảy ra đối với người bệnh… Những vụ việc nói trên đang dần làm hoen ố hình ảnh “Thầy thuốc như mẹ hiền” và làm ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của biết bao những người làm nghề y đang ngày đêm trăn trở về sức khỏe người bệnh.
Ông cha ta từng nói: “Mất bò mới lo làm chuồng”. Thế nhưng, với ngành y tế, “bò” đã mất dần nhưng “chuồng” vẫn chưa xây xong. Rõ ràng, những sự việc đau lòng này đã xảy ra từ lâu, nhưng vẫn còn dấu ấn đậm nét không thể phai mờ trong lòng người thân, gia đình, bạn bè của người phụ nữ đã ra đi trong vụ án Cát Tường. Và ở tầm vĩ mô, những người làm công tác quản lí trong ngành y vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.

 

Nhìn chung, đội ngũ thầy thuốc nước ta hiện nay vẫn giữ được y đức và y thuật cao, ngày đêm tận tụy vì sức khỏe của nhân dân. Một số thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh, không nhận thù lao của bệnh nhân, có người còn giúp đỡ tiền để bệnh nhân nghèo chữa bệnh, còn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí,.. Gần đây, trên cộng đồng mạng xôn xao việc “thần y” Võ Hoàng Yên, có khả năng đặc biệt chữa được bệnh “bác sĩ chê, bệnh viện đuổi” như câm, điếc, bại liệt,… Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Lập ở Hà Tĩnh, đưa mẹ già 90 tuổi bị bại liệt nữa người 15 năm,đã tìm thần y chữa bệnh. Ngay lúc hết bệnh vì quá phấn khởi nên bà cụ đã bỏ quên chiếc xe lăn đã từng gắn bó với mình trong 15 năm qua để tập nói rồi tập đi và có lẽ không có niềm vui nào vui hơn đối với bà lúc này. Ông còn đi khắp nơi để trị bệnh và cuối cùng ông được chính thức được kết nạp vào hội viên của Hội Đông y tỉnh Hà Tĩnh. Đây là sự ghi nhận của địa phương này, vì công lao đóng góp cho việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bên cạnh đó, có một số người cho rằng khi vào bệnh viện cảm thấy khó chịu vì gặp phải y, bác sĩ quá kiệm lời, thiếu niềm nở và từ đó họ có cái nhìn không hay về người thầy thuốc. Thế nhưng, chỉ cần ta ở trong bệnh viện vài giờ, quan sát thấy các bác sĩ phải liên lục tiếp nhận và xử lí với nhiều ca bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y, nhiều thứ bệnh nguy hiểm, ta mới cảm thông. Hằng ngày, hằng giờ bác sĩ phải tiếp xúc với những cơ thể bệnh tật, những máu, mủ với đủ thứ vi trùng, vi rút,… Vậy mà, vào ca trực các bác sĩ vẫn sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng, đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả… Vì sức khỏe, tính mạng người bệnh, người thầy thuốc đang từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần đem lại sự sống cho con người.

 

Nhân dịp kỉ niệm 65 năm, Ngày Thầy Thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/20220), nhắc lại tấm gương y đức của bậc danh y Lê Hữu Trác và lời dạy của Bác trong lá thư tưởng chừng đơn sơ, mộc mạc nhưng nó mang đậm tính triết lí sâu xa, nhân văn sâu sắc, hi vọng y đức nước nhà sẽ được vun đắp tốt đẹp hơn.
 

 

(Sưu tầm)

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""